Trách nhiệm thuộc Bộ Giao thông vận tải
Ngày 25/11/2016 Bộ Giao thông vận tải và Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn ký hợp đồng thực hiện dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Dự án có chiều dài 64km đường cao tốc quy mô 4 làn xe (Km 45+100 - Km 108+500) và tăng cường 105km mặt đường quốc lộ 1 cũ đoạn Km 1+800 - Km 106+500, với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu hơn 12 nghìn tỷ đồng.
Theo quy định hợp đồng nhà đầu tư phải cung cấp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo hình thức bảo lãnh của ngân hàng với số tiền hơn 121,8 tỷ đồng trước ngày 8/12/2016; Huy động đủ 100% vốn chủ sở hữu (khoảng hơn 1.200 tỷ đồng) sau 30 ngày và ký hợp đồng tín dụng (khoảng hơn 10.000 tỷ đồng) sau 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng BOT.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 4/2017, nhà đầu tư vẫn chưa có đảm bảo thực hiện hợp đồng dự án, chưa nộp đủ vốn chủ sở hữu với số tiền còn thiếu khoảng hơn 700 tỷ đồng và chưa ký được hợp đồng tín dụng cho dự án.
Sau gần 2 năm triển khai, nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vẫn chưa có đủ vốn chủ sở hữu - ảnh nguồn Sài Gòn Giải Phóng |
Để chấn chỉnh tình trạng yếu kém của nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Văn bản 15292 ngày 21/12/2016 và Văn bản 602 ngày 17/1/2017 gửi nhà đầu tư thông báo về việc vi phạm hợp đồng dự án.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn không có chuyển biến và không đáp ứng được yêu cầu trong việc thực hiện quy định về bảo lãnh thực hiện hợp đồng, góp vốn chủ sở hữu và huy động vốn tín dụng.
Trên cơ sở đó, ngày 15/3/2017, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Văn bản 2643 thông báo về việc dự kiến chấm dứt hợp đồng dự án.
Theo thông tin trên Báo Giao thông vận tải, trong cuộc họp với nhà đầu tư và các đơn vị liên quan về tình hình tiến độ triển khai dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa đánh giá, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là dự án rất quan trọng, ngoài việc phục vụ phát triển kinh tế, tăng cường kết nối với nước bạn Trung Quốc, đây cũng là dự án được các địa phương rất mong đợi.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án rất chậm, không đảm bảo yêu cầu gây nhiều bức xúc trong dư luận, cũng như ảnh hưởng tới lòng tin của các địa phương nơi dự án đi qua.
Trong đó, nguyên nhân chủ yếu của sự chậm trễ là do uy tín và năng lực của nhà đầu tư rất hạn chế, chưa thu xếp được nguồn vốn thực hiện dự án.
Phối cảnh cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn khi hoàn thành - ảnh nguồn Sài Gòn Giải Phóng |
Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản đôn đốc, xử lý vi phạm hợp đồng, tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chưa khắc phục được.
Do vậy, việc chấm dứt hợp đồng dự án là có cơ sở để giữ niềm tin cho các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và uy tín của Bộ Giao thông vận tải.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Giao thông vận tải cho rằng, việc chấm dứt hợp đồng dự án sẽ phát sinh các vướng mắc như kéo dài tiến độ triển khai dự án, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nơi dự án đi qua và ảnh hưởng tới các nhà thầu thi công khi đã ứng vốn trước để thực hiện dự án…
Trước quan điểm của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Khoa Kỹ thuật giao thông (Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, với doanh nghiệp năng lực tài chính kém Bộ Giao thông vận tải phải chấm dứt hợp đồng, tiến hành đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư mới thay vì tiếp tục giao cho doanh nghiệp không đủ năng lực.
Ai chịu trách nhiệm khi để doanh nghiệp không đủ năng lực ký hợp đồng BOT? |
“Trước yếu kém về tài chính của Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn đặt ra vấn đề Bộ Giao thông vận tải có tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực không hay chỉ định thầu?.
Khi đầu thầu có theo nguyên tắc lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực tài chính, năng lực quản lý và thi công hay chọn thầu theo quan hệ, theo cảm quan”, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống đặt câu hỏi.
Bên cạnh trách nhiệm khi thực hiện đấu thầu Phó Giáo sư Tống cho biết, Bộ Giao thông vận tải có phần trách nhiệm trong thẩm định độc lập để lựa chọn doanh nghiệp có đủ khả năng tài chính.
“Đến nay nhà đầu tư Dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn vẫn chưa có đủ vốn chủ sở hữu dẫn đến nguy cơ dự án kéo dài, trước hết trách nhiệm thuộc về Bộ Giao thông vận tải, tiếp đến là doanh nghiệp thực hiện dự án”, Phó Giáo sư Tống nhận định.
Không được lặp lại sai lầm
Bình luận về quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, nếu chấm dứt hợp đồng dự án sẽ phát sinh các vướng mắc như kéo dài tiến độ triển khai dự án, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nơi dự án đi qua và ảnh hưởng tới các nhà thầu thi công khi đã ứng vốn trước để thực hiện dự án…
Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống cho rằng, quan điểm của người đứng đầu ngành Giao thông vận tải đồng nghĩa với việc Bộ sẽ tiếp tục giao dự án xây dựng cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn cho Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.
