Tài chính “bết bát”, ngân hàng không bảo lãnh, Sông Đà Urban xoay xở ra sao?

25/01/2016 13:02
Hải Ninh
(GDVN) - Mặc dù năng lực tài chính được đánh giá là “sức khỏe yếu” nhưng khi thực hiện dự án X1-26 Liễu Giai, Sông Đà Urban lại không được bất cứ ngân hàng nào bảo lãnh

Từ vua "đất vàng" đến con nợ... cổ tức

Nhìn vào danh mục đầu tư các dự án bất động sản của Sông Đà Urban thì không ai đánh giá thấp về tiềm năng của đơn vị này. Liệt kê ra có thể thấy đơn vị này đang sở hữu khá nhiều dự án nhà ở tại khu trung tâm Thủ đô. Tuy nhiên, thực tế thì hầu hết các dự án đang dậm chân tại chỗ, kiện cáo, hoặc vướng về mặt thủ tục pháp lý…

Cụ thể, xét về hiệu quả kinh doanh của Sông Đà Urban trong những năm qua không có gì nổi bật, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 chỉ đạt 2,2 tỷ đồng, năm 2013 chỉ đạt 1,5 tỷ đồng và năm 2014 chỉ đạt con số 4,2 tỷ đồng.

Nhiều năm triển khai, dự án X1-26 Liễu Giai của Sông Đà Urban vẫn giậm chân tại chỗ. Ảnh Bảo An
Nhiều năm triển khai, dự án X1-26 Liễu Giai của Sông Đà Urban vẫn giậm chân tại chỗ. Ảnh Bảo An 

Theo báo cáo tài chính năm 2014 được Kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn A&C, Sông Đà Urban có tổng nguồn vốn là 983 tỷ đồng nhưng phải trả nợ lên đến 649 tỷ đồng (chiếm 66% tổng nguồn vốn), chỉ còn 334 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Tại Cuộc họp Hội đồng cổ đông bất thường năm 2015 diễn ra ngày 25/12/2015, lãnh đạo Sông Đà Urban đã thừa nhận:

Hiện tại Công ty đang còn nợ ngân sách Nhà nước, không đủ điều kiện để chi trả cổ tức cho các cổ đông.

Để đảm bảo nội dung Phương án phân phối lợi nhuận năm 2014 đã được Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 thông qua không trái với quy định của pháp luật, đại hội cổ đông bất thường biểu quyết không chia cổ tức năm 2014 và các năm khác chưa chia”.

Xét về hiệu quả kinh doanh của Sông Đà Urban trong những năm qua không có gì nổi bật, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 chỉ đạt 2,2 tỷ đồng, năm 2013 chỉ đạt 1,5 tỷ đồng và năm 2014 chỉ đạt con số 4,2 tỷ đồng.
Xét về hiệu quả kinh doanh của Sông Đà Urban trong những năm qua không có gì nổi bật, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 chỉ đạt 2,2 tỷ đồng, năm 2013 chỉ đạt 1,5 tỷ đồng và năm 2014 chỉ đạt con số 4,2 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015, nhiều cổ đông đã tỏ ra bức xúc và đặt ra một loạt thắc mắc như: “Đối với những dự án không hiệu quả thì hướng giải quyết của Công ty thế nào, có thoái vốn không? Cổ tức các năm trước còn chưa trả, Công ty có kế hoạch chi trả thế nào?

Phương án kinh doanh 2015 việc thu xếp vốn của từng dự án thu xếp như thế nào? Đề nghị làm rõ các nội dung trong báo cáo của hội đồng quản trị do có nhiều nội dung được ông Chủ tịch (Hoàng Văn Anh-PV) ký ban hành nhưng các thành viên HĐQT khác không được biết…”.

