Đất công “dâng” cho quý bà Trung Thị Lâm Ngọc rồi chuyển về Vũ Nhôm
Trong danh sách, nổi lên cái tên quý bà Trung Thị Lâm Ngọc – người đứng tên đại diện pháp luật cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Bến Thành – Sao Thủy.
Ngoài công ty Bến Thành – Sao Thủy, bà Ngọc còn đại diện pháp luật cho 4 doanh nghiệp khác, gồm: Công ty cổ phần Nhiếp ảnh Hà Nội, Công ty cổ phần đầu tư Sao Thủy (chi nhánh Bắc Ninh), Công ty cổ phần Ánh Sáng Sông Hồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và truyền thông Cine Việt Nam.
Khu đất vàng 1 Bis - 1 Kép đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: H.L) |
Năm 2013, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.
Bản kết luận có nêu, năm 2006, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chuyển nhượng khu đất công cho bà Trung Thị Lâm Ngọc và ông Hoàng Hải với tổng giá trị hợp đồng 84 tỷ đồng.
Năm 2008, bà Ngọc và ông Hải không thực hiện việc triển khai dự án mà đã ủy quyền cho Phan Văn Anh Vũ (tức: Vũ “Nhôm”) chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan.
Hợp đồng giá trị lên đến 581 tỷ đồng.
Trong phi vụ này, ngày 07/2/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Vũ Nhôm và các cán bộ có liên quan trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19/11, cán bộ liên quan đến Vũ Nhôm là ông Nguyễn Hữu Tín – cựu Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã bị bắt giam do có hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Ông Tín đã ký quyết định “bán” một số lô đất công trên địa bàn thành phố thu lợi bất chính cho Vũ Nhôm.
Vẫn tại thành phố Hồ Chí Minh, một khu đất vàng ở số 1 Bis – 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu từng gây bức xúc trong dư luận lại được thổi bùng lên.
Nếu vụ bán đất công tại Đà Nẵng diễn ra trót lọt vào năm 2008 thì dự án 1 Bis – 1 Kép vẫn với chiêu thức cũ lại manh nha hình thành từ năm 2005 đến 2007.
Thời kỳ này, ông Nguyễn Văn Đua và ông Nguyễn Hữu Tín lần lượt giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Vẫn một lộ trình chuyển hóa khu “đất vàng” cho tư nhân tại thành phố Hồ Chí Minh
Tương tự như vụ án Thủ Thiêm, ngày 12/4/2004, chính ông Nguyễn Văn Đua đã ban hành quyết định số 1567/QĐ-UB về nội dung điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở và văn phòng làm việc tại số 1 Bis – 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh).
Điều đáng nói, ông Đua ký quyết định điều chỉnh dự án này cũng không xin ý kiến của Thủ tướng chính phủ đã được phê duyệt trước đó.
Năm 2010, bà con khu 1 Bis – 1 Kép đã có đơn khiếu nại gửi cho cơ quan các cấp từ Ủy ban nhân dân quận, đến Ủy ban nhân dân thành phố và cả Trung ương.
Hồ sơ vụ việc. (Ảnh: H.L) |
Tháng 5/2010, ông Lưu Trung Hòa – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1 ban hành các quyết định gửi đến người dân về việc hỗ trợ để thu hồi đất.
Lúc này, người dân khu 1 Bis – 1 Kép mới vỡ lỡ ra việc “lật lọng” của chính quyền địa phương, tước đi quyền lợi tái định cư tại chỗ của người dân trước đó.
Quyết định của Ủy ban nhân dân quận 1 căn cứ theo công văn 926/UBND-ĐTMT ngày 03/3/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố.
Ông Tài chỉ là Phó Chủ tịch, có thể một mình thao túng đất công nghìn tỷ không? |
Quyết định số 926/UBND-ĐTMT vẫn lại do ông Nguyễn Thành Tài – cựu Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã bị bắt giam trong thời gian vừa qua ký ban hành.
Đến tháng 10/2010, khoảng 32 hộ dân còn bám trụ tại khu đất 1 Bis – 1 Kép chính thức bị cưỡng chế, đẩy đuổi ra khỏi nơi ở bằng quyết định thu hồi đất và không được tái định cư.
Đây là quyết định đi ngược lại với chủ trương của Thủ tướng chính phủ đã được phê duyệt trước đó.
Ngày 22/5/2015, ông Nguyễn Hữu Tín đã ký quyết định số 2403/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát triển nhà Bến Thành đang quản lý sử dụng.
Ông Tín đã giao lô đất vàng trên cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Bến Thành – Sao Thủy do bà Trung Thị Lâm Ngọc làm đại diện pháp luật mà không qua đấu giá.
Đường đi của lô đất 1 Bis – 1 Kép đúng theo “quy trình” tương tự như khu đất công mà Vũ Nhôm đã thâu tóm tại Đà Nẵng.
Nhưng tại thành phố Hồ Chí Minh, người dân liên tục khiếu nại, khiếu kiện lẫn tố cáo nên dẫn đến việc thu hồi đất diễn ra một cách chậm chạp.