LTS: Hiểm họa lớn nhất của mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Quảng Nam) hiện nay là hàng trăm con người từ khắp các nơi đổ về đào đãi vàng trái phép trong những hầm lò sâu hun hút, dễ đổ sập xuống bất cứ lúc nào.
Cùng với đó là các tệ nạn xã hội, buôn bán vận chuyển chất nổ, chất độc, cướp vàng, tranh giành lãnh địa…
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ có loạt bài phản ánh về tình trạng này.
“Cánh đồng vàng” vô chủ
Dù nằm sâu hun hút giữa những đỉnh núi nhưng Bồng Miêu đã được tìm thấy và khai thác từ hàng trăm năm trước. Đến thời Pháp thì nơi đây đã là mỏ vàng của chế độ thực dân với nhiều hầm lò đâm xuyên, xẻ dọc vào lòng núi.
Đường dẫn vào mỏ vàng Bồng Miêu được khóa kín, chỉ còn một vài người ở lại bảo vệ sau khi công ty này nợ nần đầm đìa. Ảnh: TT |
Dọc theo con đường nhựa dẫn vào khu vực mỏ, những phế tích của một thời hoàng kim vẫn còn hiển hiện.
Vùng đất này cách đây hơn 10 năm khá nhộn nhịp, tấp nập xe cộ vào ra khi Công ty vàng Bồng Miêu, một liên doanh góp vốn giữa hai công ty Việt Nam (chiếm 20%) và một công ty của Úc (chiếm 80%) cho ra lò những thỏi vàng đầu tiên.
Theo đó, tổng diện tích khu vực khai thác là 385 hecta gồm 230 hecta khai thác lộ thiên, 100 hecta khai thác hầm lò và 28 hecta bãi thải. Công suất khai thác là 180.000 tấn quặng/năm (hàm lượng vàng trung bình 2,8 g/tấn quặng).
Hai công ty vàng lớn nhất nước nợ hơn 430 tỷ đồng tiền thuế |
Khi nhà máy tuyển luyện vàng với dây chuyền khai thác, sản xuất vàng theo công nghệ hiện đại đi vào hoạt động, nhiều tấn vàng thành phẩm được xuất đi. Kéo theo đó là hàng ngàn công nhân từ các nơi đổ về khiến một xã vùng núi trở nên sầm uất.
Theo ông Nguyễn Tấn Hòa – Bí thư Đảng ủy xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam), thời hoàng kim đó kéo dài không lâu thì từ cuối năm 2013, nhà máy bắt đầu “báo lỗ” với những khoản nợ lên đến hàng tỷ đồng. Nhà máy hoạt động kiểu cầm chừng, nợ lương, nợ bảo hiểm người lao động, phải đóng cửa.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác vàng tại tỉnh Quảng Nam thì từ tháng 5/2012 đến nay, công ty vàng Bồng Miêu chậm nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu, thuế giá trị gia tăng. Tổng số tiền thuế nợ của công ty lên đến 95,8 tỷ đồng.
Cục thuế tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản, quyết định cưỡng chế, phong tỏa tài khoản, đề nghị Ủy ban nhân tỉnh không gia hạn giấy chứng nhận đầu tư.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, công ty này cũng đã nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép khai thác tại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhưng không được chấp nhận gia hạn.
Đồng thời, phía Bộ đã có văn bản yêu cầu công ty vàng Bồng Miêu chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác vàng trong diện tích khu vực khai thác, thực hiện đóng cửa mỏ.
Đến tháng 9/2016, công ty đã dừng toàn bộ hoạt động khai thác, chế biến, duy trì lực lượng bảo vệ phương tiện, thiết bị, công trình khai thác và khoảng sản chưa khai thác thuộc phạm vi quản lý.
Ngay sau khi mỏ vàng Bồng Miêu dừng hoạt động khai thác, trong khu vực mỏ đã xảy ra tình trạng khai thác trái phép tại nhiều nơi, diễn ra công khai, thách thức các cơ quan quản lý nhà nước.
