Vay tiền để thành lập trường
Sau khi nhận được Kết luận Thanh tra, ông Nguyễn Thanh Ngạn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học phổ thông Văn Hiến (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã có Đơn kiến nghị dài 22 trang gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Ông Ngạn cho biết, ngày 20/7/1989, Ông Nguyễn Thanh Ngạn và một nhóm cha mẹ học sinh không đại diện cho tổ chức hay tập thể nào gửi Đơn xin phép cho mở Trường Phổ Thông Trung Học Dân Lập Văn Hiến.
Trường Trung học phổ thông dân lập Văn Hiến. (Ảnh: H.L) |
Trong văn bản có xác nhận, ngày 25/7/1989, Phòng Giáo Dục và Đào tạo huyện Xuân Lộc chấp thuận Đơn xin mở trường của ông Nguyễn Thanh Ngạn.
Ngày 26/7/1989, Ủy ban nhân dân huyện Xuân Lộc (thị xã Long Khánh cũ) và Sở Giáo dục tỉnh Đồng Nai chấp thuận Đơn xin mở trường của ông Ngạn.
Ngày 26/7/1989, sau khi có ý kiến của Ủy ban nhân dân huyện Xuân Lộc và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận Đơn xin mở trường.
Ngày 02/8/1989, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Nai căn cứ vào Chỉ Thị số 32/CT.UBT ngày 24/6/1988 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc mở và tổ chức, quản lý các trường lớp dân lập, lớp dạy ngoài giờ của ngành học phổ thông;
Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào Đơn xin mở trường của ông Ngạn nên đã ra Quyết định số 946/QĐ.UBT ngày 02/8/1989 cho phép mở thí điểm Trường Phổ Thông dân lập cấp II-III tại thị trấn Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc.
Trong quyết định này cũng nêu rõ: “Cho phép ông Nguyễn Thanh Ngạn hiện ngụ tại Thị Trấn Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai được mở Trường Văn Hiến kể từ năm học 1989-1990, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng”.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ủy quyền cho Ủy ban nhân dân huyện Xuân Lộc xem xét giải quyết về mặt bằng xây dựng, cơ sở vật chất của trường theo đúng qui định hiện hành của Nhà nước.
Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận Ông Nguyễn Thiệp - nguyên Trưởng Phòng Gáo dục và Đào tạo huyện Xuân Lộc kiêm hiệu trưởng Trường Văn Hiến.
Ngày 05/8/1989, Ủy ban nhân dân huyện Xuân Lộc ra Quyết định số 895/QĐ.UBH cấp cho Trường Văn Hiến toàn bộ khu vực đất và cơ sở vật chất nhà cửa, kho tàng, tài sản cố định.
Ngày 15/8/1989, Trường Văn Hiến ký Hợp đồng kinh tế sản xuất hàng mộc với Tổ hợp mộc Trần Phú để làm bàn ghế học sinh trị giá 3.850.000 đồng. Đến ngày 19/9/1989, Trường Văn Hiến và Tổ hợp mộc Trần Phú làm Biên bản nghiệm thu bàn ghế học sinh Trường Văn Hiến.
Tháng 9/1989, Biên bản về việc thanh lý cây trồng trong khuôn viên đất của Trường Văn Hiến giữa ông Ngạn và Ông Lâm Văn Giả cùng thống nhất là giao cho Giả là 500.000 đồng.
Nhà trường sẽ tiến hành phát dọn toàn bộ số cây trồng trên mặt bằng của nhà trường sau khi Ông Lâm Văn Giả hái hết trái.
Ngày 04/9/1989, ông Ngạn được Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp cho vay số tiền 10.000.000 đồng để làm bàn ghế và sửa chữa trang bị cho nhà trường với lãi suất 3,75% và thời hạn trả hết nợ là ngày 04/3/1990.
Ngày 30/10/1989, Trường Văn Hiến ban hành Danh sách giáo viên cho năm học 1989-1990.
Tháng 10/1989, Trường Văn Hiến lập Kế hoạch tài chính về các khoản dự trữ kế hoạch tài chính, các khoản thu, các khoản chi và khoản tiền thiếu hụt hàng tháng.
Hơn 30 năm, phía Nam đã có trường tự chủ được tài chính
Tháng 02/1990, ông Nguyễn Thanh Ngạn đã có Công văn gửi Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp huyện Xuân Lộc về việc Xin Gia Hạn tiền vay.
Ngày 30/8/1990, Trường Văn Hiến và Ông Bùi Ái Việt lập Biên bản giao nhận sản phẩm hàng mộc theo Hợp đồng ngày 09/7/1990, gồm: 70 bộ bàn ghế học sinh, 06 bảng viết học sinh, 03 bộ bàn làm việc và ghế, với tổng giá trị hợp đồng là 3.826.000 đồng.
Ngày 03/10/1997, Giám đốc Sở Địa Chính tỉnh Đồng Nai ra Tờ Trình số 707/TT.ĐC gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc giao Quyền sử dụng đất cho Trường Văn Hiến để sử dụng vào mục đích làm trường học với tổng diện tích 5.930,4 m2.
"Khế ước vay tiền" của Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường. (Ảnh: H.L) |
Ngày 09/10/1997, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ra Quyết định số 3614/QĐ.UBT về việc giao quyền sử dụng 5.930,4 m2 đất trên cơ sở đất đang sử dụng tại thị trấn Xuân Lộc, huyện Long Khánh cho Trường Văn Hiến để sử dụng vào mục đích làm trường học.
