"Hậu Lộc điều chuyển giáo viên bằng miệng, chả theo quy định nào cả”

18/09/2018 08:50
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Liệu có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân trong quyết định điều động, thuyên chuyển giáo viên có nhiều bất thường của Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa?

Cuộc điện thoại bí ẩn?

Trong bài viết Giáo viên uất nghẹn, bật khóc vì bị huyện Hậu Lộc...đánh úp, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã chỉ rõ những dấu hiệu vi phạm trong việc điều động, thuyên chuyển giáo viên đối với cô Trần Thị Phương và thầy Lại Văn Thăng.

Các bằng chứng phóng viên mới có thêm được cũng cho thấy, việc điều động, thuyên chuyển giáo viên Trần Thị Phương từ trường trung học cơ sở Hoa Lộc về trường trung học cơ sở Ngư Lộc và điều động thầy Lại Văn Thăng từ trường trung học cơ sở Ngư Lộc "thế chỗ" cô Phương lộ rõ những điều bất thường.

Cụ thể, ngày 31/5/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc ký quyết định số 1372/QĐ-UBND về việc điều động thuyên chuyển công chức, viên chức đối với cô Trần Thị Phương, giáo viên Văn – Công dân từ trường trung học cơ sở Hoa Lộc, đến công tác tại trường trung học cơ sở Ngư Lộc.

Điều đáng nói là quyết định điều động, thuyên chuyển đối với cô Phương được thực hiện trước khi có kế hoạch biên chế năm học 2018-2019 của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc.

Hay nói cách khác, cô Phương có dấu hiệu được điều động, thuyên chuyển "chui" khi cơ quan có trách nhiệm chưa có báo cáo rà soát số lượng giáo viên dôi dư hằng năm để thực hiện việc sắp xếp, điều chuyển.

"Hậu Lộc điều chuyển giáo viên bằng miệng, chả theo quy định nào cả”  ảnh 1Giáo viên uất nghẹn, bật khóc vì bị huyện Hậu Lộc...đánh úp

Về việc này, cô Dương Thị Hương - Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Hoa Lộc cũng khẳng định rằng, nhà trường khá bất ngờ trước việc Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định điều chuyển giáo viên Trần Thị Phương tới công tác tại trường trung học cơ sở Ngư Lộc.

“Trước khi điều chuyển cô Phương, cấp trên chỉ có thông báo bằng điện thoại cho nhà trường với nội dung sẽ thuyên chuyển giáo viên tại trường...

Nói thật công tác tổ chức là do huyện làm chứ chúng tôi không tham gia chuyện đó”, cô Hương nói.

Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Hoa Lộc cũng cho biết, theo kế hoạch biên chế năm học 2018-2019, nhà trường thiếu 1 giáo viên Văn - Công dân, sau khi huyện điều chuyển cô Phương tới trường trung học cơ sở Ngư Lộc. Trước tình hình trên, cơ sở giáo dục này đã có văn bản đề xuất cấp trên xin giáo viên để bổ sung vào vị trí còn thiếu. 

Việc điều chuyển cô Trần Thị Phương cũng được thực hiện trước khi Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc có báo cáo kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục năm học 2018-2019.

Từ các căn cứ trên cho thấy, Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc có dấu hiệu vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 4, quyết định số 3678/2011/QĐ-UBND ngày 8/11/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, quy định điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận và tuyển dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập.  

Theo quy định này, trước khi thực hiện việc điều động, thuyên chuyển giáo viên, ở cấp trường, Hội đồng xét duyệt cấp trường phải tiến hành xem xét xác định các đối tượng phải điều động theo các tiêu chí quy định tại văn bản số 9656/UBND-VX, ngày 28/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, lập danh sách báo cáo Chủ tịch huyện.

Ở cấp huyện, căn cứ danh sách của Hội đồng xét duyệt cấp trường, Hội đồng xét duyệt cấp huyện thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quyết định…

Việc làm này cũng được cho là vi phạm quy định tại mục [8.1], văn bản số 9656/UBND-VX điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận và tuyển dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập. 

Theo đó, cơ quan được giao nhiệm vụ và cơ quan có thẩm quyền trong việc điều động, thuyên chuyển không thực hiện đúng quy trình nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng...

