Ấn Độ đặt kỳ vọng vào MiG-29 trong cuộc đối đầu với Hải quân TQ

12/05/2013 08:27
Đông Bình
(GDVN) - Là một quốc gia có nhiều tham vọng trên biển, Ấn Độ muốn dựa vào năng lực chiến đấu thực tế của các cụm chiến đấu tàu sân bay đối đầu với Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu MiG-29 Ấn Độ mua của Nga
Máy bay chiến đấu MiG-29 Ấn Độ mua của Nga

Ngày 11/5, tờ “Phương Đông” Trung Quốc dẫn nguồn tin từ tờ “Jane’s Defense Weekly” cho rằng, 16 máy bay chiến đấu hải quân MiG-29K Ấn Độ đặt mua của Nga sẽ chính thức được biên chế từ ngày 11/5/2013, trang bị cho tàu sân bay Vikramaditya mua của Nga (vốn là tàu sân bay Đô đốc Gorshkov).

Theo bài báo, tàu sân bay Vikramaditya sẽ đi vào hoạt động từ tháng 11/2013, có lượng giãn nước 44.750 tấn, có thể mang theo 24 máy bay hải quân MiG-29. Khi đó, sức mạnh tác chiến của Hải quân Ấn Độ sẽ được tăng cường rất lớn.

Liên tục mua MiG-29K

MiG-29K là một loại máy bay chiến đấu phiên bản cải tiến do Công ty máy bay MiG Nga chế tạo riêng cho Hải quân Ấn Độ. Trên thực tế, khi quyết định nhập tàu sân bay Đô đốc Gorshkov vào tháng 1/2004, Ấn Độ đã rất coi trọng máy bay hải quân MiG-29K. Khi đó, Ấn Độ quyết đoán từ bỏ máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng Yak-38 – loại máy bay vốn trang bị cho tàu sân bay Đô đốc Gorshkov.

Chính quyền New Delhi lập tức đặt mua 12 máy bay chiến đấu 1 chỗ ngỗi MiG-29K và 4 máy bay chiến đấu-huấn luyện 2 chỗ ngồi MiG-29KUB. Máy bay hải quân MiG-29K có thể cung cấp năng lực phòng không cho biên đội trên không, cũng có thể dùng để thực hiện nhiệm vụ tấn công trên mặt biển.

Ngoài ra, tháng 1/2010, Ấn Độ lại chi 1,5 tỷ USD, mua thêm 29 máy bay hải quân MiG-29K của Nga. 29 máy bay chiến đấu này sẽ biên chế cho Hải quân Ấn Độ trong thời gian vào năm 2015-2016.

Máy bay chiến đấu hải quân mới MiG-29K do Nga chế tạo
Máy bay chiến đấu hải quân mới MiG-29K do Nga chế tạo

Tuy nhiên, ngay từ ngày 17/5/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony có báo cáo cho rằng, trong tương lai sẽ máy bay hải quân MiG-29K mới do Nga chế tạo triển khai trên tàu sân bay Vikramaditya.

Vào trung tuần tháng 7/2012, nhà máy đóng tàu Phương Bắc Nga cho biết, một chiếc máy bay chiến đấu hải quân 2 chỗ ngồi MiG-29K đã hoàn thành hạ cánh nhanh lần đầu tiên tên tàu sân bay Vikramaditya. Khi đó, tàu sân bay này đang chạy thử ở biển Barents. Sau khi trải qua nhiều lần tiến hành bay theo hướng tàu sân bay, phi công của máy bay chiến đấu MiG-29K này cuối cùng đã hoàn thành hạ cánh tốc độ nhanh lần đầu tiên.

Tiền thân của tàu sân bay Vikramaditya là tàu sân bay Đô đốc Gorshkov của Hải quân Nga. Để máy bay chiến đấu MiG-29K có thể tiến hành cất cánh cự ly ngắn trên tàu sân bay, tàu sân bay này đã được cải tạo rất nhiều, đồng thời cũng đã trang bị hệ thống phòng không, hệ thống thông tin và hệ thống dẫn đường mới.

Tháng 11/2012, ông Sergei Korotkov, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty MiG cho biết, Quân đội Ấn Độ đã tiếp nhận 16 máy bay chiến đấu MiG-29K và máy bay huấn luyện MiG-29KUB, hơn nữa “những máy bay này luôn ở trong trạng thái hoạt động tốt”. Điều này đã đặt nền tảng tốt cho Hải quân Ấn Độ tiếp nhận nhiều máy bay chiến đấu hải quân MiG-29K hơn trong tương lai.

Chiếc máy bay chiến đấu MiG-29KUB đầu tiên Nga chế tạo cho Ấn Độ
Chiếc máy bay chiến đấu MiG-29KUB đầu tiên Nga chế tạo cho Ấn Độ

Đương đầu với Trung Quốc trên biển

Máy bay chiến đấu hải quân MiG-29K sở dĩ được Hải quân Ấn Độ quan tâm là do có liên quan chặt chẽ tới ưu thế của bản thân máy bay này.

