Vấn đề xử lý những sự cố sau vụ Formosa xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường biển của 4 tỉnh miền Trung một lần nữa được đặt ra tại phiên chất vấn ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chiều 15/11.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt vấn đề: Cử tri Quảng Bình ghi nhận và đánh giá cao những giải pháp tích cực của Quốc hội, của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giải quyết hậu quả của Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp-Formosa gây ra.
Cử tri Quảng Bình cũng rất cảm ơn cử tri và nhân dân cả nước đã chia sẻ với Quảng Bình trong sự cố Formosa và tình hình bão lụt vừa qua.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân Quảng Bình băn khoăn và không chỉ cho thế hệ hiện tại mà trong cả thế hệ tương lai với sự cố Formosa.
Vậy, với trách nhiệm của mình Bộ trưởng hãy cho biết những cơ sở nào để đảm bảo tính vững chắc của Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp-Formosa sắp tới sẽ không gây ô nhiễm môi trường để tạo niềm tin cho nhân dân trong thời gian tới?
Làm rõ vấn đề này, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đây là một nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Chính phủ và các địa phương đặc biệt quan tâm.
“Chúng ta đã dồn hết sức để giải quyết những vấn đề do sự cố gây ra cũng như quan tâm đến đời sống của người dân ở đây trước mắt và lâu dài”, ông Hà nói.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ông Trần Hồng Hà tại phiên chất vấn chiều 15/11. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đối với Formosa thì Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Trong giai đoạn sau khi xác định được các vi phạm của Formosa, chỉ ra các nguyên nhân cũng như các nguồn gây ô nhiễm và có tiềm năng gây ra sự cố môi trường thì chúng ta đã xác định rất rõ, đặc biệt tập trung vào ba nhóm, đó là nhóm liên quan đến nước thải, khí thải và chất thải rắn.
Các vi phạm liên quan đến vấn đề công nghệ sản xuất, quy trình và công nghệ xử lý... đã thấy rất rõ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập một Hội đồng liên ngành gồm các nhà khoa học của các viện có uy tín trong cả nước để cùng nhau xem xét và đánh giá kế hoạch để yêu cầu phía doanh nghiệp phải có các biện pháp khắc phục và lộ trình xử lý cụ thể.
Trong quá trình Formosa khắc phục, thực hiện kế hoạch này chúng ta có một tổ công tác do Viện hàn lâm khoa học công nghệ trực tiếp phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành một ban theo dõi và giám sát 24/24, giám sát liên tục về chất lượng nước thải, khí thải cũng như giám sát và quản lý lượng chất thải rắn và chất thải nguy hại của Formosa thải ra.
“Đối với biện pháp xử lý, chúng tôi đặt ra các yêu cầu và quy định phải đáp ứng. Nếu tiêu chuẩn Việt Nam chưa có thì áp dụng tiêu chuẩn cao nhất và thông lệ quốc tế.
Chúng tôi tập trung vào công nghệ xử lý đối với nước thải, tất cả khâu từ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và nước thải sinh hóa phát sinh ra từ nguồn thải từ nhà máy điện và luyện cốc hoặc khu vực khác như cảng của Formosa đều được xem xét và có quy trình xử lý cụ thể.
Đồng thời, kèm theo luôn luôn tính toán nếu xảy ra sự cố thì có các biện pháp để phòng ngừa sự cố, tức là có hồ để ứng phó sự cố.
Tất cả các nguồn thải, các thông số thải được kiểm soát chặt chẽ bằng các thiết bị tự động, quan trắc đầy đủ thông số và chuyển thẳng về cho cơ quan quản lý nhà nước ở Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường”, ông Hà thông tin.
Để đáp ứng được các yêu cầu đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đã tính toán có một số tồn tại về công nghệ sản xuất trong giai đoạn từ nay đến 2018 Formosa mới hoàn thành. Cơ quan quản lý nhà nước đã yêu cầu phải đảm bảo nghiêm túc theo đúng quy trình xử lý chất thải.
