Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo yêu cầu các ngành đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký văn bản 413/TTg-TH yêu cầu các bộ, cơ quan triển khai ngay nhiệm vụ Chính phủ giao. Trong đó, Thủ tướng cũng "thúc" các bộ ngành cải thiện môi trường kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ phải thực chất; không cắt giảm, bãi bỏ hoặc sửa đổi theo kiểu cơ học thuần túy, gộp nhiều điều kiện vào một điều kiện; tuyệt đối không cắt giảm, bãi bỏ cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi.
Sau nhiều nỗ lực chỉ đạo từ Chính phủ, đã có trên 5.000 thủ tục hành chính được cắt bỏ, đặc biệt là các điều kiện kinh doanh gây khó cho doanh nghiệp. Nhờ đó môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam được thế giới đánh giá luôn có những bước tiến bộ, thuộc nhóm đầu của khối ASEAN.
Ngân hàng Thế giới đánh giá thăng hạng môi trường kinh doanh dựa trên nhiều chỉ số, trong đó Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp cải cách kinh tế hợp lý trong thời gian qua.
Kết quả là 8/10 chỉ số tăng mạnh, trong đó, 5 chỉ số có tác động tích cực nhất đến môi trường kinh doanh chung ở Việt Nam gồm: Chỉ số vay vốn, nộp thuế, tiếp cận điện năng, giao thương quốc tế, và thực thi hợp đồng.
Dù vậy thực tế hiện nay vẫn còn không ít doanh nghiệp tư nhân thua lỗ vì vấp phải rào cản thủ tục. Báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới công bố đã cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ tăng cao liên tục từ năm 2012, và hiện nay lên đến hơn 48% tổng số doanh nghiệp.
Trong 3 nhóm doanh nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tỷ lệ thua lỗ cao hơn hẳn so với doanh nghiệp Nhà nước.
Nhiều thủ tục hành chính đã được cắt giảm đáng kể, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, quy trình rườm rà trả thành rào cản cho doanh nghiệp phát triển (ảnh minh họa). Ảnh: Thanh Hà/TTXVN. |
Tại Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn (Trường đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, các rào cản liên quan đến môi trường đầu tư và kinh doanh phải nhắc đến là thủ tục hành chính, chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận thông tin và các nguồn lực về vốn, đất đai...
Đáng nói, vụ việc gần đây tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đình Vũ (Hải quan Hải Phòng) có hiện tượng nườm nượp cảnh kẹp tiền đưa – nhận. 3 cán bộ hải quan đã bị tạm đình chỉ để làm rõ trách nhiệm của công chức trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thủ tục hành chính đã cắt giảm và nhiều công đoạn đã thực hiện bằng điện tử, tuy nhiên vẫn còn có khâu, quy trình doanh nghiệp phải tiếp xúc với cán bộ hành chính, phải nộp hồ sơ giấy tờ bản cứng. Điều này có nghĩa doanh nghiệp vẫn phải chi một khoản “bôi trơn” để công việc được hanh thông.
Người dân phải được sống an toàn, hạnh phúc, doanh nghiệp thành công |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Trong những năm gần đây môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam được các tổ chức tín dụng uy tín nước ngoài đánh giá rất cao.
Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh do ngân hàng Thế giới công bố thì Việt Nam tăng nhiều bậc.
Điều này thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít rào cản đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam”.
Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng: “Nhà nước cần có hành lang pháp lý ổn định để doanh nghiệp tư nhân yên tâm làm ăn thì doanh nghiệp sẽ phát triển.
Bởi doanh nghiệp tư nhân được xác định là nòng cốt của nền kinh tế. Có thể chỉ ra một số doanh nghiệp tư nhân góp phần quan trọng vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam như Tập đoàn Vingroup, nhà máy sản xuất ô tô Vinfast mới ra đời nhưng theo kế hoạch chỉ hơn 1 năm đã có sản phẩm đầu tay. Hay THACO Trường Hải vừa mở nhà máy hiện đại 80% là tự động hóa.
Ngoài ra, khối doanh nghiệp FDI đóng góp đáng kể qua con số kim ngạch xuất khẩu năm 2017”.
Chính phủ rất nỗ lực trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tư nhân bứt phát, phát triển. Nhưng sự chuyển biến ở các bộ ngành, địa phương vẫn chưa thực sự đi vào thực chất, vẫn còn chủ yếu là hô hào.
Về việc này, Giáo sư Nguyễn Mại bày tỏ: “Đây là điều đáng buồn, còn một số bộ ngành chưa thực sự cắt giảm, cải cách quy trình, thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư được người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo rất lâu rồi, nhưng một số bộ ngành chuyển biến chậm.
Còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh” khiến những thủ tục hành chính rườm rà, môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư còn nhiều bất cập gây cản trở cho khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI.
Trong đó có hai bộ thực hiện sớm hơn là Bộ Xây dựng và Bộ Công thương cắt giảm mạnh thủ tục hành chính. Gần đây một số bộ ngành khác cũng tiến hành cắt giảm các thủ tục hành chính, nhưng không ít thủ tục phức tạp, rườm rà gây khó cho doanh nghiệp vẫn còn”.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, ngoài việc cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà thì vẫn còn một bộ phận cán bộ công chức gây nhũng nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp. Ảnh: V.P |
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức - Thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam đánh giá: “Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh được ghi nhận bằng việc thay đổi, cải tiến, cắt giảm thủ tục hành chính là khá tốt. Về mặt số thủ tục hành chính được cắt giảm khá nhiều, nhưng chưa thực sự thay đổi về chất”.
Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức, nguyên nhân chưa có sự chuyển biến, thay đổi tích cực về chất có nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề là do lịch sử để lại có nhiều thủ tục rườm rà gây khó cho doanh nghiệp.
Vấn đề nữa đó là nhiều thủ tục hành chính, quy trình, và đặc biệt là yếu tố con người mang tính quyết định. Tức là cắt thủ tục này, nhưng thủ tục rườm rà, phức tạp vẫn còn. Đặc biệt, vẫn lối tư duy của không ít cán bộ cứ “hành là chính” khiến doanh nghiệp phải lót tay, bồi dưỡng dù doanh nghiệp có đầy đủ giấy tờ, đúng quy trình, thủ tục.
Như câu chuyện tiêu cực tại Hải quan Hải Phòng thì thấy quy trình, thủ tục đã cắt giảm, nhưng con người thực thi vẫn gây khó khăn, nhũng nhiễu khiến doanh nghiệp buộc phải “bôi trơn” để thông quan. Câu chuyện một container hàng từ Hà Nội đi Hải Phòng chi phí còn đắt hơn từ Hải Phòng sang Hồng Kông hay sang Singapore.
“Không ít doanh nghiệp đang phải “sống chung với lũ”, khéo thì chi phí ngoài, chi phí bôi trơn ít đi, còn nhiều thì lãi ít, nhưng vì thế mà không làm thì giải thể, phá sản”, ông Đức nói.