Người dân kêu trời vì "cát tặc", lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đang ở đâu?

23/08/2016 09:28
Chí Nhân
(GDVN) - Người dân xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc vô cùng bức xúc trước việc “cát tặc” hoành hành khiến bờ sông, đất canh tác bị sạt lở nghiêm trọng.

Thời gian gần đây, người dân xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc luôn phải tìm đến cơ quan chức năng để kêu cứu về tình trạng bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào diện tích đất canh tác của bà con.

Tuy nhiên, chưa có một đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm,  bồi thường thiệt hại cho người dân.

Trong đó, người dân các thôn Trung Kiên, Dân Chủ, Đôn Mục thuộc xã Đôn Nhân đã có đơn kêu cứu lần 2 đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên đến nay, đơn thư, phản ánh của người dân vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Đơn thư của người dân xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh MC)
Đơn thư của người dân xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh MC)

Theo đơn phản ánh của người dân, trước đây người dân trong xã có số diện tích ruộng gần bờ sông Lô.

Những năm gần đây, do cơ quan chức năng có ký hợp đồng cấp phép với một số doanh nghiệp dẫn đến tình trạng khai thác cát tràn lan, vô tội vạ.


Người dân kêu trời vì "cát tặc", lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đang ở đâu? ảnh 2

Ai làm ngơ cho doanh nghiệp "lộng hành" khai thác cát trên sông Lô mùa mưa bão?

Hậu quả, cây cối, hoa màu, diện tích đất canh tác của người dân bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đến hàng trăm mét.

Đến nay, hậu quả người dân phải gánh chịu, hiện vẫn chưa có một doanh nghiệp nào đứng ra chịu trách nhiệm, đền bù thiệt hại cho người dân.

Đất canh tác của người dân xã Đôn Nhân bị sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông Lô (Ảnh MC)
Đất canh tác của người dân xã Đôn Nhân  bị sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông Lô (Ảnh MC)

Chính vì những lẽ trên, người dân xã Đôn Nhân vẫn phải đang kêu trời vì hậu quả do các doanh nghiệp khai thác cát tràn lan để lại.

Vì quá bức xúc, đã có lần người dân xã Đôn Nhân đã tổ chức mật phục, thu giữ một chiếc thuyền sắt của công nhân hút cát, sau đó bàn giao lại cho công an huyện Sông Lô.

Đồng thời, thu giữ hai chiếc mỏ neo đang còn để trong nhà văn hóa của thôn.

Người dân trong xã quá bức xúc vì đất đai sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng đên cuộc sống của người dân (Ảnh MC)
Người dân trong xã quá bức xúc vì đất đai sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng đên cuộc sống của người dân (Ảnh MC)

“Đất đai, tài sản của chúng tôi giữ gìn bao nhiêu công sức trong nhiều năm giờ đã bị sạt lở nghiêm trọng, đã nhiều lần chúng tôi phản ánh, kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm.

Vì quá bức xúc, người dân chúng tôi đã ngày đêm canh chừng nhưng không được.

Đến nay, hậu quả chúng tôi phải gánh chịu là đất đai canh tác bị sạt lở nhưng cơ quan chức năng thì không giải quyết thỏa đáng, doanh nghiệp khai thác thì không quan tâm.

Nay chúng tôi gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng lần 2, nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng trả lời thích đáng,…”, ông N.H.P một người dân trong xã Đôn Nhân cho biết.

2 chiếc mỏ neo được người dân xã Đôn Nhân giữ trong nhà văn hóa thôn (Ảnh MC)
2 chiếc mỏ neo được người dân xã Đôn Nhân giữ trong nhà văn hóa thôn (Ảnh MC)

Qua tìm hiểu, sông Lô chảy qua địa bàn xã Đôn Nhân có chiều dài 4,8km.

Địa bàn này đã có tới 6 doanh nghiệp được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép nạo vét lòng sông  và khai thác cát sỏi.

