Những ngày qua Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu tổ chức tín dụng của Quốc hội trong đó đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự cá nhân gây ra nợ xấu thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Dự thảo nghị quyết được đưa ra trong bối cảnh quá trình xử lý nợ xấu còn gặp nhiều vướng mắc.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm tháng 1/2017, toàn hệ thống đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 349,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 56,7% tổng số nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác (chiếm 43,3%).
Tuy nhiên trong tổng số nợ xấu được xử lý, thì hình thức bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ở mức khá thấp 17,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý).
Trước khó khăn trong xử lý nợ xấu nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc Quốc hội – cơ quan lập pháp tối cao xem xét ban hành một nghị quyết để đẩy nhanh giải quyết nợ xấu, xử lý trách nhiệm hình sự cá nhân gây ra nợ xấu cho thấy sự quyết tâm của cả bộ máy chính trị với “cục máu đông” của nền kinh tế.
Quá trình xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn - ảnh minh họa/ nguồn VnEconomy |
Mục tiêu cuối cùng là xử lý nợ xấu
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu tổ chức tín dụng của Quốc hội đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự cá nhân gây ra nợ xấu là rất cần thiết.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, việc đặt ra trách nhiệm hình sự với người gây ra nợ xấu nhằm hai mục tiêu:
Thứ nhất vừa để đẩy nhanh xử lý nợ xấu và tạo an tâm cho người tham gia xử lý nợ xấu;
Thứ hai nhằm bảo vệ tài sản công và quyền lợi hợp pháp các bên liên quan, tránh chuyện lạm dụng, vô trách nhiệm, liên kết để khỏa lấp những sai phạm cũ hoặc chiếm đoạt lợi ích mới.
“Cần phải đảm bảo cả hai mục tiêu trên không nên lấy xử lý nợ bằng được như là một mục tiêu duy nhất với tinh thần ấy cần phải bổ sung nhiều nội dung”, ông Phong cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu tổ chức tín dụng của Quốc hội đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự cá nhân gây ra nợ xấu là rất cần thiết - ảnh Vân Khánh. |
Xử lý trách nhiệm hình sự cá nhân gây ra nợ xấu được hiểu là làm rõ, xử lý hình sự với cán bộ ngân hàng thiếu trách nhiệm trong rà soát hợp đồng vay vốn, đánh giá tài sản... Và xử lý người vay vốn có hành vi lừa đảo, móc ngoặc với cán bộ ngân hàng để chuộc lợi.
Tuy nhiên bên cạnh đối tượng trực tiếp gây ra nợ xấu để tránh chuyện lạm dụng, liên kết để khỏa lấp những sai phạm cũ của cán bộ được giao nhiệm vụ xử lý nợ xấu cần phải bổ sung thêm điều khoản chế tài.
“Ban hành nghị quyết xử lý trách nhiệm hình sự cá nhân gây ra nợ xấu không đơn giản chỉ tuyên bố truy trách nhiệm hình sự là xong mà cần phải bổ sung thêm chế tài.
Ví dụ cần ban hành những hành vi bị cấm của người tham gia xử lý nợ xấu. Ngoài hành vi vi phạm pháp luật đã được luật quy định hiện nay thì cần phải ghi rõ, bổ sung điều khoản, hành vi bị cấm với người tham gia, người chỉ đạo hoạt động xử lý nợ xấu”, Tiến sĩ Phong chỉ rõ.
Mặt khác, Tiến sĩ Phong cũng cho rằng cần phải kiểm tra, kiểm soát quy trình chặt chẽ thật kỹ để đảm bảo những hành vi bị cấm được tôn trọng nếu không dễ dẫn đến xử lý nhưng không gắn trách nhiệm hình sự.
Chung quan điểm cho rằng cần xử lý trách nhiệm hình sự với cá nhân gây ra nợ xấu tuy nhiên theo Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ không dễ xử lý nhất là khi thể chế, cơ chế hiện nay còn chưa phân tách trách nhiệm cá nhân với tập thể.
“Cơ chế quy trách nhiệm cá nhân của chúng ta có nhưng chưa rõ ràng, muốn quy trách nhiệm phải xây dựng hoàn thiện thể chế.
