Xu thế thị trường tiêm kích, huấn luyện trên thế giới trong 5 năm tới

02/05/2013 09:36
Việt Dũng
(GDVN) - Bài báo đặc biệt nhấn mạnh đến sản lượng, trị giá mua bán máy bay chiến đấu trên thị trường thế giới 5 năm tới, nhất là Mỹ.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ

Tuần san “Người đưa tin công nghiệp quân sự” Nga vừa có bài viết dẫn phân tích của tạp chí “Aviation Week & Space Technology” Mỹ cho rằng, trong 5 năm tới (2013-2017) tình hình thị trường máy bay chiến đấu và máy bay huấn luyện trên thế giới sẽ không có nhiều thay đổi lớn lắm, sản phẩm của Mỹ-Âu vẫn sẽ chiếm vị thế chủ đạo.

Dự kiến, phương Tây sẽ sản xuất 1.563 máy bay chiến đấu, tổng trị giá 107,7 tỷ USD, trong đó Mỹ sẽ sản xuất 880 máy bay chiến đấu, chiếm 74%. Còn Trung Quốc sẽ sản xuất 200 máy bay chiến đấu, Nga có thể sản xuất 250 máy bay chiến đấu.

Theo số liệu của tạp chí Mỹ, trong 5 năm tới, Công ty Lockheed Martin Mỹ sẽ chiếm vị thế chủ đạo trên thị trường máy bay chiến đấu và máy bay huấn luyện thế giới, dự kiến sẽ sản xuất 492 máy bay chiến đấu, chiếm 31,5%; Công ty Boeing đứng thứ hai, 157 chiếc, chiếm 10%; Tập đoàn máy bay chiến đấu châu Âu đứng ở vị trí thứ ba, 149 chiếc, chiếm 9,5%; Công ty Pilatus Thụy Sĩ đứng thứ tư, 147 chiếc, chiếm 9,4%; Công ty KAI Hàn Quốc thứ năm, 144 chiếc, chiếm 9,2%; tất cả các công ty chế tạo hàng không còn lại sẽ sản xuất 474 chiếc, chiếm 30,3%.

Nhìn vào góc độ trị giá, trong 5 năm tới, thu nhập tiêu thụ máy bay chiến đấu trên thị trường thế giới sẽ đạt 107,7 tỷ USD, Công ty Lockheed Martin Mỹ đứng đầu, đạt 40,3 tỷ USD, chiếm 37,4%; Công ty Boeing 10,8 tỷ USD, chiếm 10%; Công ty máy bay chiến đấu châu Âu 11,9 tỷ USD, chiếm 11%; Công ty Pilatus Thụy Sĩ 7,1 tỷ USD, chiếm 3,9%; Công ty hàng không Dassault Pháp 6,9 tỷ USD, chiếm 6,4%; tất cả các công ty còn lại 33,6 tỷ USD, chiếm 31,1%.

Máy bay chiến đấu Rafale-C 1 chỗ ngồi, Không quân Pháp
Máy bay chiến đấu Rafale-C 1 chỗ ngồi, Không quân Pháp

Về nguyên tắc, mua bán trang bị hàng không tác chiến luôn lấy quyết sách của các nhà lãnh đạo chính quyền cao nhất của nước nhập khẩu làm nền tảng.

Trong tình hình ngân sách quốc phòng cắt giảm, không chỉ phải xem xét thông số giá cả của giao dịch, mà còn phải xem xét khả năng có được công nghệ tiên tiến và khả năng phục vụ 50 năm (tuổi thọ) sau khi mua về.

Trong tình hình quy mô thị trường máy bay chiến đấu hiện đại tương đối hạn chế, cuộc đấu chính trị, ngoại giao giữa các nước nhập khẩu và các nước xuất khẩu vô cùng phức tạp, chẳng hạn Pháp, Thụy Điển và Mỹ tranh giành quyết liệt hợp đồng cung ứng máy bay chiến đấu kiểu mới FX-2 cho Brazil, khiến cho kết quả đấu thầu chậm trể không thể công bố.