Tại lần đại hội này, ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch HĐQT Urban đã thừa nhận: “…Dự án NAK chủ đầu tư cấp I – Sudico chậm bàn giao 07 lô đất cho Công ty, dự án 143 Trần Phú đã kinh doanh nhưng chưa hạch toán được doanh thu để kết chuyển lợi nhuận;

Các dự án khác: KĐT mới Hòa Bình, dự án Tuyên Quang chỉ đang làm thủ tục chuẩn bị đầu tư; các dự án tại TP. Hồ Chí Minh: dự án tại quận 2 mới nhận chuyển nhượng lại dự án chưa làm gì, dự án tại quận 8 mới đầu tư giai đoạn I – tái định cư chưa kết chuyển kết quả sản xuất kinh doanh.

Dự án X1-26 Liễu Giai, giải phóng mặt bằng khó còn 06 hộ và vẫn chưa xong nên chưa biết thời điểm đầu tư, dự án 143 Trần Phú kết thúc giai đoạn đầu tư xây dựng trong năm 2015 nhưng phải chờ quyết toán của Nhà nước thường kéo dài nên chưa biết chính xác thời điểm kết chuyển kết quả sản xuất kinh doanh.

Về cổ tức các năm trước còn chưa trả cổ đông, do Công ty chưa có nguồn trả, tiền Công ty hiện đang đầu tư vào các dự án quận 2 hơn 100 tỷ, quận 8 hơn 200 tỷ, NAK khách hàng còn nợ tiền…

Đối với dự án X1-26 Liễu Giai, Công ty đã bồi thường hơn 20 tỷ đồng, các hộ còn lại Công ty đang thu xếp tiền vay, còn tiền đầu tư cho dự án Ngân hàng MB đã tài trợ 100 tỷ đồng...".

Mặc dù tài chính yếu kém, không đủ năng lực nhưng phía Công ty Sông Đà Urban vẫn đang “cố ôm” những dự án lớn, đất vàng tại Hà Nội.

Tài chính “bết bát”, lộ thông tin lừa dối... cổ đông

Từ những thông tin về tài chính “bết bát” như trên, khiến người dân không phải lo lắng, đặc biệt có những người có liên quan đến những dự án của Sông Đà Urban.

Sông Đà Urban thừa nhận: Hiện tại Công ty đang còn nợ ngân sách Nhà nước, không đủ điều kiện để chi trả cổ tức cho các cổ đông...
Sông Đà Urban thừa nhận: Hiện tại Công ty đang còn nợ ngân sách Nhà nước, không đủ điều kiện để chi trả cổ tức cho các cổ đông...

Cụ thể, Dự án cải tạo lại khu tập thể X1-26 Liễu Gia, quận Ba Đình, Hà Nội được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 22/11/2010. Như đã thông tin ở bài báo trước thì giấy chứng nhận này đã hết hạn từ hơn 2 năm nay nhưng Sông Đà Urban vẫn “ngang nhiên” thực hiện dự án.

Theo Giấy chứng nhận đầu tư, Tổng nguồn vốn của dự án vào khoảng 371 tỷ đồng, trong đó vốn tự có  là 74 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng là 100 tỷ đồng, vốn huy động khác là 196 tỷ đồng.

Trong khi đó, hồ sơ dự án mà phía Sông Đà Urban cung cấp cho người dân lại không hề có thông tin về nguồn vốn ngân hàng hoặc chứng thư, văn bản bảo lãnh của ngân hàng về dự án.

Trả lời cư dân tại Khu tập thể X1-26 Liễu Giai, Sông Đà Urban giải thích rằng: Hiện tại, Công ty chúng tôi hoàn toàn chủ động được về vốn để triển khai đầu tư dự án. Công ty đã hoàn trả toàn bộ tiền đền bù bồi thường giải phóng mặt bằng cho 54 hộ dân, đã trả khoản tiền thi công cọc thí nghiệm...

