Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn của ông Wee Kim Hong (Sinh năm 1969, Quốc tịch Malaysia và một số cổ đông Công ty cổ phần chứng khoán Kennaga Việt Nam tố cáo về việc ông Cao Văn Sơn (Sinh năm 1944, trú tại phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chiếm đoạt tiền và con dấu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam.
Vụ việc tranh chấp xảy ra cách đây đã 5 năm nhưng không tìm được hướng giải quyết.
Trong suốt 5 năm khi xảy ra tranh chấp, ông Wee Kim Hong đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng của Việt Nam rất nhiều lần nhưng đến nay sự việc vẫn không có hướng giải quyết hợp lý.
Theo đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam, có trụ sở chính tại Số 2D, Đường Thành, Phường Cửa Đông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được thành lập và hoạt động theo Giấy phép thành lập và hoạt động số 72/UBCK-GPHĐKD cấp ngày 3 tháng 12 năm 2007.
Năm 2009 và năm 2012, công ty thay đổi vốn điều lệ, thay đổi người đại diện luật pháp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép.
Ông Wee Kim Hong đã mất 5 năm đòi con dấu ở Việt Nam nhưng đến nay chưa được giải quyết. (Ảnh: LC) |
Sau những lần thay đổi, Tập đoàn K&N Kenanga Malaysia trở thành cổ đông và sở hữu 49% cổ phần của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam, người đại diện về mặt pháp luật, Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Cao Văn Sơn.
Tuy nhiên, theo tài liệu của ông Wee Kim Hong cung cấp cho thấy, trong quá trình hoạt động, nội bộ công ty xuất hiện nhiều rạn nứt dẫn đến tình trạng bất đồng giữa nhóm cổ đông trong nước và đối tác Malaysia dẫn đến việc hoạt động của công ty không hiệu quả.
Theo cung cấp từ phía ông Wee Kim Hong, vì tình trạng này xảy ra trong nhiều năm, nên Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam đã tiến hành họp Hội đồng quản trị để nghe báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty trong năm 2012 và tiến hành bầu chọn Hội đồng quản trị mới thay cho ông Cao Văn Sơn theo đề nghị của ông Chay Wai Leong ngay tại cuộc họp.
Cuộc họp có 8 thành viên bao gồm những người trong hội đồng quản trị và những người được ủy quyền.
Theo văn bản của công ty cuộc họp được tiến hành: Vào lúc 2:00 chiều ngày 25/3/2013, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam đã tổ chức cuộc họp Hội đồng quản trị tại phòng họp Grand Tower, Tầng 5 của Khách sạn Sheraton địa chỉ số 88, đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Tại phiên họp, một số thành viên đã thông qua Nghị quyết 01/2013 ngày 25/3/2013 dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, với nội dung:
Ông Wee Kim Hong được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam, thay ông Cao Văn Sơn.
Việc này đã được Tập đoàn K&N Kenanga Holdings Berhad (Malaysia) - cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam, báo cáo lên Ủy ban chứng khoán nhà nước.
Tuy nhiên, khi hội đồng quản trị quyết định ông We Kim Hoong làm chủ tịch hội đồng quản trị đồng thời kiêm người đại diện theo pháp luật, ông Cao Văn Sơn và bà Cao Khánh Phương đã rời cuộc họp mà không ký vào biên bản cuộc họp và nghị quyết của Hội đồng quản trị.
Từ đó đến nay, hai bên liên tục xảy ra tranh chấp. Về việc này, ngày 17/10/2017, đại diện của K&N Kenanga Holdings Berhad đã có thư gửi đến cơ quan chức năng Tổng cục cảnh sát (Thời điểm chưa cơ cấu lại- PV) – Bộ Công an Việt Nam.
Theo đó, K&N Kenanga Holdings Berhad đã tố cáo sự việc từ ngày 25/3/2013 đến nay, ông Cao Văn Sơn đã lợi dụng đối tác là tổ chức nước ngoài nên đã cố tình chiếm giữ con dấu, tài khoản, tài sản của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam.
Đã 5 năm, Kenanga Việt Nam không thể hoạt động có hiệu quả vì những tranh chấp từ chính nội bộ công ty. (Ảnh:LC) |
Trước ngày 25/3/2013, ông Sơn đã cho các cá nhân, thành viên gia đình và các tổ chức vay tiền trái với điều lệ của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam, từ đó gây thất thoát thua lỗ, đẩy Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam đến bờ vực phá sản.
K&N Kenanga Holdings Berhad cũng đã yêu cầu ông Cao Văn Sơn bàn giao ngay con dấu và các thủ tục khác cho ông Wee Kim Hong với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị để ông Wee Kim Hong trực tiếp đều hành Công ty Chứng khoán Kenanga Việt Nam đồng thời cũng yêu cầu ông Cao Văn Sơn ngừng tất cả hoạt động nhân danh Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam để tránh tiếp tục gây hại cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam, trong đó có cổ đông lớn là K&N Kenanga Holdings Berhad.
Trước đó, ngày 15/6, ông Wee Kim Hong đã có đơn khởi kiện ông Cao Văn Sơn ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Không chỉ gửi đơn lên Tổng Cục cảnh sát – Bộ Công An, Tòa án, ông Wee Kim Hong cũng đã tiếp tục gửi đơn cho Phòng Cảnh sát hình sự Công An thành phố Hà Nội.
Kể từ khi xảy ra tranh chấp nội bộ giữa nhóm cổ đông trong nước và nhóm cổ đông nước ngoài, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam gần như rơi vào tình trạng ngưng trệ hoạt động.
Thậm chí, ngày 9/12/2013, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam đã bị Ủy ban chứng khoán phạt 195 triệu đồng do Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam không tách bạch tiền của nhà đầu tư và tiền của Công ty, không tuân thủ quy định về hạn mức đầu tư và báo cáo gửi Ủy ban chứng khoán của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam có nội dung sai lệch.
Ngày 30/12/2013, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam đã nộp hồ sơ đề nghị chấm dứt tư cách thành viên giao dịch thị trường niêm yết và thành viên giao dịch thị trường đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).
Từ khi nổ ra tranh chấp đã 5 năm, vụ việc vẫn trong đang trong quá trình giải quyết.
Mọi tranh chấp quanh chiếc ghế chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam vẫn chưa được giải quyết và những hệ lụy, hậu quả của nó ngày càng ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp, gây thiệt hại uy tín và tài sản cho các bên; môi trường đầu tư của Việt Nam bị ảnh hưởng.
(Bài tới: Ông Cao Văn Sơn nói gì về vụ việc tranh chấp tại Kenanga Việt Nam?)