Bán “chui” tới 57 triệu cổ phiếu, chỉ bị phạt 65 triệu đồng
Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin về phản ánh của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) trước tình trạng bán “chui” cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, nhưng mức phạt hiện nay vẫn còn nhẹ, gây bức xúc cho nhiều nhà đầu tư.
Một thí dụ cụ thể là trong ba ngày (20, 23, 24/10/2017), ông Trịnh Văn Quyết đã bán “chui” 57 triệu cổ phiếu FLC. Cũng trong thời gian này, FLC Faros do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch cũng bán “chui” 13,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group (AMD).
Ngày 10/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyêt số tiền 65 triệu đồng, còn đối với FLC Faros là 130 triệu đồng; không áp dụng hình phạt bổ sung như buộc nộp lại khoản lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm mà có.
Ngay sau đó, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Tài Chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị làm rõ có hay không việc bao che, dung túng cho hành vi vi phạm làm méo mó thị trường chứng khoán?
Việc ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" 57 triệu cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Ảnh: FLC. |
Trong khi đó, trả lời phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Lê Thị Việt Nga – Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: “Pháp luật chứng khoán không cấm các thành viên, cổ đông nội bộ như hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban kiểm toán nội bộ… được giao dịch, mua cổ phiếu của chính công ty đại chúng đó.
Tuy nhiên, những người cán bộ là người có ưu thế hơn so với các cổ đông thông thường khác biết được các thông tin nội bộ. Chính vì vậy để giao dịch cổ phiếu, pháp luật chứng khoán có quy định trước và sau giao dịch của cổ đông nội bộ phải thực hiện báo cáo và công bố thông tin.
Trường hợp những cổ đông nội bộ nếu như vi phạm về báo cáo và công bố thông tin sẽ bị xử phạt theo Nghị định 108 (nay được sửa đổi là Nghị định 145)”.
Theo bà Lê Thị Việt Nga, cần phân biệt hai hành vi: Hành vi bán cổ phiếu mà không thông báo như trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, pháp luật hiện tại chỉ quy định xử phạt hành chính.
Hành vi thứ hai là vi phạm giao dịch nội bộ, biết thông tin nội bộ nhưng bán ra để tránh lỗ.
Theo đó, trường hợp không báo cáo về dự kiến thực hiện giao dịch sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định trên. Đối với tổ chức mức xử phạt cao nhất là phạt tiền 130 triệu đồng và cá nhân bị phạt bằng nửa tổ chức là 65 triệu đồng”.
Nỗ lực của Chính phủ và hành động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước |
Lý giải về trường hợp ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” 57 triệu cổ phiếu FLC, bà Nga cho rằng: “Quy định pháp luật hiện nay đối với hành vi không báo cáo về dự kiến giao dịch sẽ bị phạt bằng tiền và không có quy định áp dụng hình phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả như hủy bỏ giao dịch hay buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm mà có.
Đó là hành vi không báo trước và sau thực hiện giao dịch, đối với hành vi này chỉ áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính.
Hành vi bán cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết mà không báo cáo dự kiến giao dịch đã vi phạm quy định tại Điều 27 Nghị định 108 (được sửa đổi theo Khoản 35 Điều 1 Nghị định 145).
Đối với hành vi này mức xử phạt tối đa là 65 triệu đồng đối với cá nhân là ông Trịnh Văn Quyết. Đồng thời Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục chỉ đạo Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh theo dõi giám sát đối với giao dịch chung trên thị trường trong đó có cổ phiếu FLC. Trường hợp tiếp tục phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật”.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" cổ phiếu theo quy định hiện hành chỉ bị phạt vi phạm hành chính bằng tiền chứ không có hình thức phạt bổ sung là buộc nộp lại khoản lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm mà có. Ảnh: Vũ Phương |
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết thêm, trường hợp FLC Faros cũng tương tự bán 13,6 triệu cổ phiếu AMD nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.
Đây là tổ chức nên mức xử phạt cao nhất là 130 triệu đồng theo Nghị định 108”.
Bà Phạm Thị Thanh Hương – Phó Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin thêm: “Thông tư 155 ban hành năm 2015 cũng nêu rõ nghĩa vụ của cổ đông nội bộ phải báo cáo trước và sau 3 ngày.
Như vậy ông Trịnh Văn Quyết bán mà không thông báo và báo cáo đã vi phạm Thông tư 155. Chế tài xử phạt trong trường hợp này là vi phạm hành chính”.
Trước câu hỏi của phóng viên, đối với giao dịch bán “chui” 57 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có tính được số lợi bất chính do hành vi vi phạm mà có hay không?
Bà Phạm Thị Thanh Hương giải thích: “Với hành vi giao dịch không báo cáo dự kiến giao dịch, chúng tôi không có cơ sở áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung ngoài mức phạt vi phạm hành chính.
