Vụ điều chuyển khiến trường "trắng" GV Tiếng Anh: Phó GĐ Sở GD Đắk Lắk nói gì?

07/10/2023 06:33
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Huyện nào có sự phối hợp nhịp nhàng thì sẽ giải quyết được bài toán thừa, thiếu giáo viên hiện nay, tạo thuận lợi cho người học”-Phó GĐ Sở GDĐT tỉnh Đắk Lắk nói.

Những ngày qua, sự việc liên quan đến vụ điều chuyển giáo viên ở huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.

Theo báo chí đưa tin, Phòng Nội vụ huyện Buôn Đôn đã tự ý tham mưu cho ông Phạm Trung Nghĩa – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện này ký quyết định điều chuyển 1 giáo viên Tiếng Anh duy nhất của Trường Tiểu học Lê Lợi về Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Ama Trang Lơng, khiến Trường Tiểu học Lê Lợi “trắng” giáo viên Tiếng Anh, học sinh chỉ được học một nửa số tiết theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đáng nói, trong hồ sơ của giáo viên được chuyển, không có ý kiến của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi.

Giải quyết sự việc trên, ngày 5/10, lãnh đạo huyện Buôn Đôn đã nghiêm túc phê bình Trưởng phòng Nội vụ huyện Buôn Đôn do thiếu sự phối hợp trong công tác tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện về việc điều động giáo viên Tiếng Anh của Trường Tiểu học Lê Lợi.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện cũng yêu cầu ông Nguyễn Hữu Truyền – Trưởng phòng Nội vụ huyện Buôn Đôn báo cáo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân có liên quan, thiếu sự phối hợp trong công tác tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện việc điều động giáo viên trong thời gian qua.

Chủ trì phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện thành lập đoàn kiểm tra, rà soát lại trường học thuộc thẩm quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân huyện về những vấn đề còn bất cập, thừa thiếu cục bộ giáo viên [1].

Để biết thêm thông tin về sự phối hợp của các đơn vị liên quan trong giải quyết vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, về giải quyết vấn đề thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học của cấp tiểu học, ngay từ đầu năm học, không chỉ huyện Buôn Đôn, Sở Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với tất cả các huyện trên địa bàn toàn tỉnh, phối hợp nhằm đảm bảo đủ giáo viên để giảng dạy.

“Với tinh thần có học sinh là phải có giáo viên, lãnh đạo Sở quán triệt phối hợp với các đơn vị nhằm đảm bảo số lượng giáo viên Tin học và Tiếng Anh, nhất là đối với những trường ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn như huyện Buôn Đôn.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian vừa qua, các đơn vị đều làm tốt công tác bố trí giáo viên.

Sự việc liên quan đến điều chuyển giáo viên Tiếng Anh duy nhất của Trường Tiểu học Lê Lợi về Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Ama Trang Lơng, khiến Trường Tiểu học Lê Lợi “trắng” giáo viên Tiếng Anh xảy ra ở huyện Buôn Đôn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Buôn Đôn tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện tìm ra giải pháp tốt nhất để xử lý vụ việc, cụ thể là điều động lại giáo viên Tiếng Anh kịp thời trở về Tiểu học Lê Lợi để tổ chức dạy học", thầy Hiệp chia sẻ.

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: MP).

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: MP).

Cũng theo thầy Hiệp, những bất cập xảy ra thuộc đơn vị có thẩm quyền nào trong huyện thì các đơn vị này sẽ kiểm tra, Uỷ ban nhân dân huyện chỉ đạo quán triệt rà soát lại các trường để phát hiện và xử lý kịp thời vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Thầy Hiệp cũng cho biết, việc thừa, thiếu đội ngũ giáo viên là vấn đề bất cập xảy ra từ rất lâu trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, nhất là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, đưa vào giảng dạy môn Tin học, Tiếng Anh cấp tiểu học.

“Với các đơn vị là phòng nội vụ, phòng giáo dục và đào tạo, chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện, huyện nào có sự phối hợp nhịp nhàng thì sẽ giải quyết được bài toán thừa, thiếu giáo viên hiện nay, tạo thuận lợi cho người học”

_Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp_

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, hiện nay cơ bản tỉnh Đắk Lắk đảm bảo việc dạy Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học. Tuy nhiên, thực hiện tinh giản biên chế giáo viên cùng với nhiệm vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên và mất cân đối cơ cấu giáo viên ở từng bộ môn.

Từ năm học 2022-2023 đến đầu năm học 2023-2024, ngành giáo dục tỉnh chỉ đạo tất cả các trường, đề nghị các huyện phối hợp nhằm đảm bảo đủ số lượng giáo viên dạy học Tiếng Anh, Tin học. Trong trường hợp không có đủ giáo viên thì phải bố trí giáo viên dạy liên cấp, liên trường.

“Ví dụ trường A không đủ giáo viên Tiếng Anh, có thể bố trí giáo viên Tiếng Anh ở trường B gần trường A để tham gia giảng dạy. Đối với trường liên cấp, có thể bố trí giáo viên Tiếng Anh cấp trung học cơ sở tham gia dạy Tiếng Anh cấp tiểu học. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ráo riết việc này với yêu cầu các trường, huyện có báo cáo từ đầu năm học và báo cáo hàng tháng, hàng kỳ về bố trí giáo viên, đảm bảo không trống giáo viên dạy môn Tin học và Tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018”, thầy Hiệp nói.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh để có biện pháp chuẩn bị đủ đội ngũ giáo viên, bổ nhiệm và tuyển dụng giáo viên đúng quy định.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoducthoidai.vn/vu-dieu-chuyen-giao-vien-ky-la-o-buon-don-de-nghi-kiem-diem-truong-phong-noi-vu-post656485.html

Ngọc Mai