"Đây là sai lầm bởi giao dự án cho một doanh nghiệp năng lực tài chính kém sẽ dẫn đến nguy cơ dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn khó về đích năm 2018", ông Tống nhận định.
Phó Giáo sư Tống phân tích, tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội đến Lạng Sơn và giảm tải cho quốc lộ 1. Vì vậy, dự án chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên không vì tiến độ mà thực hiện dự án một cách ào ào, giao dự án quan trọng cho một doanh nghiệp kém năng lực tài chính bởi hệ lụy sẽ rất lớn
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Khoa Kỹ thuật giao thông (Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) trả lời phỏng vấn Báo Giáo dục Việt Nam - ảnh: H.Lực |
“Nhà đầu tư yếu kém về năng lực tài chính thì các tổ chức tín dụng không tin tưởng để cho vay vốn. Thiếu nguồn vốn thì dự án bị chậm trễ, kéo dài thời gian và dẫn đến đội vốn.
Đến khi dự án hoàn thành và được quyết toán thì giá trị quyết toán của dự án mới là căn cứ đề quyết định mức phí, thời gian thu phí. Khi dự án bị chậm trễ và đội vốn, mức phí và thời gian thu phí sẽ gia tăng mà người dân phải gánh chịu còn nhà đầu tư vẫn hưởng lợi.
Hệ lụy của việc chọn doanh nghiệp kém năng lực như thế làm xã hội bị thiệt hại”, Phó Giáo sư Tống nêu lên hệ lụy nếu tiếp tục giao dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn cho Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn.
Theo ông Tống, quan điểm Bộ trưởng Nghĩa cho rằng nếu chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư BOT Bắc Giang - Lạng Sơn hiện nay có thể khiến dự án kéo dài dẫn tới câu hỏi: Phải chăng Bộ Giao thông vận tải muốn làm BOT chạy theo số lượng theo tiến độ mà quên đi những hệ lụy?.
Theo ông Lê Thắng, Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án An toàn giao thông (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án) cho biết, do nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chưa huy động được đầy đủ vốn chủ sở hữu, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng nên các nhà thầu thi công trên hiện trường cầm chừng. Khối lượng thi công chủ yếu tập trung trên tuyến quốc lộ 1 cũ, với giá trị đạt khoảng 933 tỷ đồng, đạt hơn 60%. Còn lại, trên tuyến cao tốc, gần như chưa triển khai “Khó khăn nhất của dự án là việc nhà đầu tư không vay được nguồn vốn tín dụng”, ông Thắng nói - nguồn Báo Giao thông vận tải |
Ông Tống cho rằng, nhà thầu dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn phải chịu trách nhiệm về việc không bảo đảm nguồn vốn thực hiện dự án khiến dự án kéo dài, ảnh hưởng không tốt đến nhu cầu đi lại của người dân, gây thiệt hại kinh tế cho xã hội.
“Bộ Giao thông vận tải phải xử phạt nhà thầu và cần tiến hành mời thầu và đấu thầu công khai lại dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực.
Nếu tiếp tục giao dự án cho doanh nghiệp này thì nguy cơ vỡ nợ, dự án không hoàn thành hay chậm trễ hơn nữa và đội vốn lớn, gây thiệt hại kinh tế lớn cho xã hội”, ông Tống cho biết.
Được biết, dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chính thức động thổ tháng 7/2015 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018.
Dự án được triển khai theo hình thức BOT với 6 nhà nhà đầu tư liên danh, gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư UDIC, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư 468, Công ty Cổ phần Giao thông xây dựng số 1 và Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà.
Để thực hiện dự án, liên danh đã thành lập Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với số vốn sở hữu (góp vốn) 13%, 87% còn lại vay ngân hàng.
Về quy mô dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64 km, 4 làn xe và nâng cấp 110 km mặt Quốc lộ 1 hiện hữu có tổng đầu tư 12.180 tỷ đồng.
Sau một năm động thổ, tháng 10/2016 nhà đầu tư vẫn chưa thể ký được hợp đồng cung cấp vốn với bất kỳ ngân hàng nào.
Trong bối cảnh đó, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC đã đưa ra quyết định bất ngờ là rút khỏi dự án.
Tương tự Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành từ chiếm 25% cổ phần, rút xuống còn 5% và đến nay đã không còn trong danh sách cổ đông của Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.
Trước việc cổ đông rút khỏi liên danh đầu tư BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) gửi đề xuất lên Bộ Giao thông vận tải xin tham gia đầu tư tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT.
Bộ Giao thông vận tải đã từ chối, không cho Geleximco tham gia dự án án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Lý do Bộ Giao thông Vận tải đưa ra hiện nay, nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đang vi phạm hợp đồng dự án, chưa hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng. Do đó, không thể thực hiện việc chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ thực hiện hợp đồng dự án.