Ai làm ngơ cho doanh nghiệp "lộng hành" khai thác cát trên sông Lô mùa mưa bão?

22/08/2016 14:43
Lê Minh
(GDVN) - Gần đây, tại địa bàn huyện Sông Lô đang xảy ra tình trạng doanh nghiệp “tận thu” tài nguyên khoáng sản, kinh doanh, tập kết cát, sỏi lại diễn ra phức tạp.

Ngang nhiên “ăn cắp” tài nguyên

Được biết, xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác khoáng sản, nạo vét luồng lạch cho 6 công ty.

Vừa qua, người dân xã Đôn Nhân rất bức xúc trước tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng dự án nạo vét luồng lạch để khai thác tận thu, bừa bãi khoáng sản, ảnh hưởng đến hoa màu và tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc, xử lý nhưng gần đây trên địa bàn xã Đôn Nhân vẫn còn nhiều công ty khai thác cát, sỏi đang hoạt động và có nhiều dấu hiệu vi phạm quy định.

Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA “hồn nhiên” khai thác cát ngay cạnh bãi bồi. Ảnh Lê Minh
Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA “hồn nhiên” khai thác cát ngay cạnh bãi bồi. Ảnh Lê Minh

Cụ thể, gồm có các doanh nghiệp như Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA,  Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội và Công ty TNHH Xây dựng Phát triển Hạ tầng Vân Nội đang tiến hành nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa mặc dù đây là thời gian mưa bão, đang bị nghiêm cấm hoạt động nạo vét.

Theo Công văn số 33/UBND ngày 18/02/2016 của UBND xã Đôn Nhân nêu rõ, qua công tác kiểm tra và nhắc nhở nhiều lần xong đến nay Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉnh việc thực hiện thả phao ranh giới được cấp phép.

Đồng thời, Công ty này còn khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, gây sạt lở kè áp trúc chống sạt lở đê bối dài 5m và sạt lở đất sản xuất nông nghiệp của người dân dài 132m, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Nhiều bờ xôi ruộng mật của người dân bị các doanh nghiệp khai thác cát “đánh cắp” nay chỉ còn bụi tre làm bằng chứng sống. Ảnh Lê Minh
Nhiều bờ xôi ruộng mật của người dân bị các doanh nghiệp khai thác cát “đánh cắp” nay chỉ còn bụi tre làm bằng chứng sống. Ảnh Lê Minh

Ngày 09/8/2016, phóng viên có mặt tại thôn Trung, Hạ, Thượng của xã Đôn Nhân, đã phát hiện nhiều tàu cát, máy múc, tàu cuốc đang “ăn cắp” tài nguyên khoáng sản ngay sát bãi bồi của người dân.

Điều đáng lưu ý, cách đó không xa bờ kè áp trúc Sông Lô đang được chính quyền cho đổ đất, gia cố. Theo một người dân địa phương cho biết, không có chuyện múc đất, cát ngay cạnh bãi bồi đi để rồi sau đó đem đất từ nơi khác về đây đắp, gia cố cả. Chỉ có chuyện “ăn cắp” tài nguyên mà thôi.

Để xác nhận thông tin trên, phóng viên đã cung cấp cho ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Nhân xem hình ảnh, video những chiếc tàu cát, máy múc, tàu cuốc đang nhiệt tình “ăn cắp” tài nguyên sát bãi bồi, vị này khẳng định: "Vị trí khai thác cát sát bãi bồi như thế là sai ranh giới cấp phép mỏ, đoạn này là của Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA và Công ty TNHH Xây dựng Phát triển Hạ tầng Vân Nội đang nạo vét, duy tu luồng thủy nội địa, còn Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội có phải hay không chúng tôi phải xác minh lại".

Ông Tuyến cũng cho biết, xã Đôn Nhân hiện chỉ còn 3 công ty trên hoạt động khai thác cát, sỏi và khai thông luồng lách.

Điều đau lòng, bãi bồi hàng ngày vẫn bị “đánh cắp”, cây cối, bãi ngô đua nhau lao xuống lòng sông, dưới mặt nước từng đoàn tàu, máy múc, tàu cuốc đua nhau đục khoét Sông Lô không thương tiếc. Người dân băn khoăn đặt câu hỏi: Ai đang dung túng cho các công ty trên “ăn cắp” tài nguyên Sông Lô?!

Bến bãi cũng được “bảo kê”

Dưới sông doanh nghiệp tổ chức "ăn cắp" tài nguyên, trên bờ nhiều bến bãi ở xã Đôn Nhân, Hải Lựu… đua nhau tập kết, kinh doanh cát nhưng thiếu giấy tờ pháp lý.