Mặt khác xử lý trách nhiệm cá nhân người gây ra nợ xấu cũng gặp khó khăn vì phụ thuộc vào quy định của từng ngân hàng”, ông Hồ cho biết.
Tiến sĩ Lưu Bích Hồ cho rằng quy trách nhiệm hình sự cá nhân gây ra nợ xấu là cần thiết nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn phải là xử lý dứt điểm nợ xấu.
Nghị quyết sẽ góp phần xử lý nợ xấu
Cũng liên quan đến Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu tổ chức tín dụng Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nợ xấu là vấn đề nổi cộm nhiều năm qua.
Ở nước ta nợ xấu ở mức cao và ngày càng tăng, trong khi việc xử lý nợ xấu đang gặp khó khăn ở nhiều mặt.
“Nguyên nhân khiến nợ xấu chưa xử lý dứt điểm là cơ chế pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, làm giảm hiệu quả xử lý.
Đặc biệt, cơ chế hiện nay chưa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng, chưa tạo thuận lợi cho quyền xử lý tài sản đảm bảo, thời gian xử lý tài sản đảm bảo tại tòa án kéo dài...”, Tiến sĩ Kiêm cho biết.
Tiến sĩ Kiêm cho rằng ngoài nút thắt từ quy định của luật việc xử lý nợ xấu đang gặp khó khăn do nguồn tài chính mua, xử lý nợ xấu của doanh nghiệp trong nước không có.
Trong khi muốn bán cho ngân hàng nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài cũng gặp khó khăn vì pháp lý chưa thông, thủ tục hành chính của mình còn rườm rà nên doanh nghiệp nước ngoài không muốn vào.
“Rút kinh nghiệm những tồn tại thời gian qua, Quốc hội đặt ra phải có một Nghị quyết xử lý nợ xấu, nghị quyết có tính pháp lý rất cao do cơ quan lập pháp cao nhất thông qua”, Tiến sĩ Kiêm đánh giá.
Theo Tiến sĩ Kiêm trong Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu tổ chức tín dụng có 3 điều mới: Thứ nhất, làm rõ tính pháp lý trao quyền tự chủ xử lý nợ xấu cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nợ xấu là vấn đề nổi cộm nhiều năm qua - ảnh nguồn Báo Công an nhân dân. |
Cụ thể tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các pháp nhân, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ…;
Thứ hai, tăng quyền cho tổ chức tín dụng nghị quyết khẳng định và đảm bảo cho quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.
Chỉ khi tổ chức tín dụng được thu giữ tài sản mới đảm bảo thanh lý, bán tài sản thu hồi vốn cho vay.
Thứ ba, tạo nguồn vốn nhà đầu tư trong nước khi nghị quyết đề cập đến cơ chế hỗ trợ phân bổ lãi dự thu, chênh lệch khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng.
“Với điểm mới này Nghị quyết xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng được kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm…”, Tiến sĩ Kiêm nói.
Bên cạnh đó Tiến sĩ Kiêm cũng cho rằng, việc Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu tổ chức tín dụng của Quốc hội đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự cá nhân gây ra nợ xấu là rất cần thiết.
“Chỉ khi gắn trách nhiệm và xử lý hình sự với cá nhân mới tạo sức răn đe tránh cách làm tắc trách, thiếu trách nhiệm”, Tiến sĩ Kiêm cho biết.
Khi giải quyết được những tồn tại trong xử lý nợ xấu Tiến sĩ Kiêm cho rằng sẽ thu hút được doanh nghiệp, ngân hàng nước ngoài bỏ tiền đầu tư trong vấn đề mua bán xử lý nợ xấu.
Qua đó tạo nguồn vốn mới cho nền kinh tế đặc biệt trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay, để đảm bảo tăng trưởng 6,7% cần phải có nguồn lực.
Theo Tiến sĩ Kiêm để giải quyết nợ xấu không chỉ có những giải pháp đưa ra trong nghị quyết, chúng ta biết nguyên nhân gây ra nợ xấu do cả phía ngân hàng và doanh nghiệp.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan việc kinh doanh của ngân hàng, doanh nghiệp khó khăn do chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Vì vậy ông Kiêm cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển để doanh nghiệp phát triển.
Chỉ khi doanh nghiệp phát triển làm ăn có lãi mới chặn được nợ xấu phát sinh và giảm nợ xấu hiện nay.