Ở nơi đó, có những gia đình 3-4 đời gắn chặt với ma túy, chồng bán thuốc cho vợ, con bán bố dùng, cán bộ cũng là con nghiện. Mường Lát, huyện xa nhất của Thanh Hóa (cách trung tâm TP Thanh Hóa hơn 250km về phía Tây Bắc), vùng biên này luôn là điểm nóng về ma túy của Thanh Hóa.
Không chỉ số con nghiện, đây từng là mảnh đất màu mỡ trồng cây thuốc phiện, con đường ma túy từ Lào vào Việt Nam... Ma túy đã gây ra không ít hệ lụy cho người dân, an ninh, trật tự xã hội nơi vùng biên này.
Lên Mường Lát chỉ có con đường độc đạo là Quốc lộ 15C, với vài chiếc xe già cỗi, ọp ẹp, các bộ phận trên xe có thể rơi rụng bất cứ lúc nào. Hành khách có thể thở phào nếu chuyến xe tới đích trong ngày, không phải ngủ lại qua đêm dọc hành trình vì xe hỏng máy, nổ lốp, rơi ốc vít… hầu như chuyến nào cũng xảy ra.
Thành xe, phía trên hàng ghế, đối diện cửa lên xuống “đập” ngay vào mắt hành khách dòng chữ: “Đề nghị hành khách không vận chuyển, sử dụng chất ma túy”, nó như nhắc khách phương xa về nơi sắp tới…
Ở điểm cuối hành trình có những gia đình 4-5 người nghiện, nghiện truyền đời, từ đời ông, tới đời cha, rồi đời con; từ nghiện thuốc đen (thuốc phiện), rồi thuốc trắng (heroin), tới đời cháu chuyển sang chích. Cũng không ít gia đình chồng bán ma túy cho vợ, con bán cho bố, chồng đi tù vì bán ma túy thì có vợ nối nghiệp…
Giàng A Khua (bên phải) đã nghiện hơn 40 năm nay |
Dân số Mường Lát khoảng 35.000 người (người dân tộc Mông chiếm tới 42%, với gần 14.000 người), nhưng có tới 454 con nghiện có hồ sơ công an quản lý và gần 80 đối tượng nghi nghiện, tính ra khoảng 20 hộ gia đình có một con nghiện.
Phần lớn đối tượng buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy là người Mông, tập trung ở các xã: Trung Lý, Pù Nhi, Nghi Sơn, Mường Lý. Đây là những xã có đường biên giáp với bản Khằm Nàng, Na Hàm (cụm Nậm Ngà, huyện Viêng Xay) - tập trung nhiều đường dây mua bán ma túy lớn của nước bạn Lào.
“Ở bên kia biên giới, số nhà buôn bán tuy không nhiều, nhưng hầu hết là buôn bán lớn, muốn bao nhiêu hàng cũng có, đủ loại. Có những gia đình người Mông trong nhà luôn trữ sẵn vài chục bánh heroin là bình thường”, Phó Đồn trưởng đồn Biên phòng Pù Nhi thượng úy Nguyễn Hữu Hùng nói.
Trước đây, thậm chí họ bán nợ cho người Việt, nhưng vài năm gần đây Biên phòng tăng cường đấu tranh, bị bắt nhiều, có người lợi dụng rồi quỵt tiền, nên giờ giao dịch theo kiểu manh động này lắng lại và tinh vi, chắc chắn hơn.
Thượng úy Hùng chỉ về phía hai người đàn ông đang băng băng leo đồi phía xa bảo, người Mông đi bộ và leo rừng rất giỏi, Biên phòng cứ chặn lối này là họ lại mở lối khác để đi, trên toàn tuyến biên giới qua huyện Mường Lát (dài 100km) bình quân mỗi kilômét có 2 - 3 lối mòn.
Đường vào bản Cá Giám, Cánh Cộng (xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) với nhiều dốc cao, dựng đứng, đá lởm chởm. |
Thượng úy Hùng dẫn tôi theo lối mòn về hướng biên giới, hết lên đồi lại qua suối, từ khoảng rẫy trồng sắn sang vạt nương trồng lúa của đồng bào người Mông.
Nghỉ chân trên đỉnh ngọn đồi cao, chỉ về phía những dãy đồi núi phía xa trọc lốc, trơ đất đá như chính ngọn núi chúng tôi đang đứng, thượng úy Hùng hồi tưởng: 15 năm trước, tất cả đây đều là những cánh rừng bạt ngàn, cây to vài người ôm, hổ, báo không thiếu.
Nhưng từ năm 1996-1997, khi làn sóng người Mông từ Sơn La, Lai Châu, Yên Bái… di cư vào thì rừng bị phá dần để làm rẫy sắn, nương ngô.
Theo bước chân họ, rừng cứ thế mất dần. Nhiều dòng suối trước đây nước chảy quanh năm, giờ chỉ còn những khe trơ đá bạc.
“Khi dòng suối kia còn chảy, rừng che chắn, bên đấy từng là rẫy trồng cây thuốc phiện của người Mông. Nhiều lần đồn vận động bà con phá và không trồng thuốc phiện nên họ cũng dần bỏ”, thượng úy Hùng nói rồi chỉ tay về thung lũng dưới bản.
Anh giải thích thêm, cây thuốc phiện chỉ thích hợp nơi có khí hậu ẩm ướt, đất đai màu mỡ, và để che giấu nên người dân thường vào giữa rừng sâu trồng.