Ai dung túng cho Công ty TNHH Xây dựng Phát triển Hạ tầng Vân Nội nạo vét và duy tu dòng chạy Sông Lô sát mép bãi bồi?. Ảnh Lê Minh
Ai dung túng cho Công ty TNHH Xây dựng Phát triển Hạ tầng Vân Nội nạo vét và duy tu dòng chạy Sông Lô sát mép bãi bồi?. Ảnh Lê Minh

Ví dụ như trường hợp ông Nguyễn Hữu Chúc, hộ kinh doanh, tập kết cát ở xã Đôn Nhân thừa nhận: Ở đây các bến bãi đều thiếu giấy phép tập kết, kinh doanh cát, sỏi. Mỗi lần cán bộ xuống kiểm tra anh em thông cảm và có nhắc nhở, nhưng không xử phạt hành chính.

Đặc biệt, bãi tập kết và kinh doanh cát của ông Chúc nằm cạnh bến đò ngang Đôn Nhân 1, khoảng cách không quá 20m và đường vận chuyển cát cắt ngang bến đò, nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông cao.

Một người dân xã An Đạo, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) hàng ngày đi qua bến đò ngang Đôn Nhân 1 bức xúc: Mỗi khi xe cát ra vào bến chúng tôi đều phải nhường, nếu cố tình đi xuống bến đò thì nguy cơ mất an toàn cao. Không dừng lại ở đó, bãi tập kết này còn vi phạm về nơi tập kết, vi phạm hành lang đê điều, xâm phạm bến đò ngang…

Dọc xuống xã Hải Lựu, gia đình ông Hà Văn Thư, Chủ tịch UBND xã Hải Lựu đã được UBND huyện Sông Lô ưu ái cấp phép bến bãi tới 49 năm.

Không hiểu dựa vào đâu mà UBND huyện Sông Lô lại ra quyết định cấp phép cho hộ cá thể này thầu bãi tới 49 năm? Trong khi đó theo luật định, các bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi của tổ chức, cá nhân chỉ được cấp phép tối đa 5 năm.

Công ty TNHH MTV Lạc Long Quân còn “nhổ” cả biển báo của Cảng vụ đường thủy vì vướng tàu bè ra vào? Ảnh Lê Minh
Công ty TNHH MTV Lạc Long Quân còn “nhổ” cả biển báo của Cảng vụ đường thủy vì vướng tàu bè ra vào? Ảnh Lê Minh

Cách đó không xa, Công ty TNHH MTV Lạc Long Quân ngang nhiên tập kết cát, sỏi, máy móc cạnh đê, xâm lấn hành lang đê. Dưới sông thì xâm lấn dòng chảy của Sông Lô cả chục mét, “bứng” luôn cả biển báo của Cảng vụ đường thủy, đường sông lên bãi tập kết. 

Để tìm giải pháp giúp dân, một vị cán bộ Phòng Tài nguyên môi trường huyện Sông Lô cho biết: Trước mắt phần đất bị sạt lở huyện sẽ có chính sách bồi thường, hiện tại huyện đang xin chủ trương bồi thường hỗ trợ thiệt hại cho bà con từ phía UBND tỉnh Vĩnh Phúc, với mỗi m2 đất bị sạt lở sẽ được đền bù theo khung giá nhà nước 196.000đ/1m2. Nguồn kinh phí sẽ được lấy từ ngân sách, bên cạnh đó một phần sẽ do các đơn vị hổ trợ bởi lẽ một phần nguyên nhân sạt lở do họ khai thác cát, sỏi.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy cần kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt các doanh nghiệp, tổ chức trên.

Để đảm bảo quyền lợi của người dân, cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát lại toàn bộ dự án nạo vét luồng lạch và nghiêm cấm các doanh nghiệp tiến hành nạo vét trong mùa mưa lũ.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn tin từ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, từ ngày 15/6 đến hết ngày 15/10 nhà đầu tư phải khẩn trương tạm dừng toàn bộ các hoạt động thi công nạo vét các dự án Nạo vét duy tu luồng ĐTNĐ Quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm theo quy định tại Điểm a, khoản 32, Điều 4 của Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, các Nhà đầu tư khẩn trương di dời các phương tiện, thiết bị khỏi khu vực công trường về nơi an toàn; tháo dỡ các công trình tạm thuộc phạm vi an toàn của đề điều và luồng chạy tàu.

Lê Minh