Quyết định điều chuyển cô Phương được ông Nguyễn Văn Luệ ký hôm 31/5/2018. Ảnh của Quốc Toản.
Quyết định điều chuyển cô Phương được ông Nguyễn Văn Luệ ký hôm 31/5/2018. Ảnh của Quốc Toản.

Thậm chí, khi được hỏi về văn bản đề nghị của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hậu Lộc tại quyết định điều động, thuyên chuyển cô Trần Thị Phương và thầy Lại Văn Thăng thì đại diện cơ quan có thẩm quyền cũng không cung cấp được căn cứ (bằng văn bản) theo nội dung đề nghị của phóng viên. 

"Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đề nghị “bằng miệng” để điều động, thuyên chuyển giáo viên trong các trường hợp nên trên, chứ không có tờ trình bằng văn bản cụ thể", bà Chung Thị Đài, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc cho biết.

“Tại sao những lúc trường trung học cơ sở Ngư Lộc khó khăn, không có giáo viên nào xung phong về vùng khó? Trong khi bản thân tôi đã cống hiến cho vùng khó nhiều năm, thì nay lại buộc phải đánh đổi cho một giáo viên trước đây đã từng chuyển đi khỏi vùng khó?

Đến nay khi vùng khó có chế độ (bãi ngang) thì chính giáo viên ấy lại được quay về. Điều này thật mất công bằng”, thầy Lại Văn Thăng cho biết. 

Được biết, cô Phương từng dạy trường trung học cơ sở Ngư Lộc, sau đó chuyển công tác tới trường trung học cơ sở Hoa Lộc và cư trú tại đây nhiều năm. 

Hiện nay giáo viên này lại có quyết định chuyển về trường trung học cơ sở Ngư Lộc công tác và được hưởng chế độ bãi ngang. 

Về phía thầy Lại Văn Thăng, cần phải nhắc lại rằng, giáo viên này không thuộc đối tượng phải điều động, thuyên chuyển (thầy Thăng không thuộc diện dôi dư...).

Bên cạnh đó, việc thực hiện điều động thuyên chuyển thầy giáo này có dấu hiệu trái các quy định tại văn bản số 9656/UBND-VX quy định điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận và tuyển dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nêu rõ ở bài viết trước.

Chủ tịch huyện Hậu Lộc nói “điều chuyển giáo viên chả theo quy định nào cả”

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 11/9, ông Nguyễn Văn Luệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc cho biết, việc điều động thuyên chuyển đối với cô Trần Thị Phương và thầy Lại Văn Thăng nhằm mục đích điều tiết giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu vào đầu năm học mới.

Mặt khác, đối với những trường hợp công tác tại vùng biển từ 10 năm trở lên phải điều động, thuyên chuyển tới nơi khác. Đây là quan điểm của Thường trực Huyện ủy.

Ông Luệ giải thích thêm về việc điều động, thuyên chuyển đối với cô Trần Thị Phương: "Sở dĩ có việc điều cô Phương tới công tác tại trường trung học cơ sở Ngư Lộc vì huyện thực hiện theo đề nghị của cơ quan chuyên môn.

Trước khi về hưu (1/6), anh Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo có báo cáo lại với tôi rằng, để đảm bảo vấn đề tăng cường chất lượng dịp dạy hè, đề nghị huyện điều tiết giáo viên từ trường trung học cơ Hoa Lộc về trường trung học cơ sở Ngư Lộc.

Nhưng quan điểm của tôi là, nếu điều tiết giáo viên thì để đến năm học mới, nhưng họ nói cần làm để đảm bảo chất lượng thời gian hè", ông Luệ nói.

Tuy nhiên, theo xác minh của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cái gọi là điều động giáo viên nhằm "tăng cường chất lượng dịp hè" hoàn toàn không diễn ra tại trường trung học cơ sở Ngư Lộc, tính từ thời điểm cô Trần Thị Phương có quyết định điều động, thuyên chuyển về trường.

Nhiều giáo viên và lãnh đạo trường trung học cơ sở Ngư Lộc xác nhận, không có chuyện nhà trường tăng cường chất lượng dịp hè cho học sinh các môn văn hóa, trong đó có bộ môn Văn học.