“Phía cuối đường ống có một hồ chỉ thị sinh học rộng trên 10 ha, tại đó được giám sát chất lượng để đáp ứng được quy chuẩn về môi trường, kèm theo các quy chuẩn được đặt ra với yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Chúng tôi áp dụng các quy chuẩn như Hàn Quốc đối với nguồn thải cuối cùng.
Nước thải vừa có ý nghĩa xử lý, kể cả sau này hồ chỉ thị sinh học tiếp tục xử lý sinh học, nhưng đồng thời trong hồ đó chúng tôi đã yêu cầu thả cá, trồng các loại thực vật ngập mặn như là chỉ thị để trước khi nguồn nước thải Formosa thải ra môi trường có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Có thể nói các quy trình và yêu cầu công nghệ xử lý đối với Formosa chúng ta đã thống nhất tích cực thực hiện với tinh thần đảm bảo xây dựng nhà máy đảm bảo an toàn đối với môi trường và có thể duy trì lâu dài không xảy ra sự cố và có thể phát triển bền vững ở địa phương”, ông Hà cho biết.
Thay mặt Chính phủ làm việc với một số địa phương tại miền Trung vào đầu tháng 11/2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đền bù, hỗ trợ thiệt hại đối với ngư dân miền Trung sau sự cố ô nhiễm môi trường biển. ảnh: vgp. |
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ quy trình hoạt động của Formosa
Để nâng cao hiệu quả kiểm soát tốt hơn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay đang thực hiện việc thiết kế một hệ thống giám sát một cách toàn diện vấn đề môi trường biển đối với các địa phương này.
Hệ thống này sẽ giám sát tự động tất cả các thông số và có thể hoàn toàn kiểm soát được các nguồn thải của Formosa từ khi thải cho đến nước thải.
Riêng ở Formosa hiện nay một vấn đề có thể nói đang được dư luận quan tâm đó là vấn đề về chất thải rắn và các bùn thải nguy hại.
“Hiện nay, chúng tôi đã yêu cầu Formosa trong thời gian chưa ký hợp đồng để chuyển các loại chất thải này đối với các doanh nghiệp có đầy đủ năng lực và điều kiện để xử lý thì được lưu giữ trong kho theo đúng các quy định hiện nay về quản lý chất thải công nghiệp cũng như đối với chất thải nguy hại.
Đồng thời, chúng tôi đã phối hợp với Hà Tĩnh để thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp cũng như chất thải nguy hại ở đây.
Như tôi đã biết, hiện nay đối với bùn thải cũng như chất thải công nghiệp phía Formosa đã có hợp đồng ký kết với một doanh nghiệp xử lý trong việc lưu trữ chất thải nguy lại cũng như trong vấn đề xử lý chất thải công nghiệp.
Đối với xỉ tro bay cũng như xỉ đáy trên thế giới coi đây chính là một loại vật liệu có thể thay thế vật liệu xây dựng.
Bởi vậy, chúng tôi đã yêu cầu Formosa tìm các đối tác để có thể thương mại hoặc có thể chuyển các chất thải này thực chất có thể nói là loại nguyên liệu có thể tái chế và để làm trong phụ gia xi măng hoặc vật liệu xây dựng.
Chúng tôi đề nghị Bộ Xây dựng trong thời gian sắp tới sớm có sự phối hợp để ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về vật liệu xây dựng để các chất thải rắn của Formosa như tro bay, xỉ than, xỉ đáy của Formosa có thể được trở thành thương mại và vận chuyển, kinh doanh một cách bình thường”, ông Hà cho biết.
Về quy trình cũng như cách thức quản lý, vận hành của Formosa đối với các hệ thống xử lý chất thải, ông Trần Hồng Hà khẳng định: "Phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14000 để đảm bảo tất cả các khâu trong quá trình hoạt động luôn được kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ để trong thời gian tới hoạt động Formosa có thể đảm bảo không gây ô nhiễm và giảm đến tối đa tất cả những khả năng có thể gây ra sự cố môi trường".