Chiều 30/5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 5/2018.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Phương – Phó giám đốc trung tâm công nghệ thông tin cho biết, tính đến hết ngày 31/5/2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13,79 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 240 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp là 11,6 triệu người; bảo hiểm y tế là 81,3 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số.
Trong tháng toàn ngành thu 24.352 tỷ đồng, lũy kế hết tháng 5/2018 toàn Ngành thu 121.100 tỷ đồng, đạt 36,7% kế hoạch cả năm; trong đó: thu bảo hiểm xã hội là 83.615 tỷ đồng, thu bảo hiểm thất nghiệp là 5.631 tỷ đồng, thu bảo hiểm y tế là 31.852 tỷ đồng.
Phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng thông tin, trong tháng, toàn Ngành đã giải quyết 10.125 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; 85.117 người hưởng trợ cấp 1 lần; 858.380 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Lũy kế 5 tháng đầu năm đã giải quyết 49.765 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; giải quyết 296.916 người hưởng trợ cấp 1 lần; 3.954.791 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Trong tháng, cả nước có khoảng 15,3 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; lũy kế 5 tháng đầu năm có 70,6 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 72.164 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 2.797 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, giải quyết cho 205.894 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 11.528 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.
Đáng chú ý, tháng 5 toàn Ngành thực hiện chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 29.143 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 5/2018, số chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp toàn Ngành là 122.509 tỷ đồng, đạt 41,62% kế hoạch cả năm.
Trong đó chi bảo hiểm xã hội từ nguồn Ngân sách 18.472 tỷ đồng, chi bảo hiểm xã hội từ Quỹ bảo hiểm xã hội 62.871 tỷ đồng, chi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp 2.892 tỷ đồng và ước chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 38.272 tỷ đồng.
Ông Mai Đức Thắng cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đưa ra một số giải pháp, điều chỉnh một số chính sách chưa phù hợp để khuyến khích, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: Vũ Phương |
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp, phải chăng chính sách bảo hiểm xã hội chưa đủ hấp dẫn người dân.
Về việc này, ông Mai Đức Thắng – Phó Trưởng Ban thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: “Về triển khai giải pháp đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện đã triển khai được 10 năm.
Theo thống kê số lượng người đang tham gia và đã nghỉ hưu mới trên 300 ngàn người. Con số này là rất ít”.
Ông Mai Đức Thắng cho biết nguyên nhân: “Do điều kiện lao động phi chính thức, ở vùng nông thôn không ổn định, thu nhập thấp, hơn nữa người dân chưa có thói quen tham gia bảo hiểm tự nguyện. Có thể do chính sách bảo hiểm xã hội chưa hấp dẫn người dân.
Thực tế, chế độ bảo hiểm xã hội phải 20 năm mới được hưởng, người dân đã tính toán. Bởi vậy, chính sách bảo hiễm xã hội tự nguyện cần phải điều chỉnh, có thể giảm thời gian hưởng xuống thấp hơn nữa xuống 15 năm, xa hơn nữa xuống 10 năm.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đưa ra một số giải pháp, trong đó tích cực đề nghị các địa phương và đề nghị Thủ tướng xem xét giao chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện cho lãnh đạo các tỉnh và các tỉnh lại giao cho cấp huyện.
Bên cạnh đó, kiến nghị điều chỉnh một số chính sách chưa phù hợp, làm sao người dân thích, có lợi nhiều hơn.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực tuyên truyền, đối thoại bảo hiểm tự nguyện tại xã, phường, thôn bản, có dùng hệ thống loa truyền thanh vào trưa tối.. để thấy được lợi ích của bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mở rộng mạng lưới thu ở các tỉnh, thành phố, ít nhất mỗi thôn bản có một nhân viên thu để thuận tiện nhất cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện".