Học Ph.D bên cạnh "Nhà hát của những ước mơ"

09/03/2012 15:20
(GDVN) - Chia sẻ tâm sự học Ph.D cùng anh Ngô Ngân Hà - giảng viên Học viện Báo chí và tuyên truyền, hiện đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành Xã hội học tại trường Đại học Manchester Metropolitan, Anh.
 

Ngôi trường Manchester Metropolitan (MMU).

Tôi bắt đầu công việc nghiên cứu tại Anh được gần 1 năm. Tôi từng có cơ hội học tập ở một số nước khác nhau nhưng thích Anh hơn cả vì học tập ở Anh không chỉ giúp tôi nâng cao khả năng ngoại ngữ- ngôn ngữ chuẩn của thế giới mà nền giáo dục ở đây có bề dày lịch sử, được đánh giá cao trên toàn cầu. Một lý do nữa để tôi chọn học tại Anh chính là tôi là một fan của đội bóng Manchester United và rất mong muốn một lần được nhìn tận mắt sân vận động “Nhà hát của những ước mơ”.

 
MMU là một trong những trường đại học lớn nhất trong nước có trên 33.000 sinh viên với hơn 500 khóa học đa dạng. Trường thu hút được nhiều sinh viên đủ mọi tầng lớp, đa quốc gia, hiện tại MMU có 5 cơ sở đặt tại Manchester và 2 cơ sở khác tại Alsager và Crewe (Cheshire). Không giống như học Master chỉ cần nộp hồ sơ vào trường, hồ sơ được thông qua thì bạn sẽ vào học, với khóa học PhD thì tôi cần thêm một bước là có giáo sư nhận hướng dẫn, may mắn thông qua một người bạn cũng đang học ở đây, tôi được giới thiệu cho một cô giáo nên mọi việc cũng khá thuận lợi.

 
Vị giáo sư tốt bụng

Học bậc PhD thì hầu như không tham gia buổi học trên lớp, không có bạn đồng môn gì cả, tinh thần tự học, tự nghiên cứu là chính và trao đổi với giáo sư hướng dẫn, vì vậy vai trò của người giáo sư thường rất quan trọng.
 Khi ở Việt Nam tôi cũng là một giảng viên, từng tiếp xúc với các sinh viên nước ngoài nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình có thể quan tâm đến sinh viên giống như cách giáo sư 60 tuổi này quan tâm với tôi.
 Hôm đầu tiên sang đây, biết được rằng phòng của tôi trong kí túc xá chưa có chăn gối vậy là dù cách đến 40km nhưng cô ấy đã lái xe từ nhà đến đón tôi đưa đi sắm sửa đồ đạc. Điều này đã làm tôi thấy ấm lòng vô cùng và khi tôi gửi tặng chiếc khăn trải bàn thêu họa tiết truyền thống của Việt Nam, cô ấy đã xúc động gần khóc. Mặc dù khá lớn tuổi nhưng cô ấy rất nhiệt tình, không chỉ trong công việc mà trong cuộc sống cô ấy giúp đỡ tôi nhiều thứ, giống như mẹ quan tâm đến con vậy. Cùng nhau đi uống café, ăn trưa, mời tôi đến nhà chơi, được gia đình cô chở đi chơi xa nữa… Những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống tôi thường tìm đến cô ấy, tâm sự mọi điều mà không ngại ngần và cách cô ấy chia sẻ, an ủi làm tôi rất xúc động.
Tuy nhiên có một điểm tôi rất thích ở người Anh chính là sự nghiêm túc, rõ ràng trong công việc, deadline luôn phải nộp đúng hạn, khi làm việc cùng nhau thì không để chuyện tình cảm phân tán.

Môi trường làm việc thuận lợi

Ở Manchester, một ngày của tôi thường bắt đầu bằng việc nghe radio trong vòng nửa tiếng, thói quen này có được là do tôi ở chung với anh bạn người bản địa, radio thường xuyên được bật. Tôi thấy đây là một thói quen tốt giúp mình nâng cao khả năng nghe, luyện được vốn từ vựng và còn nắm nhanh tin tức trong ngày.

 Khoảng thời gian từ 9h30 sáng đến 16h30 tôi dành cho việc nghiên cứu tại trường, MMU cấp cho những người học tiến sỹ như chúng tôi một căn phòng làm việc riêng (khoảng 5-6 người chung một phòng) với đầy đủ các thiết bị hỗ trợ như máy tính, máy in, máy photo, giá sách…
Tôi dành nhiều thời gian cho việc học tại thư viện, thư viện ở đây có số lượng đầu sách rất nhiều, tài liệu đa dạng đầy đủ, hầu hết những kiến thức cần thiết cho việc nghiên cứu tôi đều có thể tìm thấy ở đây.
Ngoài ra chúng tôi còn được cấp một thẻ gọi là liên thư viện, nhờ thẻ này tôi có thể đi vào tất cả các thư viện của trường Đại học, Viện nghiên cứu trên toàn nước Anh để tìm kiếm thông tin hoặc tôi cũng có thể yêu cầu mượn tài liệu từ một thư viện cách xa thành phố nơi tôi ở với chi phí chỉ 2 bảng/ lần.
Hơn nữa đa phần các tài liệu đều được đưa lên mạng Internet nên rất thuận tiện cho tra tìm, download, do vậy dù không phải di chuyển nhiều tôi vẫn có được thông tin cần thiết.
Vì được hỗ trợ đầy đủ như vậy nên những đề tài, kiến thức cần nghiên cứu tôi thường giải quyết ngay trên trường, buổi tối thường khá rảnh rỗi, tôi đi chơi bóng, xem phim hoặc tán gẫu với bạn bè, cuối tuần thì đi du lịch hoặc tham gia các lễ hội đường phố…
Nước Anh cho tôi rất nhiều cảm xúc, không chỉ mang lại những bài học kinh nghiệm trong công việc mà tôi còn thực sự học được cách kiểm soát bản thân mình,  tự lập hơn nhiều trong cuộc sống!
Điểm nóng
Học bổng hấp dẫn tại Đại học Northumbria, Anh Quốc

Nhiều lựa chọn cho Học sinh PTTH trong Triển lãm Du học Anh
Việc làm thêm của du học sinh tại Anh