Nếu như pháp luật có quy định về cách tính số lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết, chúng tôi sẽ làm ngay”.
Đáng chú ý trong ba ngày liên tiếp ông Trịnh Văn Quyết bán ra lượng lớn cổ phiếu FLC, trong khi đó phần mềm, các công cụ giám sát của cả sở giao dịch và Ủy ban Chứng khoán toàn có thể phát hiện và ngăn chặn giao dịch bất hợp pháp. Vậy tại sao lại để diễn ra trong ba ngày liên tiếp, trong khi chỉ cần xảy ra trong ngày đầu tiên đã phải ngăn chặn?
Về việc này, bà Hương cho biết: "Hiện nay luật quốc tế cũng như Việt Nam không áp dụng biện pháp ngăn chặn các cổ đông nội bộ khi chưa công bố, báo cáo mà thực hiện giao dịch. Như thế sẽ vi phạm quyền sở hữu".
Phóng viên đã đặt ra câu hỏi: Việc ông Trịnh Văn Quyết công bố sẽ mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC, trong khi âm thầm bán ra. Như vậy có được cho là hành vi không trung thực với các nhà đầu tư khác, như Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đã chỉ ra?
Về việc này bà Lê Thị Việt Nga cho hay: “Ngày 23/10/2017, ông Trịnh Văn Quyết đăng ký mua 37 triệu cổ phiếu từ 19/11/2017 đến 20/12/2017. Còn thời điểm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt là ngày 10/11 trước khi ông Trịnh Văn Quyết mua cổ phiếu FLC”.
Như vậy, dư luận hoàn toàn có thể đặt ra ghi vấn có hay không việc “tung hỏa mù” để đẩy giá cổ phiếu FLC lên cao nhằm trục lợi bởi việc ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” 57 triệu cổ phiếu FLC trong ba ngày 20, 23, 24/10/2017, cùng thời gian ông Quyết cũng công bố sẽ mua 37 triệu cổ phiếu FLC ngày 23/10/2017.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam - ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn với những hành vi bán "chui" cổ phiếu như ông Trịnh Văn Quyết, Hiệp hội sẽ kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Xử phạt không nghiêm khắc hơn, sẽ kiến nghị lên Thủ tướng
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng: “Vào ngày 23/10 tại đại hội cổ đông bất thường, ông Quyết nói mua 37 triệu cổ phiếu FLC (từ ngày 20/11/2017 - 19/12/2017)
Trong khi đó, ông Quyết lại âm thầm bán “chui” 57 triệu cổ phiếu FLC diễn ra từ 20, 23, 24/10/2017 thì hành vi đó hoàn toàn có thể xem xét đến yếu tố không trung thực.
Thực tế, nếu ông Quyết bán đàng hoàng thì đã phải công bố trước khi bán 57 triệu cổ phiếu FLC. Với việc công bố bán số lượng lớn cổ phiếu FLC như vậy có thể khiến giá cổ phiếu sẽ giảm, không thể cao như bán chui".
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài Chính đề nghị làm rõ việc xử lý việc ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” lượng lớn cổ phiếu, nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại xử phạt quá nhẹ.
“Bộ Tài Chính trả lời chúng tôi là đã ủy quyền cho Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước trả lời. Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết vẫn đang xem xét làm rõ việc liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết. Nếu không thuyết phục, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ”, ông Hải nói.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” 57 triệu cổ phiếu FLC và trường hợp FLC Faros bán “chui” 13,6 triệu cổ phiếu AMD không có quy định phải nộp phạt khoản lợi nhuận bất hợp pháp do hành vi vi phạm mà có.
Cần thanh tra các quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước |
Về việc này, ông Nguyễn Hoàng Hải nêu quan điểm: “Ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” cổ phiếu và FLC Faros bán “chui” cổ phiếu AMD là cố tình và phải xem xét đó có phải là hành vi không trung thực đối các nhà đầu tư không?
Khoản lợi nhuận bất hợp pháp do hành vi vi phạm mà có của ông Trịnh Văn Quyết và FLC Faros hoàn toàn có thể xác định được, chứ không thể nói là không tính toán được.
Việc công bố sẽ mua vào cổ phiếu nhằm thông tin với thị trường là tín hiệu tốt, nhưng sau đó lại âm thầm bán ra lượng lớn cổ phiếu là dấu hiệu nhằm trục lợi. Nếu công bố thông tin theo quy định trước khi bán 57 triệu cổ phiếu FLC rất có thể sẽ không được giá bằng bán “chui” và phải bán trong thời gian dài chứ không bán nhanh được như thế.
Việc công khai bán “chui” lượng cổ phiếu lớn như vậy thì Ủy ban Chứng khoán phải lên tiếng để công chúng biết, chứ không thể im mãi.
Hành vi vi phạm như vậy mà không xử lý nghiêm là chúng tôi sẽ kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ”.