Cty Hồng Việt: "Không có việc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản"

22/09/2014 06:39
Minh Trang
(GDVN) - Cho rằng các giao dịch chỉ là thỏa thuận dân sự, Công ty CP Xây dựng Hồng Việt khẳng định mình bị “vu oan” trong vụ việc này.

“Có sự thỏa thuận”

Ông Bùi Viết Kham (vợ là Hoàng Thị Mơ) trú tại tổ 17, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định có đơn tố cáo Công ty CP Xây dựng Hồng Việt (trụ sở tại xóm 12, xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) do ông Trần Thế Việt (vợ là Trần Thị Hồng) làm chủ về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" lên tới gần 10 tỷ đồng. Lý lẽ mà ông Kham đưa ra là: ông Việt đã sử dụng tài sản “không phải do mình sở hữu” để mang đi thế chấp vay vốn.

Giấy ủy quyền của Công ty TVT cho bà Hồng, Phó giám đốc Công ty Hồng Việt.
Giấy ủy quyền của Công ty TVT cho bà Hồng, Phó giám đốc Công ty Hồng Việt.

Tuy nhiên, theo Công ty CP Xây dựng Hồng Việt (Công ty Hồng Việt), sự thực không phải như vậy. Ngày 04/1/2012, Công ty CP Tập đoàn TVT (Công ty TVT) do ông Đinh Xuân Bình giữ chức Chủ tịch HĐQT đã ký Giấy ủy quyền cho bà Trần Thị Hồng, chức vụ Phó giám đốc Công ty Hồng Việt với nội dung: Bà Hồng được quyền dùng tài sản là Nhà máy chế biến gỗ Nam Định thuộc Công ty TVT để huy động nguồn vốn từ chỗ ông bà Mơ Kham với số tiền không quá 10 tỷ đồng. Mục đích việc huy động là thực hiện dự án mở rộng Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Nam Định.

Thỏa thuận về nghĩa vụ trả nợ giữa Công ty TVT và Công ty Hồng Việt.
Thỏa thuận về nghĩa vụ trả nợ giữa Công ty TVT và Công ty Hồng Việt.

Tiếp đến, tại Giấy cam kết đề ngày 15/1/2012 giữa Công ty TVT và Công ty Hồng Việt cũng ghi rõ: Do nhu cầu triển khai dự án mở rộng Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại Nam Định, Công ty TVT có ủy quyền cho bà Hồng đứng ra bảo lãnh huy động vốn từ chỗ ông bà Mơ Kham cho Công ty TVT với số tiền không quá 10 tỷ đồng.

Số tiền huy động được chuyển vào Công ty TVT thể hiện bằng hợp đồng vay vốn giữa bà Hồng và ông bà Mơ Kham; phiếu thu tiền vay của ông bà Mơ Kham vào Công ty TVT. Công ty TVT cam kết sẽ thanh toán gốc, lãi đầy đủ, đúng hạn theo đúng hợp đồng vay vốn. Trong trường hợp đến hạn, Công ty TVT không thanh toán được để trả tiền cho ông bà Mơ Kham, Công ty TVT có trách nhiệm nhận nợ lại khoản vay trên để trực tiếp thanh toán với ông bà Mơ Kham.

Như vậy, căn cứ theo tài liệu mà Công ty Hồng Việt cung cấp, thì việc thế chấp vay vốn có sự ủy quyền và thỏa thuận của Công ty TVT đối với Công ty Hồng Việt.

“Có sự trả nợ”

Gia đình ông Bùi Viết Kham cho rằng, sau khi vay số tiền gần 10 tỷ đồng, Công ty Hồng Việt chưa thanh toán bất cứ khoản tiền nào. Tuy nhiên, hồ sơ mà phía Công ty Hồng Việt cung cấp cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thì có sự trả nợ thường xuyên.

Hàng chục giấy biên nhận như thế này thể hiện việc Công ty Hồng Việt có thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho gia đình ông bà Kham Mơ.
Hàng chục giấy biên nhận như thế này thể hiện việc Công ty Hồng Việt có thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho gia đình ông bà Kham Mơ.

Cụ thể, ngày 16/6, Doanh nghiệp vàng bạc Kim Anh – Đức Kham (do ông Kham làm chủ) có ghi Giấy biên nhận với nội dung: “Cháu Đỉnh trả lãi cho mẹ Việt số tiền 371 triệu đồng”.

Tại Giấy biên nhận đề ngày 12/7 của Doanh nghiệp vàng bạc Kim Anh – Đức Kham có ghi: “Cháu Thỉnh trả hộ mẹ Hồng Việt số tiền 200 triệu đồng”.

Tiếp đến, tại Giấy biên nhận đề 04/8/2012 của Doanh nghiệp vàng bạc Kim Anh – Đức Kham có ghi: “Nhận của cháu Thỉnh con bác Việt (ông Trần Thế Việt-PV) 70 triệu đồng”.

Tại một giấy biên nhận khác đề ngày 16/5/2012 co ghi: “Tôi là Bùi Viết Kham nhận của chị Việt – Hồng số tiền là 2,5 tỷ đồng”.

Ngoài ra, còn nhiều chứng từ khác thể hiện Công ty Hồng Việt đang tiến hành trả nợ khoản vay cho gia đình ông bà Kham Mơ.

Công ty Hồng Việt còn cung cấp một số tài liệu thể hiện có hoạt động cho vay “nặng lãi, tín dụng đen” của gia đình ông bà Kham Mơ. Về việc này, đề nghị Công an huyện Xuân Trường tiến hành xác minh, làm rõ và nếu có sai phạm tiến hành truy tố theo quy định của pháp luật.

Về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) phân tích: Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Theo quy định trên thì hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Như vậy, theo hồ sơ mà Công ty Hồng Việt cung cấp thì không có việc dùng thủ đoạn gian dối khi ký hợp đồng vay vốn với gia đình ông Kham, bà Mơ; không có việc bỏ trốn vì Công ty Hồng Việt vẫn sinh sống, làm ăn tại địa phương và vẫn thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho gia đình ông Kham; việc vay vốn của Công ty Hồng Việt nhằm mở rộng Nhà máy sản xuất gỗ nên việc sử dụng vốn vay là đúng mục đích. Từ những phân tích trên, chưa đủ căn cứ để khẳng định ông Trần Thế Việt (vợ là Trần Thị Hồng) phạm tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Minh Trang