Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT, trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) xác nhận đơn vị này đang có phương án xây dựng công trình "Tượng đài vinh danh công trình truyền tải điện".
Dự án nhằm vinh danh những người đã hy sinh khi xây dựng và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện Quốc gia.
Công trình dự tính được xây dựng tại Công viên Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai, TP. Pleiku với tổng diện tích khu đất là 1,47 ha do Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung làm đại diện Chủ đầu tư, tổng mức đầu tư gần 109 tỷ đồng.
Dự kiến công trình được xây dựng vào cuối năm 2016 và hoàn thành trong năm 2017.
EVN có phương án xây dựng công trình "Tượng đài vinh danh công trình truyền tải điện" - ảnh nguồn VnExprees. |
Trước dự tính xây dựng dự án tượng đài của EVN NPT, PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công đặt ra câu hỏi về mức độ cần thiết dự án. Những vấn đề này được PGS.TS Phạm Quý Thọ gói gọn trong bài viết gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tiền lấy từ đâu?
Đóng góp của ngành truyền tải điện quốc gia đối với sự phát triển của kinh tế đất nước trong những năm đầu đổi mới thể hiện rõ nhất trong dự án đường dây 500 kV Bắc - Nam. Đường dây 500kV Bắc - Nam góp phần lớn vào sự phát triển của kinh tế đất nước khi cung cấp điện sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trải khắp ba miền Bắc - Trung - Nam.
Sự ghi nhận của nhà nước, người dân đối với ngành điện khi hoàn thành dự án được thể hiện qua bằng khen của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Những ghi nhận đó không chỉ với tập thể mà với cá nhân có đóng vào thành công dự án. Trong đó có những người đã hy sinh khi xây dựng và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện Quốc gia.
Việc xây dựng “Tượng đài vinh danh công trình truyền tải điện" cũng với mục đích tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của công nhân, cán bộ và người lao động EVN. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, đặt ra vấn đề tiền đâu để xây dựng một dự án hơn 100 tỷ đồng (tương đương 5 triệu USD), số tiền không phải nhỏ?
PGS.TS Phạm Quý Thọ - ảnh H.Lực. |
Thực tế những năm vừa qua giá điện liên tục tăng. Năm 2013, mức giá bán lẻ điện bình quân 1.437 đồng/kWh, năm 2014 giá điện bình quân tăng lên 1.508,85 đồng/kWh, năm 2015 là 1.622,01 đồng/kWh.
Giá điện tăng giúp doanh thu ngành điện tăng mạnh năm 2013, doanh thu EVN là 187.785 tỷ đồng, năm 2015 doanh thu lên đến 243.509 tỷ đồng.
Tuy dù doanh thu tăng nhưng EVN liên tục kêu lỗ. Ngoài việc chưa tách rõ nhiệm vụ công ích và thương mại hay từ vấn đề quản trị, bộ máy cồng kềnh, năng suất lao động thấp dẫn đến lỗ.
EVN "tự thân vận động", không còn xin chuyển lỗ nghìn tỷ vào giá điệnKhi lãi lớn, sao không thấy EVN giảm giá điện?EVN và chiếc thang kỳ dị |
Không thể không kể đến thực tế EVN mắc sai phạm lớn đầu tư ngoài ngành được Thanh tra Chính phủ kết luận hay như những xôn xao về việc tính chi phí xây dựng biệt thự, bể bơi, sân golf, sân tennis… vào giá điện.
Những "vệt đen" trong quản lý của EVN khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu EVN xây tượng đài có tính vào giá điện hay không?
Nghi vấn này càng có cơ sở khi mới đây Dự thảo Quyết định về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân thay thế Quyết định 69 được Bộ Công Thương đưa ra xin ý kiến.
Theo dự thảo này, EVN được chủ động tăng giá điện, không cần xin phép cơ quan nào. Mức tăng là 3-5% mỗi lần và 3 tháng EVN được điều chỉnh một lần.
Như vậy, nếu muốn mỗi năm EVN có thể được tự quyết điều chỉnh giá điện tối đa đến 20%. Tăng cao hơn 20% đến 40% do Bộ Công Thương quyết định.
Dự án chưa cần thiết
Nguyên nhân dẫn đến giá điện liên tục tăng, người dân cam chịu là việc minh bạch cách tính giá điện đồng thời, ngành điện vẫn đang thế độc quyền của EVN.
Không có cạnh tranh dẫn đến vấn đề giám sát quản lý điều hành giá chưa minh bạch vì thế, những dự án như tượng đài được xem sẽ lấy từ giá điện.
Mặt khác thời gian qua, việc các doanh nghiệp địa phương đua nhau có dự án xây dựng các tượng đài, công trình mang tính tôn vinh nhưng xảy ra tiêu cực cũng dẫn đến nghi ngại trong dư luận. Nhiều dự án mới hoàn thành đã xuống cấp, hư hại chất lượng thi công kém và việc xuất hiện tình trạng rút ruột dự án.
Thực tế này khiến dư luận không mặn mà với dự án tượng đài mang mang tính biểu tượng tôn vinh hay một kiểu báo cáo thành tích của các doanh nghiệp, địa phương. Thậm chí, việc đưa ra dự án dễ khiến người ta nghĩ đến lợi ích nhóm phía sau các dự án này.
Trước rất nhiều vấn đề câu hỏi đặt ra dự án "Tượng đài vinh danh công trình truyền tải điện" đưa ra lúc này có cần thiết không? Khẳng định là không.
Nếu nguồn tiền đang dư dả, EVN thay vì xây tượng đài nên đầu tư vào ngành điện mang lại hiệu quả, đồng thời kéo giá bán điện xuống giúp giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp đóng góp cho nền kinh tế quốc dân, cải thiện môi trường đầu tư.
Trong bổi cảnh ngân sách khó khăn, Chính phủ kêu gọi tiết giảm chi phí để tập trung phát triển sản xuất, việc đưa ra dự án tượng đài mang tính biểu tượng vinh danh như EVN NPT rõ ràng chưa nên, không cần bàn thêm. Có thể sau nhiều năm nữa, khi đó thích hợp EVN xây tượng đài cũng chưa muộn. Và khi đó, có thể xã hội sẽ quán triệt tư duy, làm tượng đài đâu cần phải hoành tráng?