Gas 7 lần tăng giá
Tính từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ mặt hàng này đã tăng 7 lần. Cụ thể: Tháng 6/2013 tăng 10.000 đồng/bình 12kg so với giá tháng 5; tháng 7/2013 tăng 13.000 đồng/bình so với tháng 6; tháng 8/2013 tăng 8.000 đồng/bình so với tháng 7; tháng 9/2013 tăng 12.000 đồng/bình so với tháng 8.
Đến ngày 1/11, giá gas trong nước đã được các nhà phân phối điều chỉnh tăng thêm 18.000 đồng/bình 12kg, mức tăng được xem như là cao nhất kể từ đầu năm đến lúc đó.
Gas 7 lần tăng giá kể từ đầu năm. |
Đặc biệt, ngày 1/12, giá bán lẻ gas trên thị trường bất ngờ tăng từ 70.000 - 80.000 đồng/bình 12 kg. Như vậy, giá bán lẻ gas đến tay người tiêu dùng từ 475.000 - 485.000 đồng/bình 12 kg.
Nhìn lại năm 2013, nếu không có sự tăng giá vào tháng 12 thì thị trường gas được đánh giá là tạm bình ổn. Trong thời gian 5 tháng đầu năm, giá gas bán lẻ liên tiếp giảm. Sau đó, giá gas tăng, giảm đan xen khá đều đặn.
Đại diện Hiệp hội Gas cho biết, giá bán lẻ gas tăng mạnh, ngoài nguyên nhân do giá thế giới tăng, còn bởi một số doanh nghiệp bán lẻ mặt hàng này đã găm hàng chờ sang tháng 12 mới bán để được hưởng lãi cao. Dự đoán, trước tình hình giá gas thế giới không ổn định, đầu năm sau giá gas tiếp tục được tăng.
Ông Trần Trong Hữu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết: “Theo quy định của chính phủ, gas dù có sản xuất được trong nước thì cũng áp dụng theo cơ chế giá thị trường thế giới. Chính vì vậy, những doanh nghiệp mua được gas sản xuất trong nước như nhà máy lọc dầu Dung Quất… cũng phải áp dụng theo giá của thị trường thế giới. Như vậy, giá gas trong nước với giá gas thế giới hòa chung làm một, và áp dụng theo cơ chế thị trường thế giới”.
Trước thông tin gas tăng giá kỷ lục đầu tháng 12/2013, nhận định trên tờ Tuổi trẻ, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng cách vận hành thị trường gas hiện nay không minh bạch. Doanh nghiệp kinh doanh gas đồng loạt đón đầu tăng giá trong khi không công khai mức tồn trữ của họ là bao nhiêu, thời điểm nào trong tháng 12/2013 gas nhập theo giá mới sẽ về VN và đưa ra thị trường. Khi không công khai, minh bạch thì doanh nghiệp kinh doanh gas có cơ hội ôm lời lớn từ việc đón đầu tăng giá trước từ nguồn gas sản xuất trong nước.
Giá xăng: 6 lần giảm nhưng vẫn tăng 4,48%
Trong năm 2013, với 6 lần giảm và chỉ 5 lần tăng nhưng giá xăng hiện nay đang cao hơn 1.060 đồng/lít so với thời điểm đầu năm.
Cụ thể, ngày 28/3 giá xăng tăng 1.400 đồng/lít. Tháng 4/2013 giá xăng giảm liên tiếp giảm 3 lần: Ngày 9/4 giảm 500 đồng/lít, ngày 18/4, giảm 410 đồng/lít, ngày 26/4 giảm 310 đồng/lít.
Xăng tăng 4,48% trong năm 2013. |
Tuy nhiên đến 20 giờ ngày 14/6, giá xăng tăng 420 đồng/lít. Gần nửa tháng sau, vào ngày 28/6, giá xăng tiếp tục tăng 360 đồng/lít. Tiếp đến ngày 17/7, xăng lại tăng 460 đồng/lít.
Ngày 22/8, giá xăng giảm ở mức 300 đồng/lít. Sang tháng 10 và tháng 11, giá xăng tiếp tục giảm. Cụ thể, ngày 7/10 giảm 390 đồng/lít và ngày 11/11 giảm thêm 250 đồng/lít.
Song trong những ngày cuối năm 2013 (ngày 18/12), xăng bất ngờ tăng 580 đồng/lít.
Như vậy, tính riêng trong năm 2013, giá xăng có 6 lần giảm với tổng mức tiền giảm là 2.160 đồng/lít và 5 lần tăng giá, nhưng tổng số tiền tăng lên tới 3.200 đồng/lít. Tương đương với mức tăng 4.48%.
Với việc điều chỉnh tăng giá xăng trong năm vừa qua, ông Ngô Trí Long - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả cho rằng: “Điều hành giá xăng dầu như vậy là chưa sòng phẳng với người tiêu dùng. Việc tăng giá là quá bất thường, khập khiễng, không hòa nhập với giá thế giới và không theo quy luật nào cả. Làm như vậy rất nguy hiểm”.
Theo ông Long, quy định tính giá cơ sở trung bình 30 ngày đã khiến giá xăng không linh hoạt. Lý do phải đưa giá xăng lên mức kỷ lục là vì quỹ bình ổn đã cạn nhưng vì sao cạn thì cần phải làm rõ.
Giá điện: Chỉ tăng, không giảm
Từ tháng 12/2012 đến nay giá điện đã tăng 2 lần, mỗi lần tăng 5%, hiện mức bình quân đang là 1.508,85 đồng/kWh.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định về khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2013 – 2015. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.437 đồng/kWh, mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 1.835 đồng/kWh.
Năm 2013, điện tăng 10%. |
Theo quyết định 69/2013 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân ngay sau đó còn cho phép EVN không còn những lần tăng giá 5% mà sẽ tăng tối thiếu 7%.
Căn cứ trên khung giá Thủ tướng phê duyệt, trong trường hợp Bộ Công thương cho phép giá điện bình quân được áp ở mức tối đa 1.835 đồng/kWh, thì giá bán lẻ điện sinh hoạt có thể dao động từ 1.835/kWh đến 2.918 đồng/kWh, cao hơn mức giá hiện nay từ 323 đến 498 đồng/kWh. Như vậy, trong tương lai giá điện bình quân có thể tăng thêm 22%.
Sau quyết định cho phép tăng giá điện 22% đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 69/2013 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Chia sẻ trên tờ Người lao động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Mức tăng đến năm 2015 đã được Chính phủ khống chế 22% thì không đáng lo ngại lắm về biên độ hay thời gian vì tăng bao nhiêu thì tăng nhưng vẫn phải nằm trong khung giá cho phép. Tuy nhiên, EVN cần công khai, minh bạch với người dân về chi phí, các yếu tố tác động từ bên ngoài đến giá thành điện thì người dân mới chấp nhận”.