Đại sứ quán Malaysia đã ba lần gửi thư kiến nghị, vụ việc tại KVS vẫn tắc

25/10/2018 08:57
Trần Phương
(GDVN) - Dù 3 năm liên tiếp Đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội gửi thư cho các cơ quan ban ngành của Việt Nam với mong muốn giải quyết vụ việc nhưng đến nay vẫn bế tắc.

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, hành trình 5 năm liên tiếp của doanh nhân Wee Kim Hong đi tố cáo ông Cao Văn Sơn, người đang giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam (tên giao dịch là công ty KVS), chiếm đoạt tiền và con dấu của chính công ty này đang ngày càng thêm tuyệt vọng.

Hành trình 5 năm tuyệt vọng đi đòi con dấu của doanh nhân Malaysia trên đất Việt

Trong 5 năm liên tiếp ông Wee Kim Hong và các thành viên của Hội đồng quản trị của Công ty KVS đội đơn đi cầu cứu các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn vụ việc vẫn không có nhiều tiến triển.

Trong khi đó, thông tin tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, về các hoạt động của công ty KVS, ông Cao Văn Sơn cho biết:

“Việc cứ cãi nhau như vậy nên công ty không thể hoạt động được.

Hiện nay chúng tôi làm việc khác chứ còn công ty đó (Kenanga Việt Nam- PV) cứ để khi nào nó chết thì nó chết”.

Tiếp tục gửi tài liệu tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Wee Kim Hong đã cung cấp cho Báo 3 bức thư được gửi liên tiếp trong 3 năm 2013, 2014, 2015 của Đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội tới các cơ quan chức năng Việt Nam mong muốn trợ giúp về vụ việc.

Tuy nhiên, dù đã được Đại sứ quán gửi thư nhưng đến nay mọi việc vẫn lâm vào bế tắc, bản thân ông Wee Kim Hong và các cổ đông của KVS có thất vọng nhưng vẫn tin tưởng vào sự công minh của pháp luật Việt Nam.

Đại sứ quán Malaysia đã 3 lần gửi nhưng vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết. (ảnh chụp màn hình: LC)
Đại sứ quán Malaysia đã 3 lần gửi nhưng vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết. (ảnh chụp màn hình: LC)

Thư gửi lần thứ nhất được thực hiện ngày 8/11/2013. Thư được Đại sứ quán Malaysia đã gửi trực tiếp đến Vụ Kinh tế đối ngoại của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng kính gửi hàng loạt các cơ quan khác như Bộ Công an, Vụ Đông Nam Á, Nam Á & Thái Bình Dương, Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại Giao Việt Nam.

Trong thư, Đại sứ quán Malaysia đã đề cập đến tranh chấp giữa K&N Kenanga Holdings Berhad, Malaysia (Kenanga Malaysia) và ông Cao Văn Sơn liên quan đến công ty KVS Việt Nam.

Theo đó, trên cơ sở trình bày vụ việc tranh chấp giữa ông Cao Văn Sơn và các thành viên Hội đồng quản trị, Đại sứ quán Malaysia kính đề nghị Vụ Kinh tế Đối ngoại trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ can thiệp đối với vấn đề tranh chấp nhằm giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa và công bằng.

“Có vẻ chắc chắn rằng đã có hành vi gian dối và bất hợp pháp xảy ra gây tổn thất chi phí cho Kenanga Malaysia, một tổ chức tài chính vững mạnh, được niêm yết ra công chúng và có quy tín tại Malaysia và là nhà đầu tư ngay tình (Trích nguyên văn bản - PV) tại Việt Nam”, thư của Đại sứ quán Malaysia nêu.

Đại sứ quán Malaysia cũng cho biết Đại sứ quán đã nhận được sự hướng dẫn tư vấn của Vụ Kinh tế đối ngoại về cách thức xúc tiến giải quyết vụ việc.

Đồng thời, sẵn lòng cung cấp tất cả các tài liệu liên quan, cũng như sẵn sàng gặp gỡ các cơ quan hữu quan của Việt Nam để cung cấp toàn diện hơn sự thật bên trong về tình hình, hoàn cảnh khó khăn mà KVS Việt Nam  và Kenanga Malaysia đang đối mặt.

Đại sứ quán Malaysia đảm bảo sẽ xem xét vụ việc này ở mức độ cao nhất.

Vụ việc tại Kenanga Việt Nam lâm vào bế tắc vì chưa có quy định pháp luật?

Sau bức thư thứ nhất, ngày 10/1/2014, Đại sứ quán Malaysia tiếp tục gửi thư đến Bộ tài chính.

