Ngày 27/2, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cùng lãnh đạo huyện Hòa Vang đã xuống hiện trường để đối thoại với các hộ dân xã Hòa Liên (Hòa Vang) về việc chậm di dời hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc gây ô nhiễm.
Nhiều lần bao vây nhà máy phản đối
Trước đó, vào tối ngày 26/2, hàng trăm hộ dân đã bao vây trước cổng nhà máy thép Dana Ý để phản đối nhà máy này sản xuất, gây ô nhiễm nghiêm trọng khu dân cư lân cận.
Người dân tiếp tục bao vây nhà máy thép gây ô nhiễm. Ảnh: TT |
Đây không phải lần đầu tiên người dân khu vực này bức xúc, bao vây nhà máy liên quan đến vấn đề ô nhiễm. Đã có nhiều cuộc đối thoại giữa người dân, chính quyền và nhà máy nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Tại cuộc làm việc mới đây thì phương án được đưa ra là di dời người dân ở khu vực điểm nóng ô nhiễm này đi nơi và nhà máy phải có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Lãnh đạo thành phố đã hứa, đã đưa ra phương án giải quyết nhưng mấy năm nay tình hình ô nhiễm vẫn vậy, còn nghiêm trọng hơn trước”, một người dân thôn Vân Dương 1 (Hòa Liên) bức xúc.
Trước giờ làm việc với lãnh đạo thành phố, nhiều người dân vẫn tiếp tục bao vây nhà máy và không chấp nhận “đối thoại”. Họ cho rằng, thành phố đã hứa hẹn và đối thoại nhiều lần nhưng “đâu vẫn vào đó”.
Nhà máy thép có cổ phần của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đang hoạt động ra sao? |
Nguyễn Hữu Tiến (thôn Vân Dương 1) cho biết, đã diễn ra hơn 20 cuộc họp, nhiều cuộc đối thoại nhưng vẫn không có kết quả.
“Không có nơi nào, nhà máy nào lại nằm lẫn trong khu dân cư, không cách xa khu dân cư như quy định. Càng ngày 2 nhà máy càng mở rộng ra, hoạt động mạnh hơn nữa.
Đề nghị thành phố xem xét đóng cửa nhà máy cho đến khi sắp xếp, hoàn thành di dời cho dân. Mà gấp rút nhất là các hộ dân sống cách khu vực nhà máy 200-300 mét. Thành phố không nên vì vài ba ngàn tỷ mà đánh đổi môi trường, sức khỏe người dân”, ông Tiến nói.
Còn theo ông Phan Mười (thôn Vân Dương 2) thì một là nhà máy ra đi, hoặc là nhân dân phải đi.
“Mà đi đâu chứ không dời người dân ra khu tái định cư gần đây hoặc Hòa Liên 6 vì ở đó cũng ô nhiễm. Các khu tái định cư này chỉ cách nhà máy hơn 50 mét, dời ra đó chỉ khổ cho dân.
Theo tôi, thành phố nên có kế hoạch nào đó để đưa hai nhà máy rời khỏi khu dân cư chứ không nên để giữa lòng khu dân cư như thế”, ông Mười khuyến nghị.
Ra khu tái định cư vẫn chưa hết ô nhiễm
Một hộ dân ở khu tái định cư (cách nhà máy Thép khoảng vài trăm mét) phản ánh, trước đây gia đình anh sống gần sát bờ tường của nhà máy thép Dana Ý nhưng do quá ô nhiễm nên được “ưu tiên” di dời trước.
Cuộc đối thoại giữa ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và người dân sống xung quanh hai nhà máy thép sẽ được tiếp tục vào chiều ngày 28/2. Ảnh: TT |
Một hộ dân khác thì cho hay, năm nay đã ngoài 80 tuổi, trước đây trong làng sức khỏe người dân không có vấn đề gì.
Nhưng từ khi có nhà máy thì số người mắc các căn bệnh ung thư, chết trẻ ngày càng nhiều. Tuy nhiên, khi ra đến khu tái định cư mới thì tình hình vẫn không khả quan hơn.
“Mang tiếng là ra khu tái định cư nhưng ô nhiễm càng nặng nề hơn. Mỗi đêm, nhà máy xả khói ra mùi khét lẹt, hôi thối. Dân ở đây chịu không thấu”.
“Hai nhà máy này gây ô nhiễm suốt nhiều năm nhưng vẫn không chịu di dời. Trong khi người dân đã giao ruộng cho nhà nước để chuyển ra khu tái định cư với mong muốn thoát khỏi cảnh khói bụi, tiếng ồn và tiếng nổ hàng đêm của nhà máy.
Đà Nẵng di dời, khám sức khỏe toàn bộ dân gần hai nhà máy thép gây ô nhiễm |
Nhưng chờ mãi vẫn không được giải tỏa, bố trí tái định cư. Còn ruộng vườn thì không thể canh tác được. Dân rất khổ”, một hộ khác bức xúc.
Nhiều hộ dân khác trong làng cũng bày tỏ sự bức xúc bởi sau đợt đối thoại hồi tháng 6 năm 2017 cũng do Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh chủ trì với nhiều cam kết nhưng đến nay không có kết quả.
Cuộc đối thoại giữa ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng với người dân ở xung quanh hai nhà máy thép đã bị tạm hoãn để dời sang một ngày khác.
Dự kiến vào chiều ngày 28/2, cuộc đối thoại sẽ tiếp tục.