“Sau khi công ty vàng đóng cửa, tình hình an ninh trật tự ở khu mỏ rất phức tạp. Dân tứ xứ khắp nơi đổ về đào đãi vàng trái phép. Nảy sinh đủ thứ tệ nạn từ hút chích, ma cô, trấn lột…”, ông Hòa cho biết.
Để giải quyết tình trạng vô chủ của cánh đồng vàng, từ tháng 5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Thủ tướng giao cho tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện tái cơ cấu công ty vàng Bồng Miêu theo hướng các doanh nghiệp trong nước chiếm cổ phần chi phối.
Mục tiêu là duy trì thương hiệu vàng đã có, tạo điều kiện để công ty trả các khoản nợ cho nhà nước cũng như các đối tác.
Trên cơ sở tái cơ cấu doanh nghiệp, giấy phép khai thác mỏ vàng Bồng Miêu sẽ được cấp lại theo quy định hiện hành của pháp luật về khoáng sản.
Trường hợp không thể tái cơ cấu doanh nghiệp đối với công ty vàng Bồng Miêu, Bộ này đề nghị sớm xem xét, lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực để lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác tại mỏ.
Tránh tình trạng tạo nên khoảng trống trong công tác bảo vệ khoáng sản vàng chưa khai thác tại mỏ, ngăn chặn có hiệu quả nạn khai thác vàng trái phép tại mỏ thời gian qua.
Kiến nghị chấm dứt hoạt động vĩnh viễn công ty vàng Bồng Miêu
Trước những hệ lụy do tình trạng vô chủ ở khu mỏ vàng, ông Hòa cho hay, giải pháp căn bản để dẹp các tệ nạn là mỏ vàng này phải có chủ.
Bãi thải của công ty vàng Bồng Miêu đang được một doanh nghiệp đào xới trở lại để bòn vàng. Ảnh: TT |
Sau đó là phải có phương án khai thác và quản lý sao cho tốt, không để tái diễn trường hợp như công ty vàng Bồng Miêu. “Đã đào vàng mang đi bán mà còn kêu lỗ, nợ nần”, ông Hòa nói.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam thì chính quyền địa phương không đồng ý gia hạn giấy phép khai thác mỏ và không thống nhất việc tái cơ cấu công ty vàng Bồng Miêu.
Hai công ty vàng lớn nhất Việt Nam ngừng hoạt động |
Việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại mỏ vàng Bồng Miêu chỉ thực sự hiệu quả khi có một doanh nghiệp được cấp phép đứng ra tổ chức khai thác và quản lý mỏ.
Việc lựa chọn doanh nghiệp cấp phép khai thác vàng tại mỏ Bồng Miêu chỉ thực hiện sau khi công ty vàng Bồng Miêu đã thực hiện xong các thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, đất đai và bàn giao diện tích cho địa phương quản lý.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện việc việc tổ chức lựa chọn đơn vị có đủ năng lực để lập và thực hiện đề án đóng cửa mỏ đối với mỏ vàng Bồng Miêu.
Trong khi đó, phía Ủy ban nhân dân huyện Phú Ninh cũng đã nhiều lần có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị đóng cửa mỏ, chấm dứt hoạt động vĩnh viễn của công ty vàng Bồng Miêu, lập thủ tục phá sản theo quy định.
Kiểm tra, xử lý việc di dời tẩu tán tài sản của công ty theo báo cáo của Công an huyện Phú Ninh.
Những ngày này, khi “cánh đồng vàng” Bồng Miêu vô chủ thì vẫn có hàng trăm hầm lò đào đãi vàng trái phép hoạt động. Nhiều nơi còn có doanh nghiệp vào khoanh vùng, công khai đưa nhân công, phương tiện vào làm vàng.
(Còn nữa)