Phải tốt nghiệp đại học chính quy mới bổ nhiệm
Thông tin tỉnh Quảng Ngãi loại khỏi quy hoạch tất cả những người sinh từ 1976 tới nay chưa có bằng đại học chính quy gây nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian gần đây.
Trước đó, ngày 15/9/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định số 61/2017/QĐ-UBND về quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó phòng (quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2017).
Theo đó, người được bổ nhiệm "phải có trình độ đại học trở lên theo chuyên ngành, chuyên môn phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí, chức danh bổ nhiệm", cụ thể:
"Trưởng, phó phòng và tương đương thuộc sở ban ngành, sinh từ năm 1965 đến 1975 tốt nghiệp đại học hệ chính quy.
Trường hợp tốt nghiệp đại học không chính quy thì phải có quá trình công tác và năng lực thực tiễn vượt trội.
Có uy tín và phẩm chất đạo đức tốt, được đơn vị tín nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ba năm liền kề gần nhất, có thể xem xét bổ nhiệm lần đầu.
Các trường hợp sinh từ sau năm 1975 trở đi phải tốt nghiệp đại học chính quy.
Cán bộ tốt nghiệp đại học tại chức sẽ bị hạn chế rất nhiều trong việc bổ nhiệm ở vị trí cao hơn. Ảnh minh họa đăng trên Báo Lao động. |
Trưởng, phó phòng cấp huyện sinh năm 1965 trở về sau tốt nghiệp đại học chính quy.
Trường hợp sinh năm 1965 đến năm 1975 tốt nghiệp đại học không phải chính quy thì phải có quá trình công tác và năng lực thực tiễn vượt trội.
Có uy tín và phẩm chất đạo đức tốt, được đơn vị tín nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ba năm liền kề gần nhất, có thể xem xét bổ nhiệm lần đầu (trừ chức danh Trưởng phòng giáo dục và đào tạo).
Trường hợp sinh năm 1976 trở về sau tốt nghiệp đại học không chính quy thì phải có quá trình công tác và năng lực thực tiễn vượt trội.
Có uy tín và phẩm chất đạo đức tốt, được đơn vị tín nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ba năm liền kề gần nhất, có thể xem xét bổ nhiệm lần đầu.
Thông tin trên ngay lập tức gây ra nhiều phản ứng trái chiều từ phía dư luận.
Có luồng dư luận ủng hộ quan điểm của tỉnh Quảng Ngãi trong việc tuyển chọn, nâng cao chất lượng cán bộ trong hệ thống bộ máy công quyền.
Ngược lại có người lại cho rằng, việc đưa ra quy định nói trên là chưa phù hợp bởi, có trường hợp cán bộ học đại học tại chức nhưng năng lực và hiệu quả làm việc rất tốt.
Tuy nhiên họ không được quy hoạch, bổ nhiệm vì vướng quy định trên.
Bằng đại học chính quy tốt hơn đại học tại chức
Giải thích về quy định về tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó phòng vừa được tỉnh Quảng Ngãi ban hành, hôm 22/11, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ theo quy định sẽ có lợi cho tỉnh chứ không có hại.
"Trước hết nó hạn chế rất nhiều được tình trạng con ông cháu cha năng lực kém nhưng vẫn lọt vào bộ máy công quyền.
Tôi thấy nhiều trường hợp là con lãnh đạo học không chính quy và năng lực không cao nhưng vẫn lọt cửa.
Do vậy, quy định này có thể chặn được tình trạng tuyển dụng, bổ nhiệm con ông cháu cha (chỉ những người chưa xứng đáng) lọt vào bộ máy công quyền.
Việc lựa chọn người tốt nghiệp đại học chính quy để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh sau này.
Thậm chí nếu cán bộ đã có bằng thạc sĩ nhưng trước đó bằng tốt nghiệp đại học tại chức, chúng tôi cũng không bổ nhiệm.
Quan trọng hơn, về lâu dài việc làm này đáp ứng được yêu cầu hội nhập, trước mắt là đáp ứng được đề án cải cách hành chính của Chính phủ
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, cán bộ cấp trưởng phòng trở lên là phải có trình độ đại học chính quy", ông Dụng cho biết.
Ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi. Ảnh: quangngai.gov.vn. |
Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng, việc tỉnh Quảng Ngãi đưa ra quy định nêu trên là thiếu công bằng với người tốt nghiệp đại học tại chức.
Bởi, có trường hợp cán bộ học đại học tại chức nhưng năng lực và hiệu quả làm việc rất tốt.
Về việc này, ông Dụng giải thích: "Chê hay không thì anh cứ so sánh người có trình độ người học tại chức và người được đào tạo chính quy thì biết liền.
Người ta thi vào đại học hệ chính quy với mức điểm từ 20 đến 25 điểm mới đậu, còn tại chức thì đầu vào không ổn. Còn thạc sỹ bây giờ cũng nhiều loại, không biết đường nào mà lần cả.
Bản thân tôi đã học đại học chính quy năm 1980, sau đó thử đi học lớp đại học tại chức để đưa ra so sánh giữa việc học tại chức và học chính quy.
Kết quả là sinh viên được đào tạo ở hai hệ đào tạo này khác nhau một trời một vực.
Tôi khẳng định có trường người học tại chức vẫn giỏi, nhưng thực tế con số đó quá ít.
Tỷ lệ khoảng 1/1000 (1000 người tốt nghiệp tại chức chọn được 1 người có năng lực tốt)", ông Dụng nói.
Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi cho biết thêm, đối với những trường hợp đã được bổ nhiệm trước khi văn bản nói trên có hiệu lực thì hết nhiệm kỳ sẽ không được bổ nhiệm lại nữa. Đồng nghĩa với việc, đơn vị có thẩm quyền sẽ bổ nhiệm người thay thế.
Còn sau khi văn bản này có hiệu lực về mặt pháp luật, nhưng cơ quan, ban ngành vẫn thực hiện bổ nhiệm người chưa đủ điều kiện (chưa có bằng đại học chính quy) thì Sở Nội vụ sẽ thanh tra và kiến nghị Chủ tịch tỉnh hủy quyết định bổ nhiệm.
Vị Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi tiết lộ, để chuẩn bị cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ tới, tỉnh đã loại khỏi quy hoạch tất cả những người sinh từ 1976 tới bây giờ mà chưa tốt nghiệp đại học chính quy, kể cả những người học tại chức nhưng đã có bằng thạc sĩ.
"Cán bộ sinh thời điểm này trở về sau lớn lên trong điều kiện đất nước đã hòa bình, độc lập và phát triển thì không có lý do gì để phải đi học đại học tại chức", ông Dụng nói.