UAE, nước hầu như đã chuẩn bị mua sắm máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, năm 2011 trì hoãn công bố kết quả đấu thầu, Anh lập tức chào bán máy bay chiến đấu Typhoon cho họ.

Ấn Độ tuy đã lựa chọn máy bay vận tải quân sự C-17, C-130, máy bay trực thăng vũ trang Apache, máy bay trực thăng vận tải Chinook và máy bay tuần tra săn ngầm P-8I của Mỹ, nhưng đã từ chối hàng Mỹ trong chương trình máy bay chiến đấu đa năng hạng trung tương lai, lựa chọn máy bay chiến đấu Rafale Pháp, đồng thời còn hợp tác với Nga nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu hạng nặng thế hệ thứ năm.

Công ty Lockheed Martin Mỹ chiếm vị thế chủ đạo trên thị trường máy bay chiến đấu 5 năm tới, chủ yếu dựa vào chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35, sau khi đã thu hút được 8 nước đối tác Anh, Italia, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Đan Mạch, Na Uy, Australia, còn hy vọng có thêm thành viên mới tham gia, chẳng hạn ký với Israel hợp đồng cung ứng lô 19 máy bay F-35A đầu tiên, tham gia đấu thầu mua sắm 36 máy bay chiến đấu mới của Hàn Quốc và chào báo cho Singapore.

Mặc dù tiến độ của chương trình không phải thực sự thuận lợi, nhưng kế hoạch tiêu thụ tổng thể của F-35 vẫn duy trì không thay đổi, Không quân Mỹ sẽ mua 2.443 chiếc, các nước khác nhiều nhất sẽ nhập khẩu 600 chiếc.

Máy bay chiến đấu hải quân F/A-18F Super Hornet Mỹ
Máy bay chiến đấu hải quân F/A-18F Super Hornet Mỹ

Đồng thời, Công nghiệp hàng không Mỹ còn đang tiếp tục sản xuất máy bay chiến đấu phiên bản khác, chẳng hạn đơn đặt hàng mua bổ sung của Hải quân Mỹ có thể làm cho dây chuyền sản xuất F/A-18E/F kéo dài đến năm 2015, Ả-rập Xê-út mua thêm 85 máy bay F-15SA có thể làm cho dây chuyền sản xuất F-15 kéo dài đến năm 2020, Công ty Boeing tiếp tục chào bán máy bay chiến đấu F/A-18E/F cho các khách hàng tiềm năng như Brazil, Kuwait.

Trong tình hình F-35 tạm thời ban đầu vẫn chưa có sức chiến đấu, Không quân Mỹ còn chuẩn bị cải tiến 300 máy bay chiến đấu F-16, lắp ráp radar mảng pha quét điện tử chủ động, làm cho nó tiếp tục phục vụ đến năm 2030. Ngoài ra, Đài Loan, Hy Lạp, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Singapore cũng rất quan tâm tới F-16 nâng cấp.

Các nước châu Âu cũng hy vọng cải tạo radar mảng pha quét điện tử chủ động cho máy bay chiến đấu của họ, năm 2012 chiếc máy bay chiến đấu Rafale phiên bản sản xuất hàng loạt được trang bị radar RBE2 đã đi vào hoạt động, năm 2013 sẽ xây dựng xong phi đội đầu tiên. Năm 2013 dự kiến sẽ ký hợp đồng cung ứng 126 máy bay chiến đấu Rafale trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động cho Ấn Độ.

