LTS: Xung quanh một số băn khoăn về việc Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương Đảng về xã hội hóa giáo dục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thuý Trâm Quyên, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng về một vài thắc mắc của dư luận.
Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc nội dung bài phỏng vấn này.
Câu hỏi: Cơ duyên nào đưa Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng đến với Quảng Ngãi, kết hợp với địa phương tham gia đề án xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng?
Trả lời: Thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng đã đầu tư xây dựng Thành phố Giáo dục Quốc tế - IEC Quảng Ngãi tại phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi.
Các giai đoạn từ khởi công xây dựng, cất nóc đến hoàn thiện dự án đều thực hiện đúng tiến độ và cam kết, thể hiện chữ Tín và sự nghiêm túc, toàn tâm đầu tư vào giáo dục của Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng.
Thành phố giáo dục quốc tế - IEC Quảng Ngãi sẽ khánh thành vào tháng Năm này và đang chính thức tuyển sinh cho năm học 2019-2020.
Đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ngãi và lãnh đạo Trường Đại học Phạm Văn Đồng chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng trong chuyến thăm và làm việc ngày 12/1/2018. Ảnh: NHG. |
Trong quá trình thực thi dự án Thành phố Giáo dục Quốc tế - IEC Quảng Ngãi, trân trọng tâm huyết toàn tâm đầu tư vào giáo dục và nhận thấy khả năng của Tập đoàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã trao đổi về chủ trương xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TƯ ngày 25/10/2017, cũng như nhiều nghị quyết khác của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước để thực hiện chủ trương lớn của Đảng về xã hội hóa giáo dục.
Với mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho ngành giáo dục tỉnh nhà, sau khi đã triển khai thành công dự án Thành phố giáo dục quốc tế - IEC Quảng Ngãi, Tập đoàn đã đề xuất và được Ủy ban nhân dân Tỉnh đồng ý để Tập đoàn nghiên cứu, khảo sát, lập đề xuất đầu tư phát triển Trường Đại học Phạm Văn Đồng theo hướng xã hội hóa, đúng với quy trình xây dựng các dự án đầu tư.
Câu hỏi: Với đề án này của Tập đoàn, nếu được chính quyền Quảng Ngãi chấp thuận thì Tập đoàn có cam kết thực hiện đúng mục tiêu đưa ra?
Trả lời: Nếu nhận được sự ủng hộ, tín nhiệm của chính quyền Quảng Ngãi, Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng xem đây là một trọng trách và cam kết toàn tâm đầu tư để phát triển Trường Đại học Phạm Văn Đồng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của nhà trường, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.
Điều này đã được minh chứng bằng sự lớn mạnh của các cơ sở giáo dục mà Tập đoàn đã triển khai ở 16 tỉnh thành với hơn 50 cơ sở giáo dục trong cả nước.
Câu hỏi: Trong tháng Giêng 2019, dư luận một số cán bộ hưu trí và người dân ở Quảng Ngãi lo lắng rằng, khi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi giao toàn bộ mặt bằng, cơ sở hạ tầng của Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng, nếu doanh nghiệp chia đất, phân lô bán nền kinh doanh bất động sản thì sao? Xin bà cho biết quan điểm của Nguyễn Hoàng Group về vấn đề này?
Trả lời: Kế hoạch xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng mà Nguyễn Hoàng Group trình bày trước lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và các sở, ban ngành tỉnh Quảng Ngãi cũng như văn bản thỏa thuận, cam kết giữa hai bên đều thể hiện rất rõ, không thể có chuyện doanh nghiệp lấy cơ sở hạ tầng của trường để kinh doanh bất động sản.
Xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng, sóng gió vì đâu? |
Đất mà Nhà nước giao để xây dựng Trường Đại học Phạm Văn Đồng là đất phục vụ mục đích giáo dục, là tài sản của Nhà nước và do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, Luật Đất đai 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật về xã hội hóa giáo dục cũng quy định rõ ràng.
Về phía Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng, chúng tôi luôn luôn lấy sự minh bạch về tài chính, tài sản, chuyên nghiệp về quản trị và đào tạo làm phương châm đầu tư vào giáo dục, để tổ chức, vận hành tốt hệ thống giáo dục của mình.
Phóng viên: Có quan điểm cho rằng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã ưu ái cho Nguyễn Hoàng Group, bà có thể chia sẻ gì về điều này không?
Trả lời: Thực ra Đảng đã có nhiều chủ trương kêu gọi xã hội hóa, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, ví dụ như Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế...và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 69/2008/NĐ-CP.
Theo đó, Nhà nước có nhiệm vụ giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Không chỉ riêng tỉnh Quảng Ngãi mà ở tất cả các tỉnh, thành có hệ thống giáo dục Nguyễn Hoàng, chúng tôi đều nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ tích cực từ chính quyền địa phương.
Bởi lẽ khi một dự án giáo dục được triển khai, nhất là các dự án lớn mang tầm quốc tế, người được hưởng lợi nhiều nhất chính là học sinh, sinh viên, phụ huynh, giáo viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu khoa học tại địa phương đó.
Đây chính là điểm gặp gỡ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người học, để thực hiện thành công xã hội hóa giáo dục.
Ngày 12/1/2018, ông Trần Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi hỏi chuyện thân mật học sinh trường Trường Quốc Tế Bắc Mỹ (SNA) trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ngãi và Trường Đại học Phạm Văn Đồng tại Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng. Ảnh: NHG. |
Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ngãi và Trường Đại học Phạm Văn Đồng cũng đã tìm hiểu và đi thị sát thực tế hoạt động của các cơ sở giáo dục Nguyễn Hoàng, đã rất ấn tượng với những gì mắt thấy, tai nghe.
