Với mục đích xây dựng quy chuẩn trong xử lý ngộ độc tập thể tại bếp ăn của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, sáng nay (22/10), Cục An toàn Thực phẩm phối hợp với UBND tỉnh Nam Định, Sở Y tế tỉnh Nam Định tổ chức Diễn tập điều tra, xử lý một vụ ngộ độc giả định diễn ra tại Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (Vụ Bản - Nam Định).
Tham dự chỉ đạo buổi diễn tập có TS Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, ông Bùi Đức Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cùng với lãnh đạo các phòng ban Cục ATTP, Sở Y tế Nam Định. Đặc biệt tham gia buổi diễn tập còn có đại diện 31 chỉ cục ATTP tại 31 tỉnh thành miền Bắc, đại diện chi cục ATTP các địa phương tham dự diễn tập để học tập kinh nghiệm từ đó chủ động xây dựng quy trình xử lý các tình huống ngộ độc thực phẩm tương tự.
TS Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm dự và chỉ đạo buổi diễn tập |
Nội dung buổi diễn tập xoay quanh kịch bản giả định một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại Công ty Sumi Việt Nam sau bữa ăn tối ngày 21/10, sáng 22/10 từ 9h sáng có 30 công nhân có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi... Theo đó một quy trình xử lý nhanh chóng được đưa ra với đầy đủ các bước từ việc lãnh đạo Công ty Sumi Việt Nam báo cáo chi cục ATTP Nam Định, việc xử lý sơ cấp cứu tại chỗ cho người bị ngộ độc, thông báo tới công nhân và người lao động...
Với bối cảnh chính là trong khu vực sản xuất, bên cạnh việc đưa ra chuẩn đoán nguyên nhân ngộ độc, đưa ra tình huống sơ cấp cứu kịp thời yêu cầu đề ra tại buổi diễn tập doanh nghiệp vẫn vừa đảm bảo duy trì sản xuất, không náo loạn trong doanh nghiệp vừa nhanh chóng xử lý tình huống công nhân, người lao động bị ngộ độc.
Bên lề buổi diễn tập, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: "Mục đích buổi diễn tập hướng đến doanh nghiệp làm sao để doanh nghiệp ý thức được vấn đề phòng chống ngộ độc thực phẩm tập thể. Đồng thời khi xảy ra ngộ độc cần xử lý các bước như thế nào”.
Tham dự buổi diễn tập có đại diện 31 Chi cục ATTP của 31 tỉnh thành miền Bắc từ Huế trở ra |
Cũng theo TS Trần Quang Trung, trước đây các doanh nghiệp khi xảy ra tình huống ngộ độc đặc biệt ngộ độc tập thể thường bối rồi không biết xử lý ra sao, dẫn đến hậu quả không mong muốn gây hoang mang cho công ngân người lao động.
Theo Cục An toàn Thực phẩm (ATTP), trung bình một năm có từ 11 đến 25 vụ NĐTP xảy ra ở bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất, với số mắc khoảng 1.400 người mắc/năm.
Tình trạng NĐTP đông người, NĐTP ở các Bếp ăn tập thể trong KCN, KCX vẫn đang tiếp tục xảy ra, cao ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, phát triển kinh tế, an sinh xã hội và dư luận cộng đồng và đang là thách thức lớn trong công tác bảo đảm ATTP.
Để dự phòng vụ NĐTP tại các bếp ăn tập thể ngoài việc tăng cường chất lượng, hiệu quả các biện pháp bảo đảm ATTP tại các Bếp ăn tập thể trong KCN, KCX, còn phải điều tra, xử lý, khắc phục nhanh chóng, hiệu quả để giảm thiểu ảnh hưởng của vụ NĐTP.
Nói cách khác, để phòng tránh những thiệt hại từ NĐTP không chỉ trông chờ vào ngành y tế mà còn từ phía chủ động của doanh nghiệp và chính quyền các địa phương. Thông qua buổi diễn tập một quy trình chuẩn được mô phỏng với sự phối hợp đầy đủ từ ngành y tế, chính quyền địa phương và doanh nghiệp.
Một số hình ảnh buổi diễn tập:
Khi xảy ra hiện tượng công nhân bị ngộ độc, lãnh đạo Công ty Sumi Việt Nam báo cáo sự việc với ngành y tế. |
Tiếp đó những công nhân có triệu chứng bị ngộ độc nhanh chóng được đưa bàng cáng đến khu vực riêng |
Những biện pháp sơ cấp cứu, chuẩn đoán tình trạng sức khỏe bệnh nhân được thực hiện trực tiếp ngay tại xưởng nơi công nhân làm việc. |
Với trường hợp nặng ngay lập tức được đưa đi cấp cứu. |
Những trường hợp bệnh nhân nặng sẽ được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. |
Để tìm ra nguyên nhân của ngộ độc cán bộ y tế tiếp tục lấy mẫu thức ăn để xét nghiệm. |