Máy bay chiến đấy Typhoon do Anh-Đức-Italia-Tây Ban Nha hợp tác nghiên cứu chế tạo hiện đang tranh giành đơn đặt hàng của Hàn Quốc. Thụy Điển và Thụy Sĩ năm 2012 ký kết thỏa thuận khung, quyết định hợp tác nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu JAS-39E, sử dụng động cơ F414 có lực đẩy lớn hơn, hành trình gia tăng, vũ khí hàng không nhiều hơn, trang bị radar tiên tiến, dự kiến đến năm 2018 bắt đầu bàn giao trước cho Không quân Thụy Điển (60-80 chiếc), sau đó cung ứng cho Thụy Sĩ (22 chiếc).

Máy bay chiến đấu JAS-39C Gripen của Không quân Thụy Điển.
Máy bay chiến đấu JAS-39C Gripen của Không quân Thụy Điển.

Một số nước khác cũng đang cân nhắc nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu tiên tiến có thể đáp ứng nhu cầu của bản thân, chẳng hạn Hàn Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình máy bay chiến đấu tàng hình KF-X nội địa, có kế hoạch mua 200 chiếc, thay thế cho F-16 bắt đầu từ năm 2020. Indonesia tích cực tham gia chương trình này, sẵn sàng mua 50 chiếc. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoàn thành đánh giá chương trình máy bay chiến đấu-huấn luyện TFX trong năm nay, có kế hoạch trang bị trước năm 2023.

Nhật Bản đã lựa chọn nhập khẩu máy bay chiến đấu F-35 thay thế cho máy bay chiến đấu F-4EJ, đồng thời chuẩn bị nâng cấp máy bay F-15J, ngoài ra còn có kế hoạch tự nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình mới F-3, sẽ sản xuất 200 chiếc, thay thế cho máy bay chiến đấu F-2 vào nửa thập niên 30, và bắt đầu thay thế cho F-15 vào nửa sau thập niên 30.

Tiến trình nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu LCA Tejas nội địa của Ấn Độ hoàn toàn không thuận lợi, lô 40 chiếc LCA Mk1 đầu tiên tuy đã sơ bộ hình thành sức chiến đấu vào năm 2012, nhưng trọng lượng máy bay quá lớn, công suất động cơ không đủ, không phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, kỹ thuật của Không quân Ấn Độ. Ấn Độ có kế hoạch nghiên cứu chế tạo phiên bản LCA Mk2 trang bị động cơ F414 có lực đẩy lớn hơn, Không quân sẽ trang bị 80 chiếc, Hải quân trang bị 50 chiếc.

Ấn Độ còn đang hợp tác với Nga nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm FGFA (phiên bản Ấn Độ của T-50 Không quân Nga), hiện nay T-50 đang tiến hành bay thử, có kế hoạch trang bị cho Không quân Nga vào năm 2017. Không quân Ấn Độ có kế hoạch ban đầu mua 144 chiếc FGFA phiên bản 1 chỗ ngồi, thay thế cho Su-30MKI bắt đầu từ năm 2020.

Máy bay chiến đấu tàng hình T-50 Nga
Máy bay chiến đấu tàng hình T-50 Nga

Cùng với việc chờ đợi trang bị máy bay chiến đấu T-50, Không quân Nga bắt đầu tích cực đổi mới cụm máy bay chiến đấu mới, hiện đã trang bị 12 máy bay chiến đấu Su-27M3 phiên bản 1 chỗ ngồi và 4 máy bay chiến đấu Su-30M2 phiên bản 2 chỗ ngồi, đồng thời nâng cấp máy bay phiên bản khác. Có kế hoạch trang bị 48 máy bay chiến đấu phiên bản hoàn thiện mới Su-35S và 30 máy bay chiến đấu Su-30MK phiên bản 2 chỗ ngồi trước năm 2015, trang bị 92 máy bay ném bom tiền phương mới Su-34 trước năm 2020, từ đó duy trì dây chuyền sản xuất của máy bay dòng Su-27, Su-30, bảo đảm cung ứng xuất khẩu trong vài năm tới.