Để phát hiện, ngoài việc tuần tra kiểm soát, nắm tin từ quần chúng, lực lượng chức năng thường lần theo các con nghiện. “Các con nghiện thiếu tiền mua thuốc thường lần tìm các rẫy trồng cây thuốc phiện để hái lá ăn, hoặc cạo trộm mủ về hút”, thượng úy Hùng giải thích thêm.
Con bán ma túy cho bố
Rời xã Pù Nhi, chúng tôi theo chân trung tá Hoàng Văn Thành vào bản Cá Giám và Tà Cóm, hai bản xa và phức tạp nhất về ma túy của xã Trung Lý (Mường Lát).
Về lý thuyết, con đường dài hơn 50km vào bản là đường ô tô, nhưng hơn 5 năm qua, từ ngày có con đường tới nay chỉ duy nhất chiếc Zin tải thời đất nước thống nhất 1975 dám qua lại đường này để vận chuyển hàng hóa. Con đường đi men sườn núi, bên là vực sâu hàng trăm mét kéo thẳng xuống dòng sông Mã.
Chiếc xe máy đưa tôi vào bản phần lớn cài số 1 mới đủ sức bò lên những con dốc gần như dựng đứng, dài cả trăm mét, và cũng chỉ số 1 mới đủ sức hãm chiếc xe lao xuống dốc khi lên tới đỉnh. Với con dốc quá cao, đá lởm chởm chúng tôi phải người dắt, người đẩy xe mới qua được.
Tôi chợt thoáng chốc nhớ tới câu thơ của nhà thơ Quang Dũng: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây, súng ngửi trời/Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, khi chiếc xe vừa “bò” lên đỉnh đã vội lao nhanh xuống.
“Trời nắng còn đi được, trời mưa thì chỉ có nước vào nhà dân bên đường xin ở nhờ. Đường lầy lội, có chỗ bùn đất ngập nửa bánh xe không thể bò nổi. Chưa nói nước suối lên có muốn đi cũng không được”, trung tá Thành nói như để xua đi căng thẳng khi chiếc xe vừa lao xuống con dốc chỉ có một lối nhỏ sát vực dành cho xe máy.
Suốt con đường, người lái chỉ cần mất tập trung thoáng chốc run tay là xe có thể lao ngay xuống vực. Tôi ngồi sau bám chặt vào khung vịn để người khỏi trôi về trước hoặc tuột ra sau.
Trưởng bản Tà Cóm (xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa) Thào A Thái cho biết, cả bản có 500 khẩu, nhưng có hơn 20 con nghiện, 3 nhà chuyên buôn bán, vận chuyển ma túy.
“Việc tuyên truyền để người dân từ bỏ ma túy rất gian nan, do có cả cán bộ bản cũng nghiện, nói dân bản không nghe”, ông Thái nói rồi lắc đầu. Người cán bộ mà ông nhắc tới là Thào A Tính, Bí thư bản Tà Cóm, đã nghiện từ 3 năm nay.
Đoạn đường chỉ hơn 50km nhưng phải mất hơn 4 giờ đồng hồ mới tới nhà ông Giàng A Khua (dân tộc Mông, ở bản Cá Giám, xã Trung Lý), một trong gần chục con nghiện của bản.
Phải đợi tới xế chiều mới thấy người đàn ông gầy gò, dáng đi liêu xiêu, quần áo xộc xệch về. Trung tá Thành thúc nhẹ vào tôi nói nhỏ “ông Khua đi rẫy về đấy”.
Dù mới 60 nhưng ông hom hem, nhàu nhĩ mặt chằng chịt nếp nhăn, cổ và tay những đường gân xanh vắt chằng lên nhau. Thân hình ông gầy gò lọt thỏm trong chiếc áo phông sờn màu, một vài chỗ bục chỉ để lộ phần da xám ngắt.
Tiếp chúng tôi, ông không ngần ngại kể “chiến tích” nghiện của mình, mà chính ông cũng không nhớ nghiện từ năm nào, chỉ biết khoảng 20 tuổi ông đã hút
“Lấy vợ được 3 năm thì mình nghiện, lúc đấy là nghiện thuốc đen (thuốc phiện - PV) nhà tự trồng lấy. Nhà trồng rất nhiều, mỗi năm thu được 2-3 cân. Nhưng mấy năm nay cán bộ không cho trồng, thuốc đen người ta cũng không bán nữa, nên mình phải chuyển sang hút thuốc trắng (heroin - PV)”, ông Khua nói khi vẫn mân mê điếu thuốc lá chúng tôi vừa mời.
Thoáng suy tư, ông tiếp: Xưa bố mẹ ông đều hút thuốc đen cả, tới ông hút, rồi em trai ruột Giàng A Tú, em họ Giàng A Tông cũng hút, tới con rể Vàng A Tông đã chuyển sang chích. Vài năm trước con rể ông cũng đem ma túy về bán, lúc đấy ông là khách hàng thường xuyên.
“Biết nó nghiện mình vận động bỏ nhưng nó không nghe, nó còn bán lại thuốc cho mình, mà có tiền nó mới cho. Con rể nhưng nó keo lắm, xin một bi cũng đòi tiền”, nói tới đây ông dừng lại để kéo một hơi thuốc thật dài, ngửa mặt lên trời nhả khói rồi nhếch miệng cười./.
(Theo Tiền phong)