Cán bộ vướng vào lao lý thì người giới thiệu nhân sự không thể vô can

12/12/2018 06:36
Trinh Phúc
(GDVN) - “Người giới thiệu nhân sự phải lấy uy tín chính trị của mình để bảo lãnh, nếu người được giới thiệu đi vào vòng lao lý thì phải chịu trách nhiệm".

Hiện nay các bộ, ngành, địa phương đang chuẩn bị công tác nhân sự cho đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ (2021 – 2026).

Để nâng cao chất lượng cán bộ, tránh trường hợp người được giới thiệu nắm các chức vụ quan trọng trong Đảng, nhà nước nhưng sau đó phát hiện có vi phạm pháp luật, rồi bị xử lý hình sự, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm người giới thiệu, tổ chức giới thiệu với người được giới thiệu.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn).
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn).

Theo ông Lê Như Tiến, việc ràng buộc trách nhiệm người giới thiệu nhân sự không phải chỉ là nhân sự ban chấp hành trung ương mà kể cả khi giới thiệu vào ban chấp hành đảng bộ tỉnh hay giới thiệu người ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân cũng cần phải ràng buộc trách nhiệm.

Cá nhân, tổ chức nào giới thiệu nhân sự vào các chức danh của Đảng, nhà nước, đều phải gắn với trách nhiệm của họ để đảm bảo nhân sự được giới thiệu đảm đương được nhiệm vụ.

Cán bộ vướng vào lao lý thì người giới thiệu nhân sự không thể vô can ảnh 2Giới thiệu nhân sự mà đưa cả đệ tử điếu đóm vào thì chỉ có phá hoại thôi!

Ông Lê Như Tiến ví dụ trước đây, ở Hà Nội trường hợp bà Châu Thị Thu Nga được giới thiệu làm đại biểu Quốc hội nhưng cuối cùng lại là người lừa đảo bất động sản, chiếm dụng hàng trăm tỉ đồng của người mua nhà;

Các trường hợp Ủy viên Trung ương Đảng như Tất Thành Cang, Nguyễn Xuân Anh, Đinh La Thăng đã bị xử lý kỷ luật... đó là chuyện buồn.

Để tránh những sai phạm như vậy cần thiết quy định ràng buộc trách nhiệm người giới thiệu, tổ chức giới thiệu phải liên đới chịu trách nhiệm.

Ông Lê Như Tiến nêu ý kiến: “Những người giới thiệu phải có trách nhiệm, lấy uy tín chính trị của mình để bảo lãnh cho nhân sự mình giới thiệu.

Khi người được giới thiệu không hoàn thành nhiệm vụ, đi vào vòng lao lý thì bản thân người giới thiệu phải chịu trách nhiệm. Cần phải rõ ràng minh bạch như vậy”.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội: “Cần phải ban hành các văn bản quy phạm để điều chỉnh mối quan hệ này. Theo đó, ở bên Đảng thì cụ thể hóa bằng các văn kiện của Đảng.

Bên nhà nước thì cần luật hóa trong các văn bản cụ thể như trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân… bên Đảng phải đưa vào điều lệ Đảng và các quy định khác…”.

Ông Lê Như Tiến minh chứng, chúng ta thấy rằng các trường hợp cán bộ của thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng bị kỷ luật, thậm chí bị khởi tố hình sự thì cũng cần phải làm rõ ai là người giới thiệu những vị này.

Cán bộ vướng vào lao lý thì người giới thiệu nhân sự không thể vô can ảnh 3Bà Bùi Thị An: Công khai người giới thiệu để tránh kẻ cơ hội chui sâu, leo cao

“Nếu cá nhân giới thiệu thì cá nhân chịu trách nhiệm mà tổ chức giới thiệu thì tổ chức chịu trách nhiệm.

Chúng ta không thể để việc giới thiệu mà không cần biết đến lịch sử hay nhân thân của người được giới thiệu như thế nào” – ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Qua thực tiễn cho thấy do thiếu trách nhiệm trong việc đề cử, tiến cử, cho nên lọt lưới không ít trường hợp, sau này phát hiện ra không ít trường hợp không đủ tiêu chuẩn, nhân sự đó chất lượng không cao, có những trường hợp vi phạm nghiêm trọng trước đó có những hành vi vi phạm pháp luật ở mức tội phạm”.

Ông Vân đánh giá: “Điều đó chứng tỏ, người mà giới thiệu, hoặc tập thể giới thiệu hoặc là vô trách nhiệm, không gắn với trách nhiệm của mình trong việc đề cử nhân sự cho Đảng, cho nhà nước.

Khả năng thứ hai là biết nhưng cố đưa người vào để sau này bảo vệ lợi ích cho mình, trục lợi quyền lợi cho mình nên cố tình đưa vào, mượn bàn tay tập thể để hợp thức hóa.

Cho dù khả năng nào thì cũng liên quan đến trách nhiệm người tiến cử. Trường hợp thứ nhất là thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử nhân sự cho Đảng và nhà nước. Trường hợp thứ 2 là cố ý.

Do đó, cần phải quy định trách nhiệm để ràng buộc cái trách nhiệm của cả cá nhân và tập thể đối với nhân sự mà họ tiến cử để chịu trách nhiệm trước Đảng, nhà nước và nhân dân”.

Trước ý kiến cho rằng cần công khai người giới thiệu để giám sát thì vị Ủy viên thường trực, ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội này cho rằng: “Công khai người giới thiệu vì không có gì bí mật cả. Người giới thiệu hoàn toàn có thể công khai.

Tiến cử nhân tài thời xưa cha ông ta đã làm mãi. Các triều đại hưng thịnh thì việc tiến cử nhân tài trở thành một cái lễ nghi có tính chất rất trang trọng.

Trách nhiệm người tiến cử hiền tài cho quốc gia nó vinh quang lắm, được trọng thưởng khi giới thiệu người hiền tài và bị trừng phạt khi tiến cử sai người”.

Trinh Phúc