Theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước, tính từ thời điểm điều chỉnh giá gần đây nhất (ngày 4/3/2016), sau 15 ngày tiếp theo (ngày 19/3/2016), cơ quan điều hành sẽ thực hiện công bố giá cơ sở mới để doanh nghiệp đầu mối thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ theo quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP.
Tuy nhiên do có quy định mới về cách tính thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu nên các phương án điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu lần này còn chờ Liên Bộ Công Thương – Tài chính xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Phải đến chiều muộn ngày 21/3 Liên Bộ Công thương - Tài chính mới công bố điều chỉnh giá xăng dầu.
Giá xăng điều chỉnh tăng 670 đồng/ lít - ảnh minh họa (ảnh: H.Lực) |
Theo đó, giá xăng cơ sở ở kỳ công bố là 15.469 nghìn đồng/lít, tăng hơn 1.347 đồng/lít so với mức giá hiện hành. Dầu diesel có giá cơ sở ở mức 10.856 đồng/lít, cao hơn 293 đồng/lít, dầu hỏa giảm 86 đồng, ở mức 9.814 đồng/lít và dầu madut tăng 162 đồng, ở mức 7.456 đồng/kg.
Liên Bộ đã quyết định giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn, đồng thời xả quỹ ở mức 1.047 đồng/lít, xăng E5 ở mức 1.115 đồng/lít, dầu diesel ở mức 983 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 909 đồng/lít và dầu madut ở 231 đồng/kg.
Sau khi điều hành, giá xăng không cao hơn mức 14.422 đồng/lít, E5 không cao hơn 13.891 đồng/lít, diesel không cao hơn 9.873 đồng/lít và dầu hỏa không cao hơn 8.905 đồng, dầu madut không cao hơn 7.225 đồng/kg.Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh: Xăng RON 92 tăng 670 đồng/lít; xăng E5 tăng 570 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 293 đồng/lít; Dầu hỏa và Dầu mazut 180CST 3.5S giữ ổn định giá.
Mức điều chỉnh giá xăng này được xem thấp hơn đà tăng của giá xăng dầu thế giới thời qua.
Cụ thể, theo cập nhật của Bộ Công Thương, 15 ngày trước ngày 21/3/2016 là 49,949 USD/thùng xăng RON 92; 46,309 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 48,053 USD/thùng dầu hỏa; 179,448 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S.
Bộ Công Thương đánh giá, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới đã tăng 7,635 USD/thùng đối với xăng RON 92 (tương ứng +18,0%); tăng 5,984 USD/thùng đối với dầu diesel 0.05S (tương ứng +14,8%); tăng 5,438 USD/thùng đối với dầu hỏa (tương ứng +12,8%); tăng 25,263 USD/tấn đối với dầu mazut 180CST 3.5S (tương ứng +16,4%).
Tại thị trường Singapore, hôm 17/3, giá xăng đã tăng lên 50,94 USD/thùng từ mức 44,86 USD/thùng hôm 4/3.Cùng khoảng thời gian nay, giá dầu diezel cùng tăng từ 42,72 USD/thùng lên 47,69 USD/thùng.
Giá dầu thô trên thị trường thế giới gần đây có xu hướng tăng giá rõ rệt so với tháng trước.
Từ 4/3 đến nay, giá dầu WTI tại New York đã tăng từ mức 35,92 USD/thùng vọt lên 40,90 USD/thùng hôm 18/3, tăng 13,8% sau 14 ngày, còn nếu tính 30 ngày qua, giá dầu WTI đã tăng khoảng 40%, từ mức 29,5 USD/thùng, lên gần 41 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 5/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 3,51 USD, từ 38,72 USD thùng hôm 4/3 lên 42,23USD/thùng.
Trước diễn biến này, cùng với việc có thay đổi về thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu nên theo tính toán của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong phiên điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước lần này, Liên Bộ Tài chính – Công Thương sẽ điều chỉnh tăng mạnh giá xăng dầu trong nước theo đà tăng của giá thế giới và chênh thuế.
Nếu tăng giá xăng dầu theo đà tăng của thế giới và chênh thuế, giá xăng dầu được dự đoán tăng ở mức 1.700 đồng/lít.
Bảng so sánh mức thuế nhập khẩu xăng dầu - ảnh H.Lực |
Tuy nhiên sau khi trình phương án tính thuế nhập khẩu xăng dầu, Bộ Tài chính đã sử dụng cách tính thuế nhập khẩu mới áp dụng khi tính toán giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo sản lượng nhập khẩu từ các nguồn khác nhau.
Theo đó, mặt hàng xăng: thuế nhập khẩu áp dụng khi tính toán giá cơ sở là 18,08%; Mặt hàng dầu diesel là 0,60%; Mặt hàng dầu mazut là 0,03%; Mặt hàng dầu hỏa là 0%.
Mức điều chỉnh thuế nhập khẩu này so với mức thuế nhập khẩu áp trước đây đã giảm tuy nhiên với mặt hàng xăng giảm thấp. So với mức áp thuế nhập khẩu xăng trước đây là 20% nay điều chỉnh xuống 18,08%; Trong khi dầu diesel và mazut điểu chỉnh từ mức thuế 10% xuống còn 0,6% và 0,03%. Dầu hỏa điều chỉnh mức thuế nhập khẩu mạnh nhất từ 13% xuống còn 0%.
Việc điều chỉnh thuế nhập khẩu được xem tác động không nhiều đến giá xăng nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh. Mức tăng giá xăng 670 đồng/lít thay vì 1.700 đồng/lít nhờ tăng sử dụng quỹ bình ổn.
Phương án “xả” quỹ bình ổn dù kìm hãm đà tăng đột biến của giá bán lẻ xăng dầu, song vẫn gây tranh cãi bởi ngay khi giá thế giới tăng hay giảm, bên phải chịu toàn bộ khoản chênh lệch vẫn là người tiêu dùng. Mặt khác quỹ bình ổn cũng do người dân đóng góp.