Đà Nẵng di dời, khám sức khỏe toàn bộ dân gần hai nhà máy thép gây ô nhiễm

05/01/2017 07:20
An Nguyên
(GDVN) - Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu cơ quan chức năng khám, tầm soát về sức khỏe miễn phí cho người dân tại khu vực hai nhà máy thép.

Ngày 4/1, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ về việc xử lý tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực nhà máy thép Dana Ý (thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) và Dana Úc (thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang).

Theo đó, ông Thơ giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố khẩn trương lập dự toán kinh phí đền bù, giải tỏa, tái định cư các hộ dân sinh sống quanh khu vực nhà máy.

Người dân bao vây nhà máy thép gây ô nhiễm để phản đối. Ảnh: H.L
Người dân bao vây nhà máy thép gây ô nhiễm để phản đối. Ảnh: H.L

Cụ thể, di dời các hộ dân nằm sát với khu vực hai nhà máy để nhà máy hoạt động tạm thời trong thời gian khấu hao tài sản, thu hồi vốn.

Đồng thời, đảm bảo thời gian nhà máy tính toán phương án lộ trình di dời cụ thể.

Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xác định phạm vi di dời, kết hợp với việc nâng cao công nghệ để đảm bảo môi trường trong thời gian tiếp tục sản xuất.

Chủ tịch Đà Nẵng cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra đề xuất phương án về lâu dài di dời hai nhà máy.

Chủ tịch Đà Nẵng và nỗi lo ô nhiễm (GDVN) - Lãnh đạo Đà Nẵng thừa nhận chính quyền đã yếu kém trong khâu quản lý, để người dân tự ý xây dựng nhà cửa trái phép ngay tại khu vực quy hoạch hai nhà máy thép.

Chủ tịch Đà Nẵng và nỗi lo ô nhiễm

(GDVN) - Lãnh đạo Đà Nẵng thừa nhận chính quyền đã yếu kém trong khâu quản lý, để người dân tự ý xây dựng nhà cửa trái phép ngay tại khu vực quy hoạch hai nhà máy thép.

Trong đó có các khâu như: chọn địa điểm di dời, lập khái toán kinh phí di dời hai nhà máy.

Hoặc nếu chọn phương án để lại hai nhà máy thì có những yêu cầu sau: chọn địa điểm các khu tái định cư để di dời, giải tỏa các hộ dân, khái toán kinh phí đầu tư các khu tái định cư.

Chủ tịch Đà Nẵng cũng chỉ đạo UBND huyện Hòa Vang và các cơ quan chức năng liên quan tăng cường và nghiêm túc trong việc quản lý xây dựng nhà cửa và các công trình khu vực xung quanh hai nhà máy thép.

Nghiêm cấm tình trạng xây dựng trái phép và tách thửa không đúng quy định.

Nếu để xảy ra vi phạm, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, Chủ tịch xã Hòa Liên và các cá nhân, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch UBND thành phố.

Ngoài ra, vận động, giải thích người dân nắm rõ các chủ trương chính sách của UBND thành phố trong việc xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực.

Tạo điều kiện để nhà máy hoạt động thử nghiệm, đồng thời nghiêm cấm các hành vi tụ tập, gây rối ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại khu vực.

Thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan đơn vị liên quan để triển khai việc khám tầm soát về sức khỏe miễn phí cho người dân tại khu vực.

Ông Thơ cũng yêu cầu hai công ty Dana  Úc và Dana Ý có trách nhiệm nghiên cứu áp dụng và triển khai thực hiện các biện pháp xử lý, nâng cấp, đổi mới công nghệ sản xuất để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng không để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng đến môi trường như thời gian qua.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động của hai nhà máy gây ra.

Chủ tịch yêu cầu các đơn vị liên quan, các phương án trên yêu cầu hoàn thành và báo cáo UBND thành phố trước ngày 7/1.

Sau đó, lãnh đạo UBND thành phố họp, xem xét có ý kiến thống nhất quyết định triển khai thực hiện trước khi thông báo cho nhân dân tại khu vực biết trước ngày 10/1.

Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, bức xúc trước tình trạng ô nhiễm nặng do hai nhà máy theo Dana Úc và Dana Ý gây ra, hàng trăm người dân sinh sống trong vùng đã kéo đến bao vây nhà máy, yêu cầu ngừng xả thải.

Chính quyền thành phố phải tổ chức đối thoại với người dân, yêu cầu hai nhà máy ngừng hoạt động để điều chỉnh công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm.

Tại cuộc họp mới đây, ông Thơ khẳng định sẽ không đánh đổi môi trường để lấy ngân sách, việc làm. Tuy nhiên, ông Thơ cũng dẫn ra một thực tế là nếu cả hai nhà máy này ngừng hoạt động thì cũng là “một vấn đề lớn” đối với Đà Nẵng. Vì hiện có hàng ngàn công nhân đang lao động tại các cơ sở này.

An Nguyên