Trả lời với người dân là “hoàn toàn chủ động về vốn” nhưng báo cáo trước đại hội đồng cổ đông, ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị lại cho rằng: “Đối với dự án X1-26 Liễu Giai, Công ty đã bồi thường hơn 20 tỷ đồng, các hộ còn lại Công ty đang thu xếp tiền vay, còn tiền đầu tư cho dự án Ngân hàng MB đã tài trợ 100 tỷ đồng...”.

Trong khi đó, hồ sơ dự án lại không thể hiện việc Ngân hàng MB tài trợ cho 100 tỷ đồng nhưng ông Hoàng Văn Anh vẫn hùng hổ tuyên bố sai sự thật đối với cổ đông.

Mặt khác, thừa nhận phải “đang thu xếp tiền để trả tiền bồi thường...”, nhưng Công ty Sông Đà Urban lại lừa dối người dân tại Khu tập thể X1-26 là “hoàn toàn chủ động về vốn”.

Với việc cung cấp thông tin sai sự thật, mập mờ như trên có phải là hành vi lừa dối của ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch HĐQT Sông Đà Urban đối với cư dân Khu tập thể X1-26 và cả cổ đông của Công ty?

Tài chính “bết bát”, ngân hàng không bảo lãnh, Sông Đà Urban xoay xở ra sao? ảnh 4

Sông Đà Urban ngang nhiên sử dụng các văn bản hết hạn để “lòe” người dân

(GDVN) - Chuyện khó tin ngay giữa Thủ đô, khi Sông Đà Urban sử dụng hàng loạt văn bản như giấy chứng nhận đầu tư, quyết định thu hồi đất… hết hạn để thực hiện dự án.

Hiện nay, Sông Đà Urban chỉ còn 334 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, giải trình về việc vì sao không trả cổ tức trong nhiều năm, ông Hoàng Văn Anh thừa nhận: “...do Công ty chưa có nguồn trả, tiền Công ty hiện đang đầu tư vào các dự dự án quận 2 hơn 100 tỷ đồng, quận 8 hơn 200 tỷ đồng...”.

Như vậy, có nghĩa là Sông Đà Urban trên thực tế không còn “nguồn vốn tự có” để đầu tư cho Dự án X1-26 Liễu Giai mà phải đi “huy động”.

Câu hỏi đặt ra là khi dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa thỏa thuận xong với các hộ dân, tính pháp lý chưa rõ ràng thì... ai sẽ cho vay? Lấy gì mà đảm bảo?

Với năng lực tài chính như đã phân tích ở trên, ai sẽ hứa rằng các cư dân tại Khu tập thể X1-26 và khách hàng không trở thành “con tin” cho việc “siêu dự án treo” của Sông Đà Urban?

Ngoài ra, kể từ ngày 01/7/2015, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 chính thức có hiệu lực, đồng nghĩa với quy định doanh nghiệp bất động sản phải được ngân hàng bảo lãnh khi bán, cho thuê nhà hình thành trong tương lai được áp dụng.

Quy định mới để đảm bảo nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, giao nhà cho khách hàng theo đúng cam kết. Đồng thời, khách hàng đã ứng tiền trước cho chủ đầu tư thì khách hàng có thể yên tâm, nếu chủ đầu tư không hoàn thành dự án như cam kết thì ngân hàng có trách nhiệm hoàn tiền lại cho khách mua nhà.

Tuy nhiên, hiện Sông Đà Urban lại không được ngân hàng nào bảo lãnh khi thực hiện Dự án tại Khu tập thể X1-26. Vậy khi Sông Đà Urban không thực hiện dự án hoặc thực hiện chậm tiến độ (thực tế là đã chậm) thì cư dân, khách hàng biết cầu cứu ai?

Để có thêm thông tin cung cấp cho bạn đọc, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch HĐQT Sông Đà Urban nhưng ông không đồng ý gặp và trả lời đầy thách thức: "Tôi muốn các anh đăng báo đấy, cứ đăng hết lên...". 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Hải Ninh