Năm 1998, ông Ngạn đại diện Trường Văn Hiến ký Hợp đồng kinh tế số 377/HĐKT với Công Ty Xây Dựng DDCN Số 2 Đồng Nai để thực hiện việc đo đạc, khoan khảo sát địa chất công trình, lấy mẫu thí nghiệm xác định các chỉ tiêu cơ lý, lập báo cáo thuyết minh với tổng giá trị hợp đồng là 22.833.000 đồng.
Ngày 03/9/1998, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ra Quyết định số 3257/1998/QĐ.CT.UBT cho phép chuyển Trường Phổ thông Dân lập cấp II-III Văn Hiến thành Trường Phổ thông Trung Học dân lập Văn Hiến.
Theo quyết định này, có nêu: “Trường Phổ thông trung học dân lập Văn Hiến là đơn vị sự nghiệp về giáo dục và đào tạo dân lập, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nguyên tắc tự thu, chi, tự trang trải kinh phí”…
… “Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, giúp đỡ Trường Phổ thông trung học dân lập Văn Hiến tổ chức và hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Nhà nước qui định đối với trường dân lập”.
Ngày 02/11/1998, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Khánh xét theo Tờ trình số 05/NH“98-99”TT ngày 22/10/1998 ra Công văn số 308/UBH chấp thuận để Hội đồng quản trị Trường Văn Hiến thanh lý 4 phòng học cũ và xây dựng 15 phòng học mới trong khuôn viên đất sử dụng của trường.
Chủ tịch Hội đồng trường dân lập đầu tiên ở phía Nam với nghi án bị điều tra |
Nguồn vốn xây dựng do Trường Văn Hiến tự cân đối và thỏa thuận với đơn vị thi công.
Cùng ngày 02/11/1998, ông Ngạn đại diện cho Trường Văn Hiến ký Hợp đồng các khoản chi phí khác và lập báo cáo Nghiên cứu kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng với Công ty Xây Dựng DDCN Số 2 Đồng Nai, tổng chi phí là 48.654.467 đồng.
Ngày 23/3/1999, Sở Kế hoạch và Đầu tư ra Công văn số 388/KHĐT-XDCB xin kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho phép đầu tư dự án: “Cải tạo Trường Văn Hiến thị trấn Xuân Lộc, huyện Long Khánh theo công trình có mức vốn đầu tư thuộc nhóm C”.
Ngày 24/3/1999, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ra Công văn số 1151/UBT, xét báo cáo thẩm định dự án và kiến nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Tại Công văn số 388/KHĐT-XDCB ngày 23/3/1999, cho phép Hội đồng Quản trị Trường Văn Hiến được đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp Trường Văn Hiến.
Ngày 25/3/1999, Sở Kế hoạch và Đầu Tư tỉnh Đồng Nai cấp Giấy Phép Đầu Tư số 417/GP-KHĐT cho Trường Văn Hiến theo dự án: “Cải tạo Trường Văn Hiến thị trấn Xuân Lộc, huyện Long Khánh” với tổng mức vốn đầu tư là 4.450.000.000 đồng, nguồn vốn đầu tư dựa theo vốn tự có của Trường.
Ngày 29/3/1999, Sở Xây Dựng ra Công văn số 111/CV-SXD, có ý kiến nguồn vốn xây dựng trường Phổ thông trung học dân lập Văn Hiến không phải của Nhà nước nên không bắt buộc áp dụng đấu thầu.
Sở Xây Dựng thống nhất với Hội đồng quản trị Trường Văn Hiến về việc chọn Công ty Xây dựng Dân dụng Công nghiệp số 2 thi công công trình.
Ngày 02/4/1999, Trường Văn Hiến ký Hợp đồng kinh tế số 76/XDDDCN2-HĐ 1999 với Công ty Xây Dựng DDCN số 2 Đồng Nai.
Hạng mục công trình gồm 15 phòng học (3 tầng) thuộc dự án “Cải tạo Trường Phổ thông trung học dân lập Văn Hiến”. Giá trị xây lắp công trình được ký kết theo giá khoán gọn là: 1.513.110.000 đồng.
Ngày 24/01/2000, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ra Quyết định số 271/QĐ-UBT; theo đó, Ông Nguyễn Thanh Ngạn sẽ được nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 01/3/2000.
Ngày 12/02/2000, Hội đồng quản trị Trường Văn Hiến ký Hợp đồng kinh tế số 20/HĐKT2000 với Công ty Xây Dựng DDCN số 2 Đồng Nai.
Công trình xây dựng dãy 18 phòng, 3 tầng thuộc dự án cải tạo Trường Văn Hiến với tổng giá trị hợp đồng 2.128.149.057 đồng.
Ngày 05/7/2004, Hội đồng quản trị Trường Văn Hiến ký Hợp đồng kinh tế số: 123/HĐKT-2004 với Công ty Cổ phần Xây dựng Số 2 Đồng Nai về việc xây lắp hạng mục công trình: dãy Hội trường – Thí nghiệm – Y tế – Lưu trữ thuộc dự toán cải tại Trường Văn Hiến.
Giá trị xây lắp công trình được ký kết theo giá khoán gọn là 2.607.046.000 đồng.
Ngày 11-15-18/9/2006, Trường Trung học phổ thông Văn Hiến nộp lệ phí trước bạ nhà số diện tích đất được giao bằng tiền mặt tại kho bạc Nhà nước Long Khánh.
(Còn tiếp)