Chiều 17/5, chủ trì họp báo, thông báo về những nội dung nổi bật của Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp lần thứ 2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng khẳng định, đây có thể coi là sự kiện gặp gỡ, đối thoại giữa Chính phủ, Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Sự kiện có trên 10.000 đại biểu tham gia, trong đó riêng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã có hơn 2.000 đại biểu, tại các điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố, mỗi nơi có hơn 100 đại biểu.
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp kinh tế tư nhân.
Toàn cảnh họp báo thông báo về những nội dung nổi bật của Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp lần thứ 2 - ảnh: H.Lực |
“Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi xin gửi lời chào mừng, lời cảm ơn tới tất cả các nhà báo, phóng viên, các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng Chính phủ và đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt hội nghị ngày hôm nay cũng như trong suốt thời gian qua trong công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng mở đầu cuộc họp báo.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp được tổ chức ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XII là bước triển khai trực tiếp đầu tiên yêu cầu của Trung ương.
Tinh thần được Trung ương thống nhất rất cao là phải xóa bỏ mọi định kiến, rào cản với kinh tế tư nhân.
Tinh thần này được quán triệt ngay từ khâu tổ chức, khi các đại biểu từ khối doanh nghiệp tư nhân chiếm tuyệt đại đa số tại hội nghị, trong số 2.000 đại biểu trực tiếp dự tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia thì có tới 1.500 đại biểu doanh nghiệp tư nhân.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin tại buổi họp báo - ảnh: H.Lực |
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng hội nghị thống nhất đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35 đã đạt nhiều kết quả tích cực mà hơn ai hết, cộng đồng doanh nghiệp có thể cảm nhận được.
Nghị quyết đã góp phần tạo dựng niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện những cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; tác động rất lớn đến bộ máy cơ quan Nhà nước các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết, đương nhiên phải căn cứ vào mục tiêu đã đề ra.
Nghị quyết 35 đặt mục tiêu tới 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm…
Sau một năm triển khai Nghị quyết, trong năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 110.100 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký trên 900 nghìn tỷ đồng, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay.
Riêng 4 tháng đầu năm 2017 có gần 40.000 doanh nghiệp thành lập mới.
Theo cam kết của các địa phương về phát triển doanh nghiệp, thì tới năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1,4 triệu doanh nghiệp.
Đây là một minh chứng cho môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, là cơ sở để chúng ta có thể tin tưởng đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngay sau ý kiến phản hồi các bộ, ngành Thủ tướng đã cùng với thành viên Chính phủ hợp và chuẩn dự thảo về chỉ thị thực hiện Nghị quyết 35, chỉ thị dài 11 trang, gồm 60 nhiệm vụ cho 14 bộ.
Trong Chỉ thị mới do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ chuẩn bị, trên cơ sở tiếp nhận các ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Đã “gãi đúng chỗ” và sẽ tiếp tục xử lý cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp |
“Tinh thần xây dựng chỉ thị hết sức rõ ràng mạch lạc, nhiệm vụ cụ thể, cơ quan thực hiện cụ thể, thời gian hoàn thành cụ thể, không chồng chéo, không hiểu hai nghĩa, đi thẳng vấn đề mà doanh nghiệp và doanh nhân quan tâm”, ông Dũng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về cơ chế giám sát, chế tài xử lý nếu vi phạm việc thanh kiểm tra chồng chéo trái với Chỉ thị 20 của Thủ tướng về quy định 1 năm không thanh tra doanh nghiệp quá một lần hoặc kiểm toán quá 1 lần.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố là đầu năm phải phê duyệt kế hoạch thanh tra. Đây là thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch.
Do vậy, thanh tra tỉnh,thành phố chủ trì, tiếp nhận toàn bộ những đề xuất của thanh tra của các sở, ngành chuyên ngành để xây dựng một kế hoạch thanh tra trình chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt.
Thanh tra theo kế hoạch 1 năm một lần còn thanh tra đột xuất chỉ thực hiện khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
“Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng yêu cầu phải có chứng cứ, có dấu hiệu rõ ràng, chứ không phải vào thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng sau đó lại không có chứng cứ vi phạm pháp luật”, ông Dũng nói.
Theo người phát ngôn Chính phủ khi các cơ quan phát hiện có sự thanh kiểm tra chồng chéo, lúc đó yêu cầu cơ quan đó báo cáo cơ quan có thẩm quyền là Chủ tịch ủy ban nhân tỉnh, thành phố giải quyết, nếu không thì doanh nghiệp kiến nghị lên các cơ quan cao hơn.
Khi các cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu trong chỉ thị của Thủ tướng, tùy theo mức độ vi phạm, sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
“Nếu cố tình, nếu biết mà vẫn để cơ quan thanh tra, kiểm tra chồng chéo thì người đứng đầu địa phương đó sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Nếu vi phạm pháp luật sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.