Việc xây dựng trái phép và quy hoạch du lịch ở bán đảo Sơn Trà đã làm nóng cuộc họp báo thường kỳ của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ngày 27/3.
Tại cuộc họp báo, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự quan tâm đến núi Sơn Trà, nơi được xem là lá phổi xanh của thành phố Đà Nẵng.
Đại công trường "băm nát" một vùng Sơn Trà của Công ty cổ phần Biển Tiên Sa. Ảnh: TT |
Khi hàng loạt công trình xây dựng các khu resort, khách sạn năm sao, biệt thự… đang “băm nát” bán đảo này thì nhiều người cho rằng, cần phải điều chỉnh lại quy hoạch phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà.
Kiến nghị Thủ tướng bảo vệ “báu vật của Đà Nẵng – bán đảo Sơn Trà” |
“Có bao nhiêu dự án (dự án của Công ty Biển Tiên Sa xây 40 móng biệt thự không phép) như vậy trên Sơn Trà?
Và liệu những dự án đó có trước Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (quyết định 2163/QĐ-TTg ngày 9/11/2016 của Thủ tướng Chỉnh phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030) và quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ công bố phải chăng để hợp thức hóa những dự án đó?” phóng viên đặt vấn đề.
Rồi việc tạm đình chỉ thi công công trình 40 móng biệt thự của Công ty cổ phần Biển Tiên Sa là sẽ dừng luôn hay cấp phép lại.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ghi nhận sự vào cuộc của các cơ quan báo chí và dư luận (để bảo vệ Sơn Trà).
Theo đó, Sơn Trà là di sản thiên nhiên rất quý báu của thành phố cho nên tất cả những động thái can thiệp vào đó thì phải tính toán kỹ lưỡng.
Gần đây, ngoài việc xây dựng trái phép của Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa còn có một số quy hoạch được phê duyệt ví dụ như là: quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… được dư luận quan tâm.
“Dự án này (quy hoạch Khu du lịch Sơn Trà) là do Viện nghiên cứu du lịch (Tổng Cục Du lịch) nghiên cứu. Thông qua các sở nghành của thành phố và thỏa thuận của Ủy ban thành phố để báo cáo Thủ tướng phê duyệt.
Quy hoạch này là quy hoạch các hoạt động du lịch trên bán đảo Sơn Trà. Còn quy hoạch thứ hai là quy hoạch phân khu phía Đông Bắc thành phố, tức là vùng Sơn Trà và phụ cận” ông Tuấn nói.
Việc quy hoạch phân khu này được thực hiện đúng theo quy định của Luật quy hoạch.
Hiện nay đã phê duyệt được ba phân khu (tổng cộng vùng Sơn Trà có 7 phân khu). Việc quy hoạch phân khu ở Sơn Trà nằm trong quy định chung, nó không liên quan đến việc xây dựng trái phép ở Sơn Trà.
Ông Tuấn thông tin thêm, vừa rồi Hiệp hội du lịch Đà Nẵng có gửi đơn thư kiến nghị về quy hoạch du lịch trên bán đảo Sơn Trà.
“Chúng tôi cho rằng, tất cả những ý kiến này phải được ghi nhận. Tất cả những vấn đề liên quan đến Sơn Trà phải đảm bảo an ninh quốc phòng, môi trường. Và nó có vai trò kết hợp phát triển kinh tế một cách hài hòa với nhau” ông Tuấn cho hay.
Sau khi lắng nghe dư luận và có ý kiến chỉ đạo của một số Bộ, ngành Trung ương thì Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất báo cáo xin ý kiến Thường vụ Thành ủy cho ý kiến xem xét điều chỉnh lại quy hoạch phát triển lại du lịch bán đảo Sơn Trà – ông Tuấn nói.
“Chúng ta phải rà soát, cân nhắc, đảm bảo cho Sơn Trà phát triển theo hướng bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng và một phần nào đó là phát triển kinh tế địa phương.
Tôi tin rằng, Thường vụ sẽ cho phép chúng ta điều chỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện”.
Đối với các vi phạm trên bán đảo Sơn Trà thì ông Tuấn cho rằng phải bị xử lý theo quy định. Các trường hợp xây dựng trái phép thì phạt vi phạm hành chính, sau đó tạm dừng công trình, giao cơ quan chức năng thành phố rà soát, đúng quy định.
Cũng theo ông Tuấn, đối với những dự án đang triển khai dở dang bị tạm dừng vì sai phạm thì các Sở, ngành phải nghiên cứu kỹ.
Sau khi doanh nghiệp đã bổ sung các giấy tờ liên quan thì đối xử với các công trình đó ra sao?
“Quan điểm của thành phố là không đúng theo quy hoạch thì phải tháo gỡ. Còn nếu phù hợp thì phải xem xét đến quyền lợi của doanh nghiệp”.
Riêng đối với cá nhân, tổ chức, vừa rồi buông lỏng hoặc không kịp thời phát hiện việc xây dựng trái phép thì sẽ xử lý, kiểm điểm trách nhiệm.
Theo hướng trách nhiệm đến đâu thì xử lý đến đó, không xuê xoa nhưng cũng không tăng nặng.