Liên quan đến lần gửi thư này, trong thư Đại sứ quán Malaysia nêu lý do:

“Ông Sơn (ông Cao Văn Sơn – PV) nộp đơn chấm dứt tư cách thành viên của KVS Việt Nam tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đồng thời bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị mới thông qua cuộc họp cổ đông ngày 6/9/2013".

"Trong khi quyết định chấm dứt tư cách thành viên tại HOSE chưa được thi hành thì ngày 12/11/2013 Ủy ban chứng khoán nhà nước đã công bố danh sách các thành viên Hội đồng quản trị mới trên trang điện tử và do đó đã thông báo với công chúng về các thành viên Hội đồng quản trị mới hợp lệ”, thư của Đại sứ quán Malaysia nêu.

Đại sứ quán Malaysia đã thông báo với Bộ Tài chính rằng ngày 28/10/2013, Kenanga Malaysia đã thông báo với Ban Thanh tra trả lời về triệu tập các thành viên cũ đến tham dự cuộc họp Hội đồng cổ đông vào ngày 6/9/2013 không được phép tiến hành vì các quy trình để triệu tập cuộc họp cổ đông không tuân theo Điều 28 khoản 5.2 trong điều lệ của KVS Việt Nam.

Theo đó, danh sách các cổ đông tham dự cuộc họp và bỏ phiếu phải được xác nhận ít nhất là 30 ngày trước khi cuộc họp diễn ra.

Công ty Kenanga đã không thể hoạt động vì những tranh chấp suốt 5 năm. (Ảnh: LC)
Công ty Kenanga đã không thể hoạt động vì những tranh chấp suốt 5 năm. (Ảnh: LC)

Trước khi Đại sứ quán Malaysia gửi thư, KVS Việt Nam bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước cảnh cáo và phạt rất nhiều các vi phạm.

Trong đó có việc KVS Việt Nam không tuân thủ theo hạn mức đầu tư, sử dụng tiền của nhà đầu tư và báo cáo các thông tin sai lệch.

Các vi phạm đều xảy ra trong thời gian ông Sơn làm chủ tịch, do vậy Đại sứ quán Malaysia đã đặt câu hỏi về mức độ tín nhiệm đối với ông Sơn.

Trong thư, Đại sứ quán Malaysia cho rằng hành động của ông Sơn không vì các cổ đông của KVS Việt Nam và làm thiệt hại tài chính đáng kể và phá hoại danh tiếng của Kenanga Malaysia.

Liên quan đến việc này, Đại sứ quán Malaysia cũng đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Tài Chính nhằm tóm lược những chi tiết của vụ việc cũng như xin chỉ đạo về cách giải quyết tranh chấp với ông Sơn.

Trong thư, Đại sứ quán Malaysia khẳng định lại với Bộ Tài chính rằng sẽ đảm bảo xem xét vụ việc này ở mức độ cao nhất.

Lần thứ 3, ngày 3/3/2015, Đại sứ quán Việt Nam gửi thư đến Bộ Công an bày tỏ sự cảm kích vì Thiếu tướng Chung (lúc đó đang làm Giám đốc công an Thành phố Hà Nội – PV) khẳng định sẽ bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ quan tâm đến vụ việc nhằm đảm bảo việc nhanh chóng kết thúc sự việc và cập nhật về tình hình điều tra của Công an Hà Nội trong cuộc họp ngày 6/2/2015.

Đâu là mấu chốt khiến hành trình của doanh nhân người Malaysia thêm tuyệt vọng?

Trong thư, Đại sứ quán Malaysia cũng kính mong Bộ Công an chỉ đạo Công an Hà Nội tiếp tục hỗ trợ Kenanga Malaysia làm rõ vụ việc trong thời gian sớm nhất.

Lời cuối trong thư gửi Bộ Công an lần thứ 3, một lần nữa Đại sứ quán sẽ xem xét vụ việc này ở mức độ cao nhất.

Như vậy sau hơn 3 năm kể từ khi có bức thư của Đại sứ quán Malaysia gửi Bộ Công an Việt Nam đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Trước đó, trong bài viết "Đâu là mấu chốt khiến hành trình của doanh nhân người Malaysia thêm tuyệt vọng?", Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã dẫn lại văn bản số 1874/VKS-P2 ngày 30/5/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội gửi ông Wee Kim Hong về việc trả lời kết quả giải quyết tố giác của ông này đối với ông Cao Văn Sơn.

Theo đó, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định tạm đình chỉ vụ án lý do chờ kết quả xác minh, trả lời của Ủy ban chứng khoán nhà nước về một số nội dung liên quan đến vụ việc.

Cũng liên quan đến vụ việc, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có công văn gửi đến Ủy ban chứng khoán Nhà nước về một số nội dung liên quan đến vụ việc của Công ty KVS Việt Nam.

Chúng tôi sẽ thông tin đến độc giả khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước có công văn phúc đáp.

Trần Phương