Máy bay MiG-29K có năng lực dò tìm rất mạnh. Điều này chủ yếu là do máy bay này đã lắp thiết bị tiên tiến (mức độ đổi mới đạt 80%), đồng thời trang bị hệ thống điện tử hàng không tổng hợp hoàn thiện. Chẳng hạn, radar đa năng xung-doppler Zhuk-ME của máy bay MiG-29K có thể đồng thời hoạt động với hai mô hình không đối không và không đối đất.

Do đã áp dụng bộ xử lý tín hiệu hoàn toàn số hóa, radar này không ngững có thể đồng thời theo dõi 20 mục tiêu và dẫn đường tấn công 4 mục tiêu nguy hiểm nhất trong số đó, hơn nữa còn có năng lực hoàn toàn mới trong việc theo dõi địa hình và bắt được mục tiêu.

Vì vậy, máy bay hải quân MiG-29K trang bị cho tàu sân bay có thể giúp cho tàu sân bay phát hiện các mục tiêu tốt hơn trong trường hợp khẩn cấp và nhanh chóng đưa ra phản ứng với các mối đe dọa.

Máy bay MiG-29K có tính cơ động nổi trội và độ nhạy cảm cao, có năng lực chiến đấu trên không cự ly gần mạnh. Ngoài ra, máy bay MiG-29K mới còn kết hợp công nghệ hoàn thiện hiện nay, đã áp dụng một phần công nghệ tàng hình, như ở những vị trí quan trọng trên bề mặt của thân máy bay có lớp sơn hấp thu sóng radar, làm cho diện tích phản xạ radar đạt khoảng 2 m2, đã giảm 75-80% so với máy bay MiG-29 cũ.

Buồng lái máy bay chiến đấu hải quân MiG-29KUB
Buồng lái máy bay chiến đấu hải quân MiG-29KUB

Lượng nhiêu liệu mang theo bên trong của máy bay MiG-29K mới đã tăng lên, lắp động cơ phản lực mới có lực đẩy tương đối lớn, vì vậy hành trình xa hơn, bán kính tác chiến lớn hơn.

Lượng nhiên liệu tối đa bên trong của máy bay MiG-29K mới đã lên tới 5.240 kg, so với dòng MiG-29 phiên bản sớm và MiG-29K cũ, lần lượt tăng 49% và 14,9%, đồng thời lượng tiêu hao nhiên liệu tiếp tục giảm xuống.

Hành trình tối đa của MiG-29K mới đạt 3.000 km, bán kính tác chiến trên 1.000 km. Lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội của động cơ đạt 9.000 kg, có thể bảo đảm cho máy bay cất cánh kiểu nhảy cầu ở đường băng tàu sân bay dài 195 m với trọng lượng cất cánh tối đa.

MiG-29 sau cải tiến vẫn sử dụng thân máy bay trước đây, nhưng thân máy bay nhẹ hơn. Để thực hiện yêu cầu tận dụng tối đa không gian đường băng tàu sân bay của Ấn Độ, sau khi gập cánh thân máy bay, kích cỡ thân máy bay hải quân mới sẽ nhỏ hơn. Hơn nữa, trục xoay gập cánh của MiG-29K mới sẽ di chuyển vào bên trong, làm cho không gian đường băng chiếm dụng của máy bay tiếp tục giảm đi.

Ngoài ra, do chủng loại vũ khí trang bị cho máy bay nhiều, máy bay chiến đấu hải quân MiG-29K mới có thể thực hiện nhiệm vụ rộng mở hơn. Máy bay MiG-29K mới có 8 điểm treo bên ngoài, khi thực hiện nhiệm vụ không chiến thì có thể sử dụng 8 phương án treo ngoài điển hình, vũ khí chính là tên lửa tầm trung và tên lửa chiến đấu cự ly gần; còn khi thực hiện nhiệm vụ tấn công đối hải, đối đất thì có thể áp dụng 25 phương án treo ngoài điển hình, vũ khí chính gồm tên lửa chống hạm, tên lửa bức xạ và bom dẫn đường.

Ngoài ra, hệ thống điều khiển hỏa lực còn tương thích với vũ khí đối không, đối hải của các nước phương Tây.

Tàu sân bay INS Vikramaditya Ấn Độ
Tàu sân bay INS Vikramaditya Ấn Độ

Sau khi máy bay MiG-29K mới được xác định thành máy bay chiến đấu hải quân chủ lực của 2 tàu sân bay tiếp theo của Ấn Độ là INS Vikramaditya và INS Vikrant, Hải quân Ấn Độ (lực lượng luôn có tham vọng đối với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương) sẽ dựa vào khả năng răn đe của 2 cụm chiến đấu tàu sân bay, so tài sức mạnh chiến đấu với Hải quân Trung Quốc.

Đông Bình