Vì sao người dân lo sợ về “siêu nghĩa trang" sắp hình thành trên Tam Đảo?

21/01/2017 11:08
Hải Ninh
(GDVN) - Tỉnh Vĩnh Phúc vừa chấp thuận cho 1 doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng nghĩa trang tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) làm nơi yên nghỉ cho hơn 2 triệu người...

Thông qua… chóng vánh!?

Ngày 4/1/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Tờ trình số 02/TTr-UBND do ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đề nghị cho triển khai quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo).

Trong Tờ trình của UBND tỉnh cũng thừa nhận dự án vấp phải sự phản đối của người dân.
Trong Tờ trình của UBND tỉnh cũng thừa nhận dự án vấp phải sự phản đối của người dân.

Nội dung Tờ trình thể hiện, từ tháng 6/2016, Công ty Bình Minh Xanh có văn bản đề xuất với UBND tỉnh dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang.

Dự án dự kiến có tổng vốn đầu tư 685 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý I năm 2017 đến năm 2025.

Địa điểm thực hiện dự án được nhắm tới là 153ha đất tại khu núi Ngang, trong đó đất dự kiến xây nghĩa trang chiếm khoảng 105,5ha.

Chỉ vỏn vẹn sau 02 ngày có Tờ trình, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thông qua dự án.
Chỉ vỏn vẹn sau 02 ngày có Tờ trình, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thông qua dự án.

Nghĩa trang dự kiến có 70.000 mộ phần cải táng và 2 triệu ngăn lưu tro cốt hỏa táng cùng đài hỏa táng đáp ứng được quy mô mộ phần nêu trên.

Đáng nói, địa điểm dự kiến xây nghĩa trang chính là khu vực rừng phòng hộ mà Nhà nước đã giao các hộ gia đình, cá nhân nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ từ năm 2002.

Dự án trên không những xoá sổ hàng trăm hecta đất rừng phòng hộ mà còn ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, tương lai của hàng nghìn hộ dân sống xung quanh dự án và cần phải có thời gian nghiên cứu, thẩm định.

Thế nhưng, chỉ sau 02 ngày nhận được tờ trình, vào ngày 6/1/2017, Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã họp và thống nhất với tờ trình về quy hoạch xây dựng công viên nghĩa trang tại xã Bồ Lý.

Nhiều người cho rằng, sau 02 ngày nhận được tờ trình dự án, Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thống nhất, đồng ý với dự án là một việc làm vội vàng và chóng vánh.

Trong 2 ngày, các thành viên Ban thường vụ không thể đủ thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu và thẩm định đầy đủ, chính xác về những tác động tiêu cực của dự án có thể xảy ra.

Tỉnh thừa nhận dự án bị nhân dân phản đối

Khi nghe tin về dự án sắp được triển khai trên ngọn núi Ngang, hàng nghìn hộ dân sống tại xã Bồ Lý (Tam Đảo) và khu vực lân cận không khỏi hốt hoảng, lo lắng cho đời sống, môi trường và tương lai của con em họ.

Tam Đảo nổi tiếng với những thắng cảnh du lịch và có khí hậu lạnh, trong lành, nếu thu hồi hơn 100ha rừng phòng hộ để làm nghĩa trang sẽ ảnh hưởng rất lớn đến du lịch nơi đây.
Tam Đảo nổi tiếng với những thắng cảnh du lịch và có khí hậu lạnh, trong lành, nếu thu hồi hơn 100ha rừng phòng hộ để làm nghĩa trang sẽ ảnh hưởng rất lớn đến du lịch nơi đây.

Dự án công nghĩa trang tại Tam Đảo nếu được diễn ra thì đồng nghĩa với việc người dân ở Tam Đảo phải “đón tiếp” khoảng hơn 2 triệu đoàn xe tang (trong đó có 70.000 ngôi mộ cát táng và hơn 2 triệu ngăn lưu trữ tro cốt hỏa táng).

Đến đây có thể mường tượng ra cảnh tượng u ám và những xáo trộn trong đời sống sinh hoạt mà người dân sinh sống trên vùng đất này sẽ phải đối diện.

Trong một thời gian dài, hàng trăm hộ dân đã có đơn thư kiến nghị, yêu cầu dừng dự án nghĩa trang gửi chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa nhận được sự phản hồi rõ ràng.

Đơn thư của người dân và kiến nghị của cử tri cho rằng, nếu dự án được triển khai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong xã; ảnh hưởng đến dự án nước sạch ở đầu cầu Liễn Sơn (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương)...

Là một trong hàng trăm hộ dân kí đơn thư gửi chính quyền, ông Trần Tiến Quý, sinh năm 1964, trú tại thôn Trại Mái, xã Bồ Lý (Tam Đảo) cho hay núi Ngang có địa hình cao nhất so với các khu vực trong xã, vì thế việc xây công viên nghĩa trang ở đây sẽ khiến mạch nước ngầm và nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Ngoài ra, ở núi Ngang có rất đông người Sán Dìu sinh sống. Việc thu hồi đất để triển khai dự án tại đây hoàn toàn có thể khiến đời sống, công ăn việc làm của bà con dân tộc thiểu số bị đảo lộn”, ông Quý nói.

Nhiều người dân bức xúc đặt câu hỏi: “Xung quanh dãy núi Ngang này có hàng nghìn người dân sinh sống, vậy thì vệ sinh môi trường sẽ ra sao? 

Nguồn nước uống và sinh hoạt sẽ ra sao? Sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng thì ai phải chịu trách nhiệm? Chẳng lẽ lãnh đạo tỉnh không lo lắng cho người dân chúng tôi?”.

Điều trớ trêu là trong các văn bản của UBND tỉnh và các cấp chính quyền đều thừa nhận dự án gặp phải sự phản đối quyết liệt của người dân.

Cụ thể, tại Tờ trình số 02/TTr-UBND ngày 04/1/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận: “… Cũng có một số nhà đầu tư quan tâm đề xuất dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang. Tuy nhiên, do nhân dân các địa phương chưa ủng hộ dẫn đến chưa lựa chọn được địa điểm và thực hiện dự án”.

Trước đó, tại Văn bản số 8771/UBND-CN1 ngày 02/12/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng thừa nhận: “… Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã nhiều lần có ý kiến nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn do chưa được dự ủng hộ của nhân dân địa phương”.

Rõ ràng việc người dân không đồng tình về dự án, có những phản ứng quyết liệt như trên nhưng không hiểu vì sao UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chấp thuận để dự án được triển khai?

Vĩnh Phúc đã hết quỹ đất hay sao mà phải dẹp cả trăm hecta rừng phòng hộ để dựng nên một đài hoả táng đốt 2 triệu xác người ở huyện trọng điểm về du lịch Tam Đảo?

Phải chăng dưới lòng đất núi Ngang có tài nguyên quý giá nào đó khiến người ta phải làm bằng được dự án bất chấp mọi hậu quả và sự phản đối của nhân dân?

Hải Ninh