Hơn 25 triệu cổ phiếu của vợ chồng ông Đặng Thành Tâm tại Ngân hàng Quốc dân (Navibank cũ) đã được thoái hết trong năm 2013, đánh dấu những thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông tại nhà băng này.
Báo cáo quản trị năm 2013 vừa được Ngân hàng Nam Việt (Navibank) - đơn vị vừa đổi tên là Ngân hàng Quốc dân - công bố cho thấy, ông Đặng Thành Tâm và vợ là bà Nguyễn Thị Kim Thanh đã không còn là cổ đông lớn. Theo báo cáo này, trong năm 2013, ông Đặng Thành Tâm đã bán hết hơn 14,8 triệu cổ phiếu (tương đương gần 5% vốn) của ngân hàng. Tương tự, vợ ông - bà Nguyễn Thị Kim Thanh - cũng đã bán hết 10,7 triệu cổ phiếu. Từ ngày 26/4, hai vợ chồng này đều không còn là thành viên Hội đồng quản trị của Navibank.
Ông Đặng Thành Tâm chính thức không còn sở hữu ngân hàng. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trước đó, trong một lần trả lời VnExpress vào cuối năm 2013, ông Đặng Thành Tâm đã khẳng định không còn cổ phần nào tại Navibank. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, vẫn chưa có văn bản nào chính thức được công bố trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc này.
Năm 2013, ông Đặng Thành Tâm là doanh nhân giàu thứ 12 trên Danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán của VnExpress.net. Tuy nhiên, với việc không còn là chủ của Navibank, số tài sản của ông Đặng Thành Tâm trên sàn chứng khoán năm 2013 có thể giảm khoảng hơn 104 tỷ đồng (tính theo giá đóng cửa cổ phiếu NVB ngày 31/12/2013).
2013 cũng là năm có nhiều thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông sở hữu Navibank. Vợ chồng ông Đặng Thành Tâm chia tay Hội đồng quản trị. Ngoài ra, ông Nguyễn Vĩnh Thọ không còn là chủ tịch Navibank, thay vào đó là ông Vũ Hồng Nam. Theo báo cáo quản trị năm 2013, hiện ông Vũ Hồng Nam đang giữ 10.300 cổ phiếu Navibank.
Navibank cũng vừa được Thống đốc Nguyễn Văn Bình đổi tên thành Ngân hàng Quốc dân từ ngày 22/1/2014. Đơn vị này năm ngoái cũng xin hủy niêm yết tại Sở chứng khoán Hà Nội (HNX) với lý do giao dịch không đem lại hiệu quả như mong đợi.
Đây cũng là một trong 9 ngân hàng được xác định là yếu kém buộc phải tái cơ cấu. Tuy nhiên, với trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước cho phép nhà băng này tự tái cấu trúc bằng chính nguồn lực của mình mà không cần phải sáp nhập với ngân hàng nào khác.