Trung Quốc hiện nay đang thực hiện ít nhất 6 chương trình nghiên cứu chế tạo máy bay tác chiến, trong đó có máy bay chiến đấu 1 động cơ J-10B Thành Đô, máy bay chiến đấu 2 động cơ J-11B Thẩm Dương, máy bay chiến đấu hải quân J-15S phiên bản 2 chỗ ngồi và J-15 phiên bản 1 chỗ ngồi (lấy Su-33 Nga làm nền tảng).

Ngoài ra, Trung Quốc còn đang thử nghiệm 2 mẫu máy bay chiến đấu tàng hình mới nội địa, trong đó máy bay J-20 nặng 33 tấn của Công ty máy bay Thành Đô đã bay thử lần đầu tiên vào tháng 1/2011, còn máy bay J-31 nặng 17,5 tấn của Công ty Máy bay Thẩm Dương bay thử lần đầu tiên vào tháng 10/2012.

Nghe nói, J-20 cùng một cấp độ với máy bay F-22 của Mỹ, sẽ trang bị cho quân đội vào năm 2019. Tình hình nghiên cứu phát triển J-31 còn chưa rõ lắm, nhưng Công nghiệp hàng không Trung Quốc có kế hoạch xuất khẩu loại máy bay này ra thị trường quốc tế. Sự ra đời của máy bay chiến đấu tàng hình Trung Quốc cùng với F-22 kết thúc sản xuất và F-35 tiến triển chậm chạp, có thể sẽ thúc đẩy Bộ Quốc phòng Mỹ đẩy nhanh nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu, bảo đảm giành lấy quyền kiểm soát trên không.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc

Việc nghiên cứu chế tạo và trang bị các loại máy bay chiến đấu tiên tiến tạo ra tác động tương đối lớn tới thị trường máy bay huấn luyện, Không quân các nước có yêu cầu liên tục cao hơn đối với việc đào tạo phi công. Căn cứ vào dự đoán của các nhà phân tích Mỹ, trong 5 năm tới thị trường thế giới sẽ cung ứng gần 480 máy bay huấn luyện tiên tiến, Công ty Pilatus Thụy Sĩ sẽ chiếm thị phần 31%, năm 2012 đã ký hợp đồng cung ứng 55 máy bay PC-21 cho Ả-rập Xê-út, đã ký với Qatar hợp đồng 24 máy bay, có kế hoạch bắt đầu bàn giao vào năm 2014.

Công ty công nghiệp hàng không Brazil sẽ chiếm 16%, ngoài tiếp tục chào bán EMB-314, sẽ còn tham gia đấu thầu mua sắm máy bay tấn công hạng nhẹ Mỹ trong năm 2013. Máy bay L-159 của Công ty Aero Vodochody, Séc sẽ đứng thứ ba với đơn đặt hàng 28 chiếc của Iraq. Công ty BAE Systems Anh giành được đơn đặt hàng 22 máy bay huấn luyện Hawk từ Ả-rập Xê-út, hiện đang tiến hành đàm phán cung ứng 20 máy bay huấn luyện loại này cho Ấn Độ.

Triển vọng thị trường của máy bay huấn luyện M-346 của Italia cũng sáng sủa, Israel đã đặt mua 30 chiếc, có kế hoạch bắt đầu cung ứng từ năm 2014; sau đó sẽ đáp ứng nhu cầu của Không quân Italia và Singapore. Indonesia đã đặt mua 16 máy bay huấn luyện T-50 của Hàn Quốc. Máy bay huấn luyện L-15 của Trung Quốc và Yak-130 của Nga cũng gây chú ý; trong đó Yak-130 có triển vọng xuất khẩu lạc quan, đáng chú ý là Algeria đã mua 16 chiếc, Bangladesh cũng đang cân nhắc nhập khẩu 24 chiếc.

Máy bay huấn luyện T-50 Hàn Quốc
Máy bay huấn luyện T-50 Hàn Quốc
Việt Dũng