Nhiều giáo viên cũng xác nhận không có chuyện nhà trường tăng cường bồi dưỡng hoạt động dịp hè cho giáo viên nhằm giúp cán bộ quản lý, giáo viên cập nhật kiến thức mới, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng dạy và học tại trường trung học cơ sở Ngư Lộc.

Thuật ngữ "tăng cường chất lượng dịp hè" cũng không có trong quy định về quản lý giáo dục...

Trường trung học cơ sở Ngư Lộc - nơi thầy Thăng từng công tác. Ảnh của Quốc Toản.
Trường trung học cơ sở Ngư Lộc - nơi thầy Thăng từng công tác. Ảnh của Quốc Toản.

Mặt khác, lý giải của vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đưa ra về điều động thuyên chuyển đối với cô Trần Thị Phương và thầy Lại Văn Thăng nhằm điều tiết từ nơi thừa đến nơi thiếu và "quy định" đối với những trường hợp công tác tại vùng biển từ 10 năm trở lên phải điều động hoàn toàn không có căn cứ.

Thứ nhất, nếu cho rằng, việc điều động, thuyên chuyển giáo viên trong hai trường hợp nói trên nhằm mục đích điều tiết từ nơi thừa đến nơi thiếu là không phù hợp.

Bởi lẽ, theo kế hoạch biên chế năm học 2018-2019, trường trung học cơ sở Hoa Lộc thiếu 1 giáo viên xã hội (Văn - Công dân) sau khi cô Phương được điều chuyển. Trong khi đó, trường trung học cơ sở Ngư Lộc thừa 2,5 giáo viên xã hội sau khi cô Phương chuyển đến.

Như vậy, không có chuyện điều tiết từ nơi thừa đến nơi thiếu mà thực chất là điều từ nơi đủ đến nơi thừa, dẫn đến việc nơi đủ giáo viên (trường trung học cơ sở Hoa Lộc) bỗng dưng thiếu sau khi điều tiết và nơi thừa giáo viên (trường trung học cơ sở Hoa Lộc) nay lại càng thừa.

Điều này cũng chứng tỏ, phát ngôn của vị Chủ tịch huyện Hậu Lộc về điều tiết giáo viên hoàn toàn mâu thuẫn với thực tế kế hoạch biên chế giáo viên của huyện năm học 2018-2019.

Thứ hai, không có quy định cụ thể nào trong công tác điều động, thuyên chuyển giáo viên nói rằng, đối với những trường hợp công tác tại vùng biển từ 10 năm trở lên thì phải điều động, thuyên chuyển như phát ngôn của vị Chủ tịch huyện Hậu Lộc.

Ông Nguyễn Văn Luệ chỉ giải thích quan điểm trên một cách chung chung rằng: "Việc điều động, thuyên chuyển thực hiện theo tinh thần và định hướng của huyện. Theo đó, đối với những trường hợp công tác lâu năm tại vùng biển thì sẽ điều chuyển". 

Khi được hỏi về việc điều chuyển (điều chuyển giáo viên có thời gian công tác từ 10 năm trở lên tại cơ sở giáo dục) căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nào, ông Luệ cho biết: “Cái này chả theo quyết định gì cả vì quan điểm của huyện là điều tiết giáo viên để đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục cho ngành, chứ tỉnh không có quy định này.

Công văn 3678 của tỉnh Thanh Hóa đã hết hiệu lực 3 năm này rồi”, ông Luệ nói.

Khi được hỏi về dấu hiệu vi phạm trong việc ký quyết định điều động, thuyên chuyển giáo viên đối với trường hợp cô Trần Thị Phương và thầy Lại Văn Thăng, ông Luệ cho biết:

“Huyện Hậu Lộc có tới hơn 2000 giáo viên làm sao tôi nắm được từng cụ thể từng người. Còn nếu chuyên môn làm sai thì chuyên môn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Luệ nói. 

Đến đây, dư luận hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn xung quanh việc điều động, thuyên chuyển giáo viên tại huyện Hậu Lộc đối trường hợp cô Trần Thị Phương. Liệu có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân trong việc điều động, thuyên chuyển giáo viên này?

Hiện tại, đã quá hạn trả lời đơn thư của thầy giáo Lại Văn Thăng, nhưng huyện Hậu Lộc vẫn chưa có phúc đáp về những thắc mắc xung quanh việc điều động, thuyên chuyển giáo viên này.

QUỐC TOẢN