Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ủy ban Quốc gia về trẻ em.
Thông báo kết luận nêu rõ, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước chỉ đạo và có sự phối hợp trong triển khai thực hiện của tất cả các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo ra môi trường sống an toàn lành mạnh cho trẻ em, điều kiện tốt nhất để trẻ em thực hiện 4 nhóm quyền cơ bản của mình đó là quyền được sống, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành là thành viên Ủy ban quốc gia rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phù hợp với quy định của Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.
Các em thiếu nhi vẽ tranh với chủ đề bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục - Ảnh: Minh Châu/ Báo Điện tử Đảng Cộng sản. |
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các biện pháp để bảo vệ trẻ em, chỉ đạo phân bổ, lồng ghép nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về trẻ em giai đoạn 2016-2020, thực hiện công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và những khuyến nghị của Ủy ban quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc đối với báo cáo thực hiện Công ước, điều ước quốc tế có liên quan đến trẻ em mà Việt Nam tham gia.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp tiếp nhận thông tin trực tiếp từ Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em (111) và tham gia phát triển, hộ trợ các trường hợp trẻ em có nguy cơ hoặc bị bạo lực, xâm hại; phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ trẻ em.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về các biện pháp bảo vệ trẻ em, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ở địa phương.
Đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em và thực hiện quyền trẻ em.
Các cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về trẻ em có trách nhiệm cung cấp các thông tin, tài liệu, điều kiện cần thiết để các thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em thực hiện tốt nhiệm vụ của mình đối với các vấn đề liên quan đến trẻ em và thực hiện quyền trẻ em.