Nguyễn Hoàng Group toàn tâm đầu tư vào giáo dục với các trường đại học lớn và hệ thống trường phổ thông liên cấp, đáp ứng đầy đủ các phân khúc từ chương trình hội nhập, chương trình song ngữ cho đến chương trình quốc tế hoàn toàn.
Sau chuyến tham quan các cơ sở và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng ngày 12/1/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có văn bản chính thức giao cho chúng tôi nghiên cứu, khảo sát, lập đề xuất đầu tư phát triển Trường Đại học Phạm Văn Đồng theo hướng xã hội hóa.
Mọi việc diễn ra rất minh bạch, rõ ràng, thể hiện tinh thần làm việc chuyên nghiệp, khoa học, dĩ công vi thượng của lãnh đạo Tỉnh, chứ không có ưu ái cá nhân vô nguyên tắc nào với doanh nghiệp.
Câu hỏi: Có băn khoăn rằng, hiện tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng đang là nơi đào tạo con em Quảng Ngãi, đặc biệt là khoảng 70% ở vùng núi nông thôn có điều kiện khó khăn.
Nếu Nguyễn Hoàng Group tiếp quản cơ sở này theo tinh thần xã hội hóa giáo dục của Đảng cũng như địa phương để phát triển trường thành cơ sở đào tạo đại học tư thục chất lượng cao, các đối tượng này có được hưởng chính sách hỗ trợ nào không?
Trả lời: Xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng không làm thay đổi sứ mệnh đào tạo con em Quảng Ngãi, mà để thực hiện sứ mệnh ấy một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Tôn vinh, ưu đãi nhà đầu tư xã hội hóa giáo dục là lối thoát chính sách |
Điều thay đổi lớn nhất là chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao nhờ định hướng đào tạo hội nhập quốc tế của trường và sự đầu tư bài bản của Tập đoàn.
Những chi phí ngân sách trước đây dùng vào công tác vận hành nhà trường sẽ được dành cho việc phát triển các cấp học khác và các đối tượng ưu tiên.
Về phía Tập đoàn sẽ có nhiều học bổng khuyến khích học tập, hỗ trợ sinh viên nghèo giúp các em có thêm điều kiện học tập.
Ngoài ra, nhờ mối quan hệ đối tác với các trường đại học ở nước ngoài, sinh viên các trường thuộc Tập đoàn còn có cơ hội nhận học bổng du học đến các trường đại học ở các nước khác nhau.
Câu hỏi: Một vấn đề dư luận, đặc biệt là đội ngũ cán bộ giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng rất quan tâm là, sau khi xã hội hóa Tập đoàn có chính sách gì cho đội ngũ cán bộ giảng viên đang làm việc tại trường?
Trả lời: Đội ngũ tri thức của hệ thống giáo dục Nguyễn Hoàng Group hiện có hơn 3.000 nhân sự, đa phần là những giảng viên, giáo viên, nhân lực bậc cao; trong đó có nhiều giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành… đang đồng hành, trực tiếp đào tạo thế hệ sinh viên.
Do đó, Tập đoàn rất vui mừng, hoan nghênh nếu các cán bộ, giảng viên của trường gia nhập vào đội ngũ hiền tài của Nguyễn Hoàng Group để đưa chất lượng đào tạo vươn tầm quốc tế.
Vì vậy, đội ngũ cán bộ giảng viên của Trường Đại học Phạm Văn Đồng không có lý do gì phải lo ngại về việc làm nếu trường thuộc hệ thống đại học của Tập đoàn Nguyễn Hoàng.
Chúng tôi đã cam kết với lãnh đạo Tỉnh, sẽ giữ nguyên đội ngũ cán bộ, giảng viên và viên chức hiện có trong 5 năm, đồng thời tăng lương tối thiểu từ 10%.
Các thầy cô mong muốn cộng tác lâu dài với Tập đoàn sẽ được đào tạo nâng cao với chương trình hội nhập quốc tế.
Hình ảnh đồ họa một góc khuôn viên Đại học Phạm Văn Đồng trong kế hoạch xã hội hóa mà Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng xây dựng và trình bày theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NHG. |
Các thầy cô còn có quyền chọn và luân chuyển giảng dạy, làm việc ở các trường đại học thành viên của Nguyễn Hoàng Group như:
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU), Trường Đại học Hoa Sen (HSU), Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu (BVU), Trường Đại học Gia Định (GDU). Nhu cầu tuyển dụng hàng năm của Tập đoàn vào khoảng 200 cán bộ giảng viên.
Câu hỏi: Vấn đề cuối cùng mà dư luận quan tâm, chúng tôi muốn trao đổi là các mối quan hệ, liên kết, hợp tác của trường này hiện đang có thì vẫn giữ nguyên hay thay đổi và thay đổi (nếu có) thì như thế nào?
Trả lời: Các mối quan hệ, liên kết, hợp tác của trường với các đối tác trong và ngoài nước là tài sản vô hình của nhà trường.
Việc trân trọng, gìn giữ và phát triển các mối quan hệ đó là điều mà bất cứ lãnh đạo trường nào cũng phải làm. Những thay đổi nếu có là làm cho các mối quan hệ ngày càng được mở rộng và sâu sắc hơn.
Trân trọng cảm ơn bà!