Vì sao hàng trăm doanh nghiệp đồng loạt kiện Chủ tịch tỉnh Bình Dương?

20/05/2014 16:02
Hải Ninh
(GDVN) - Thời gian gần đây, hơn 200 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman ở Bình Dương đã có đơn kiện Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Hàng trăm doanh nghiệp bị “cấm cửa” làm ăn?

Ngày 05/05/2009, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 1147/UBND-VX  về việc đồng ý cho thực hiện xây dựng lò vòng, lò vòng cải tiến (hay còn gọi là lò Hoffman hay công nghệ Hoffman) tại Công ty TNHH MTV Việt Linh, huyện Phú Giáo, Bình Dương.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Dương giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, giám sát việc thực hiện thí điểm việc chuyển đổi lò gạch thủ công sang công nghệ lò Hoffman. Quá trình thực hiện thí điểm, vận hành sản xuất đều đạt yêu cầu về chất lượng sản phẩm, về tiêu chuẩn môi trường, tận dụng nguyên liệu phế thải tại địa phương (mùn cưa, trấu, vỏ hạt cà phê…) phù hợp với chủ trương chính sách của Nhà nước.

Công nghệ sản xuất gạch Hoffman được Bộ Xây dựng, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Dương có văn bản chấp thuận cho áp dụng vì đảm bảo môi trường.
Công nghệ sản xuất gạch Hoffman được Bộ Xây dựng, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Dương có văn bản chấp thuận cho áp dụng vì đảm bảo môi trường.

Sau khi có kết quả thí điểm, ngày 03/12/2010, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương có Tờ trình số 2134/TTr-SXD-KTVLXD gửi UBND tỉnh Bình Dương, trong đó đề nghị: “Thu hồi chủ trương không cho xây dựng lò Hoffman trên địa bản tỉnh Bình Dương  tại văn bản số 1867/UBND-VX ngày 29/06/2010 với lý do mô hình thí điểm theo công nghệ lò Hoffman cải tiến đốt than đá ở Phú Giáo do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai đã được đánh giá đạt yêu cầu về chất lượng sản phẩm và môi trường…”.

Tuy nhiên, lấy lý do là các doanh nghiệp không xin phép cơ quan chức năng khi chuyển đổi công nghệ, ngày 14/02/2012 và 02/07/2012, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 328/UBND-KTN và Thông báo số 169/TB-UBND về việc bắt buộc các doanh nghiệp (DN) và cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman trên địa bản tỉnh phải chấm dứt hoạt động vô điều kiện trước ngày 30/06/2014, nếu không chấm dứt sẽ bị các cơ quan tỉnh Bình Dương cưỡng chế.

Các doanh nghiệp bức xúc vì trước đó họ đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho nhà máy (mỗi DN, cơ sở đầu tư từ 8-10 tỷ đồng, chưa kể vốn lưu động). Phần lớn vốn họ vay ngân hàng, mới sản xuất chưa thu hồi được.

Chủ tịch tỉnh có lạm quyền?

Được biết, hầu hết các DN và cơ sở sản xuất gạch đều có giấy phép, có giấy chứng nhận đầu tư, hàng tháng đóng góp đầy đủ nghĩa vụ thuế cho Nhà nước. Ngoài ra, họ còn tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, bảo đảm đời sống cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn và vùng phụ cận. Giả sử, các doanh DN, cơ sở sản xuất gạch chuyển đổi từ sản xuất gạch thủ công (khói bụi, ô nhiễm) sang công nghệ Hoffman không xin phép, nhưng “lỗi” là hỗn hợp, trách nhiệm hướng dẫn cấp phép là của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không thể lấy lý do đó để “bức tử” DN được.  

Hàng trăm doanh nghiệp điêu đứng vì quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
Hàng trăm doanh nghiệp điêu đứng vì quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Hơn nữa, theo quy định tại Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/07/2007; Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg ngày 01/08/2007; Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg, việc các DN sản xuất gạch ngói thủ công sang công nghệ mới ít ô nhiễm, an toàn là việc nên khuyến khích và đúng chủ trương của Nhà nước.

Đối với gạch sản xuất theo công nghệ Hoffman, Bộ Xây dựng có Văn bản số 986 ngày 01/6/2012 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 15/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo: “Với lò vòng, lò vòng cải tiến (có nơi gọi là lò Hoffman) không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp (trấu, mùn cưa, vỏ hạt điều …) tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương có thể cho phép tồn tại…”.

Căn cứ vào chủ trương Nhà nước, DN đã mạnh dạn vay hàng ngàn tỷ đồng của ngân hàng để chuyển đổi công nghệ, việc Chủ tịch UBND Bình Dương ra quyết định “khai tử” hơn 200 DN, cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman liệu có dấu hiệu “lạm quyền”?. Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ sự việc này.

 Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: "Chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước khi ban hành là được áp dụng thống nhất trên cả nước, nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân, đảm bảo một xã hội công bằng, văn minh. Đã là sản xuất gạch nung, dù theo công nghệ nào (Tuynel hoặc Hoffman) cũng sẽ bị chấm dứt sau năm 2020 theo lộ trình của Chính phủ. Trong lúc nền kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến Việt Nam, mỗi tháng có hàng chục ngàn doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương lại không được khuyến khích, tạo điều kiện là điều khó hiểu".   

 Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Hải Ninh