Theo báo cáo số 62/BC-UBND ngày 18/3/2016 của UBND xã Đôn Nhân gửi lên UBND huyện Sông Lô có nêu, tại thời điểm ngày 26/02/2016 tổng chiều dài đất canh tác bị sạt lở là 202m, kè Áp Trúc bị sạt lở 62m, điểm rộng nhất là gần 10m.

Được biết, trên địa bàn xã Đôn Nhân có 6 đơn vị được phép khai thác khoáng sản, cát sỏi và nạo vét lòng Sông Lô, đó là: Công ty CP Xây dựng Bắc Ái; Công ty CP Khai thác và chế biến Lâm Khoáng Sản Hoàng Phát; Công ty TNHH Xây dựng phát triển hạ tầng Vân Nội; Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc; Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA; Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội.

Mặc dù đang trong thời gian cấm khai thác, nạo vét, duy tu trong mùa mưa bão nhưng một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác giữa lòng sông Lô, thuộc xã Đôn Nhân (Ảnh MC)
Mặc dù đang trong thời gian cấm khai thác, nạo vét, duy tu trong mùa mưa bão nhưng một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác giữa lòng sông Lô, thuộc xã Đôn Nhân (Ảnh MC)

Theo các tài liệu mà chúng tôi có được, tại Quyết định số 2240/QĐ-UBND ngày 11/08/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt dự án cấp phép khai thác khoáng sản, cát sỏi lòng Sông Lô cho Công ty CP Xây dựng Bắc Ái; 

Quyết định số 197/QĐ-UBND ngày 08/7/2011 cấp phép khai thác khoáng sản, cát sỏi lòng Sông Lô cho Công ty CP Khai thác và Chế biến Lâm Khoáng Sản Hoàng Phát.

Chưa hết, ngày 12/11/2014 UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại ra Quyết định số 3320/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án và cấp phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng) thu hồi khoáng sản: Nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa trên lòng Sông Lô đoạn từ km 20+00 – km 30+00 cho Công ty TNHH Xây dựng Phát triển Hạ tầng Vân Nội;

Ngày 27/4/2015 UBND tỉnh tiếp tục cấp Giấy phép số 1051/GP-UBND phê duyệt, cấp phép cho Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc khai thác cát, sỏi trên dòng Sông Lô làm vật liệu xây dựng;

Cũng trong tháng 9 và tháng 10/2015 UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại tiếp tục cấp Giấy phép cho hai công ty: Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA và Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội khai thác cát, sỏi trên lòng Sông Lô.

Mặc dù theo quy định của Cục đường thủy Nội địa, trong thời gian từ ngày 15/06 đến ngày 15/10 tạm dừng mọi hoạt động thi công, nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tại hiện trường, vào thời điểm cấm trong mùa mưa lũ vẫn có một số doanh nghiệp cho tàu khai thác ngay giữa lòng sông Lô.

Còn theo ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó chủ tịch UBND xã Đôn Nhân cho biết, việc sạt lở đất đai, cây cối, hoa màu, người dân đã làm đơn lên xã và gửi đi các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó chủ tịch UBND xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đang trao đổi vụ việc với phóng viên (Ảnh MC)
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó chủ tịch UBND xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đang trao đổi vụ việc với phóng viên (Ảnh MC)

“Việc sạt lở đất canh tác là có, và thời gian diễn ra vào tháng 2, tháng 3. Tuy nhiên, hậu quả của nó đến giờ vẫn chưa khắc phục được.

Người dân cũng đã gửi đơn đi các cơ quan chức năng, chúng tôi chỉ biết làm hết trách nhiệm của mình. Về mặt thẩm quyền xử lý thì chúng tôi cũng có phần hạn chế. Mong muốn của người dân bây giờ là được bồi thường một cách thỏa đáng”, ông Thịnh cho biết thêm.

Cũng theo người dân xã Đôn Nhân, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một doanh nghiệp nào đứng ra nhận trách nhiệm trước việc gây sạt lở đất canh tác, và họ sẽ tiếp tục gửi đơn “cầu cứu” các cơ quan chức năng phối hợp với doanh nghiệp xử lý, giải quyết cho người dân một cách thỏa đáng nhất.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Chí Nhân