Có lẽ khi khó khăn thì sự sẻ chia mới thật quý giá. Thời gian qua, hệ thống ngân hàng nói chung và Vietcombank nói riêng đã liên tục đưa ra những giải pháp để chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng từ việc cơ cấu lại nợ và thời gian trả nợ đến giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ trên nhiều kênh đặc biệt tập trung giảm với các kênh giao dịch điện tử.
Tất cả hướng đến mục tiêu tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp và người dân, bởi khách hàng phát triển thì hoạt động ngân hàng mới hiệu quả.
Vietcombank liên tục đưa ra những giải pháp để chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng. |
Chia sẻ để vượt qua khó khăn
Năm 2021, cả thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh. Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế vĩ mô vẫn bảo đảm ổn định và có điểm sáng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ.
Với Vietcombank, mặc dù hoạt động kinh doanh dịch vụ, phát triển khách hàng bị tác động bởi đại dịch COVID-19 nhưng với các giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm, các chỉ tiêu kinh doanh vẫn đảm bảo duy trì và có những điểm nhấn như đến hết quý III, dư nợ tín dụng đạt 923.385 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 11,5% so với cuối năm 2020 và đã hoàn thành ở ngưỡng 98% kế hoạch cả năm. Cơ cấu tín dụng tăng trưởng đúng định hướng, cụ thể: tín dụng bán lẻ tăng trưởng cao so với tín dụng bán buôn với tỷ trọng tín dụng Bán lẻ đạt 53,66%. Đây được xem là mức tăng trưởng cao trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Một loạt các giải pháp đã được các ngân hàng thương mại khác trong đó đặc biệt là ngân hàng thương mại Nhà nước triển khai kịp thời để hỗ trợ cho khách hàng.
Cụ thể, tại Vietcombank đã có những biện pháp đồng bộ như sau: Thứ nhất là thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 14 ngày 07/09/2021 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN) trong đó mở rộng đối tượng khách hàng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ trên cơ sở chất lượng danh mục khách hàng, danh mục các khoản nợ đồng thời chịu ảnh hưởng bởi diễn biến của dịch và tình hình triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại từng địa phương.
Thứ hai là thực hiện liên tục các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ liên quan đến gói sử dụng tài khoản, chuyển tiền trong và ngoài hệ thống Vietcombank, miễn phí chuyển tiền vào các quỹ ủng hộ phòng chống dịch COVID-19 với toàn bộ các khách hàng cá nhân và tổ chức, bên cạnh các chính sách miễn giảm đặc biệt cho nhiều nhóm đối tượng khách hàng đặc thù khác.
Thứ ba là Vietcombank đã chủ động giảm lãi suất cho vay (mức lãi suất rất thấp trong lịch sử từ trước tới nay) để khách hàng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn giá rẻ nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thứ tư là tập trung công tác an sinh xã hội cho việc phòng, chống dịch COVID-19 của các địa phương và ngành Y tế và cuối cùng là tăng cường các biện pháp số hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng và người dân trong giao dịch ngân hàng.
Đó là những biện pháp mà Vietcombank đã triển khai trong suốt thời gian xảy ra dịch COVID-19 cho đến nay để hỗ trợ và đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dòng tiền như oxy đối với doanh nghiệp nên gói hỗ trợ cần được mở rộng quy mô, trong phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10/2021 các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động, trên quan điểm hỗ trợ có chọn lọc, đúng và trúng mục tiêu, đối tượng tránh việc hỗ trợ tràn lan, dàn trải.
Phục hồi kinh tế là mục tiêu hướng đến
Nhiều chuyên gia nhận định, kinh tế Việt Nam 3 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả mục tiêu kép là thách thức lớn.
Thực tế cho thấy, bên cạnh quyết tâm lùi dịch bệnh, Chính phủ đang gấp rút chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì soạn thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đồng thời chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vắc xin bao phủ diện rộng.
Từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã liên tục triển khai 09 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và thiên tai. |
Trong những tháng còn lại của năm 2021 và hướng tới năm 2022, Vietcombank – ngân hàng số 1 Việt Nam tiếp tục thực hiện phương châm hành động “Chuyển đổi, Hiệu quả, Bền vững” đồng thời kiên định với quan điểm chỉ đạo, điều hành: “Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo” mà trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu hoạt động, đảm bảo tăng trưởng bền vững, hiệu quả cao và nâng cao năng suất lao động, nhằm hiện thực hoá mục tiêu phục hồi kinh tế.
Đối với Vietcombank nói riêng và ngành ngân hàng nói chung, việc cải tiến công nghệ thông tin cũng như tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các chương trình chuyển đổi số được xem là cú huých quan trọng và là trụ cột nền tảng để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng.
Mặt khác, trong điều kiện chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, Vietcombank đánh tín hiệu sẽ cam kết duy trì mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý như hiện nay để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu và thích nghi với bối cảnh mới; tránh tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp; đặc biệt là hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp trong đợt dịch này.
Từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã liên tục triển khai 09 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và thiên tai.
Gần nhất, gói lãi hỗ trợ khách hàng triển khai từ tháng 8/2021 tới nay tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam trong các tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, trong năm 2021, dự kiến quy mô giảm lãi mà Vietcombank dành cho khách hàng của mình sẽ lên tới khoảng 7.100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, Vietcombank cũng đã thực hiện cam kết tài trợ cho công tác an sinh xã hội, các nỗ lực phòng, chống dịch COVID – 19 tại địa phương và ngành Y tế với quy mô lên tới khoảng 350 tỷ đồng. Toàn thể cán bộ nhân viên Vietcombank cũng đã dành một ngày lương để ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.