Thi hành án Yên Châu bị tố tiếp tay tín dụng đen làm hại đồng bào

16/08/2017 09:53
Trần Việt
(GDVN) - Chưa tổ chức kê biên nhưng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La vẫn tổ chức cưỡng chế tài sản khiến người dân vô cùng bức xúc.

Chưa kê biên đã cưỡng chế còn gọi loa mời người đến xem

Trong đơn tố cáo gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hà Văn Sơn trú tại bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La trình bày:

Vào năm 2013, tôi có hợp tác làm ăn và huy động vốn với ông Nguyễn Văn Đông có địa chỉ Tiểu khu 1, thị trấn Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Trong quá trình làm ăn do không may mắn nên tôi bị phá sản, sau khi phá sản bản thân tôi còn nợ anh Đông một khoản tiền và anh Đông cũng nợ tôi 900 triệu đồng.

Đơn tố cáo của ông Hà Văn Sơn (Yên Châu, Sơn La) gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh Trần Việt.
Đơn tố cáo của ông Hà Văn Sơn (Yên Châu, Sơn La) gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh Trần Việt.

Vì chủ quan và tin tưởng anh Đông là bạn làm ăn lên tôi không chốt nợ ngay từ đầu, một thời gian sau anh Đông đưa hai người như "xã hội đen" xuống nhà tôi đe dọa uy hiếp gia đình tôi.

Tôi có nói với anh Đông là do mới phá sản và theo sổ sách thì tôi còn nợ anh ấy một khoản nhỏ nhưng anh Đông không nghe rồi sau một hồi tính toán và áp dụng anh ấy đưa ra số tiền là 2,1 tỉ đồng bắt tôi phải trả.

Đến năm 2015, anh Đông kiện tôi ra Tòa án nhân dân huyện Yên Châu với lý do không trả nợ, sau khi tòa thụ lý đã cho chúng tôi tự thỏa thuận hòa giải thành công.

Sau khi kết thúc phiên tòa, anh Đông và chị Hoàng Thị Vui, Chấp hành viên, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Yên Châu rất nhiều lần xuống nhà tôi gây sức ép buộc phải chuyển giao toàn bộ 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên gia đình tôi cho anh Đông mặc dù trước đó tôi đã trình bày tại tòa là đang được thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Chi nhánh Mộc Châu) trước thời gian khởi kiện.

Ngoài việc, ép buộc phải chuyển giao toàn bộ 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh Đông, bà Vui còn gây khó khăn, cản trở công việc kinh doanh làm kinh tế để trả nợ của gia đình tôi.

Cụ thể, đầu năm 2016 tôi cho một công ty thuê lại khu nhà xưởng rộng 2000m2 để làm nơi sản xuất nguyên liệu sạch xuất khẩu nên cần phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã Chiềng Hặc nhưng chính bà Vui đã yêu cầu lãnh đạo xã không được ký tên hay đóng dấu bất kỳ giấy tờ nào cho tôi.

Gần đây nhất, ngày 10/07/2017, Chi cục thi hành án dân sự huyện Yên Châu đã liên tiếp ra văn bản số 08/QĐ-CCTHADS quyết định Cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và thông báo số 30/TB-CCTHADS về việc cưỡng chế thi hành án mặc dù trước đó chưa hề kê biên.

Quyết định cưỡng chế kê biên tài sản của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Châu gửi đến gia đình ông Hà Văn Sơn. Ảnh Trần Việt.
Quyết định cưỡng chế kê biên tài sản của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Châu gửi đến gia đình ông Hà Văn Sơn. Ảnh Trần Việt.

Điều khiến tôi vô cũng ngạc nhiên là ngày 10/07/2017, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Châu ban hành 2 văn bản trên nhưng mãi đến cuối giờ chiều ngày 19/07/2017 mới giao cho tôi thì đến 8h30 sáng ngày 20/07/2017 đã tiến hành cưỡng chế luôn.

Trước khi cưỡng chế, bà Hoàng Thị Vui còn yêu cầu Trưởng bản đọc thông báo lên loa kêu gọi bà con trong bản, người đi đường đến xem gây mất an ninh trật tự nhằm bôi nhọ danh dự, hạ uy tín, gia đình tôi vì biết rằng hiện nay tôi đang là Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc duy nhất được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số vùng trồng xoài Yên Châu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Úc.

Trong quá trình đi cưỡng chế đoàn cưỡng chế đã tự ý xâm lấn hủy hoại và lấy rất nhiều hoa quả gồm xoài và nhãn của gia đình nhà tôi.

Và tôi tố cáo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Châu có dấu hiệu tiếp tay để các thành phần thế lực cho vay tín dụng đen chiếm đoạt tài sản gia đình tôi.

Người dân hoang mang lo sợ

Với nội dung đơn tố cáo nêu trên, nhằm có thông tin khách quan cung cấp đến độc giả, ngày 08/08/2017, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc trực tiếp với bà Hoàng Thị Vui, Chấp hành viên, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Châu để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Tại buổi làm việc, bà Hoàng Thị Vui từ chối phát ngôn và cho biết: “Tôi đang là người bị ông Hà Văn Sơn tố cáo, khiếu nại nên các đồng chí muốn biết thông tin gì thì phải lên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sơn La để có câu trả lời khách quan”.

Bà Hoàng Thị Vui, Chấp hành viên, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Châu trong buổi làm việc với phóng viên. Ảnh Trần Việt.
Bà Hoàng Thị Vui, Chấp hành viên, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Châu trong buổi làm việc với phóng viên. Ảnh Trần Việt.

Trong buổi làm việc, phóng viên đặt câu hỏi: Trước khi tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản đối với gia đình ông Hà Văn Sơn, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Châu có gửi thông báo cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Chi nhánh Mộc Châu) biết việc này không và phản ứng từ phía ngân hàng này ra sao?

Bà Vui nói: “Chúng tôi thực hiện việc thi hành án này là hoàn toàn dựa trên cơ sở pháp luật, không phải là tài sản đang cầm cố thế chấp ngân hàng thì không được kê biên. Tuy nhiên, chúng tôi đã có mời ngân hàng đến nhưng việc đến hay không là do ngân hàng.”

Cùng ngày, phóng viên cũng đã trực tiếp làm việc với ông Nguyễn Hữu Cửu, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Chi nhánh Mộc Châu) để nắm rõ hơn về sự việc này.

Tuy nhiên, trong buổi làm việc ông Cửu khẳng định: “Khi Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Châu cưỡng chế kê biên cũng không gọi chúng tôi vì thế chúng tôi coi như chưa được kê biên vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang nằm trong ngân hàng.

Quan điểm của chúng tôi nói rõ là sẽ không ký vì 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này ngân hàng đang quản lý, nếu trả hết tiền thì ngân hàng sẽ trả còn không trả thì sẽ thuộc quyền quản lý của chúng tôi.

Xét về nguyên tắc khi kê biên phải có công văn thông báo gửi cho chúng tôi là kê biên đề nghị ngân hàng cho ý kiến, nếu tôi đồng ý cho kê biên thì mới được kê biên còn không mà anh kê biên là vi phạm pháp luật.”

Như vậy, trước những thông tin trên, đề nghị lãnh đạo tỉnh Sơn La, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sơn La sớm vào cuộc kiểm tra làm rõ và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người có liên quan nếu những điều người dân tố cáo trên có cơ sở.

Trần Việt