Dư luận vừa qua phẫn nộ trước một số chủ rừng được giao khoán rừng trên báo đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) thuê công nhân ngang nhiên lập lán trại trong rừng, chặt phá cây rừng, tự ý mở đường, phá vỡ cấu trúc tự nhiên của các tầng tán…
Sau khi bị người dân phát hiện, báo cơ quan chức năng và báo chí vào cuộc, những người này đã bị xử lý, lán trại bị phá dỡ.
Đặc biệt, Hạt trưởng Trần Văn Thanh và Hạt phó Lê Phước Bảy (Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn) bị cách chức vì để người dân tự phá rừng mà lực lượng Kiểm lâm không hề hay biết!
Một số diện tích rừng trên bán đảo Sơn Trà bị chặt phá thời gian qua. |
Vậy, rừng trên bán đảo Sơn Trà có điều gì mà hễ ai “đụng” vào là bị dư luận lên án?.
Được biết, bán đảo Sơn Trà có diện tích 4.439 hecta đất liền, nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về phía Đông. Đây là bán đảo được xem là “viên ngọc quý” với bờ biển dài, uốn lượn cùng hệ động thực vật đa dạng.
Theo ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet), rừng trên bán đảo Sơn Trà là một “báu vật”, là “lá phổi xanh” của Đà Nẵng.
Diện tích rừng ở bán đảo Sơn Trà là nơi sinh sống của nhiều gia đình Voọc chà vá chân nâu quý hiếm với hàng trăm cá thể.
Đặc biệt, Tết Bính Thân vừa qua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã gửi thiệp chúc tết đến các ban ngành với thông điệp kêu gọi bảo tồn loài Voọc chà vá chân nâu đặc biệt quý hiếm này.
Hơn 55.000 bao lì xì có hình ảnh và thông điệp bảo tồn Voọc chà vá chân nâu cũng được UBND TP Đà Nẵng cho phép phát miễn phí đến cán bộ, công viên chức và cộng đồng TP Đà Nẵng.
Hiện nay có khoảng 300 cá thể chà vá chân nâu, hơn 985 loài thực vật và gần 378 loài động vật sinh sống trên rừng ở bán đảo Sơn Trà. |
“Voọc chà vá chân nâu là một trong 25 loài thú linh trưởng của Việt Nam. Loài này chỉ phân bổ ngoài tự nhiên trong lãnh thổ thuộc ba nước Đông Dương, trong đó Việt Nam là nơi phân bổ quan trọng của loài.
Tại Việt Nam, Voọc chà vá chân nâu phân bố phân tán trong các khu rừng bị chia cắt từ Nghệ An đến Kon Tum, Gia Lai. Trong đó chỉ có quần thể ở bán đảo Sơn Trà đang là quần thể được điều tra nghiên cứu đầy đủ, dễ tiếp cận và quản lý nhất”, ông Vỹ cho biết.
Trước sự xâm hại đến rừng Sơn Trà trong thời gian vừa qua, ông Vỹ phân tích, với đặc điểm địa hình và địa chất của bán đảo Sơn Trà, hệ thực vật có chiều cao trung bình thấp, nhiều loài cây bụi.
Vì vậy, nếu việc chặt phá rừng vẫn tiếp diễn thì sẽ gây ra hậu quả mất đi tầng này, phá vỡ cấu trúc tự nhiên của các tầng tán, thay đổi độ ẩm bề mặt đất dẫn đến mất môi trường sinh sống của một số loài động vật sống và kiếm ăn trên mặt đất như gà rừng, lợn rừng, mang, rùa, rắn…
“Hiện ở rừng Sơn Trà có khoảng 143 loài thực vật có tiềm năng như Bách bộ, Thiên môn, Cà dây leo, Mãn kinh tử…Nếu cứ để việc phá rừng diễn ra thì sẽ phá vỡ hệ thực vật tự nhiên, về lâu dài là nguy cơ mất đi một khu rừng già nguyên sinh với hệ động vật thực vật tự nhiên trong lòng thành phố Đà Nẵng”, ông Vỹ nói.
Đứng trên bán đảo Sơn Trà nhìn về thành phố Đà Nẵng. |
Được biết, diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc quyền quản lý của UBND phường Thọ Quang là vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà – nơi hiện nay có khoảng 300 cá thể chà vá chân nâu, hơn 985 loài thực vật và gần 378 loài động vật sinh sống.
Đó là nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quý giá của thành phố Đà Nẵng. Một khi nguồn tài nguyên mất đi thì không bao giờ lấy lại được.
Vì vậy, cần bảo tồn nhằm mang lại những giá trị lợi ích to lớn sau này cho sự phát triển của thành phố, đặc biệt các giá trị khoa học, giáo dục, lịch sử, nghệ thuật, nhân văn và kinh tế.
Tại cuộc họp ngày 3/3 xử lý việc để phá rừng Sơn Trà thời gian qua, thường trực Thành ủy Đà Nẵng giao cho UBND TP chỉ đạo cho thanh tra thành phố, tiến hành tổng thanh tra trở lại tòan bộ việc kiểm lâm bảo vệ rừng ở Sơn Trà.
Đồng thời cho chủ trương thu hồi việc giao khoán rừng, trồng rừng cho các hộ cá nhân. Giao Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng tham mưu cho thành phố cơ chế quản lý trên tình thần thu hồi diện tích giao khoán cho các cá nhân, với diện tích hơn 500 ha rừng.
Điều đáng quan tâm, qua sự việc tự tiện phá rừng vừa qua, người dân mong chính quyền Đà Nẵng có chính sách bảo vệ rừng quyết liệt hơn nữa nhằm bảo vệ "lá phổi xanh" của thành phố đầu biển cuối sông này.