Chuyến công du cuối cùng của Barack Obama: trấn an thế giới

14/11/2016 10:47
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu chỉ để "trấn an" lãnh đạo các nước đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, có lẽ ông Obama cũng chẳng thể làm được gì hơn, thậm chí càng gây thêm lo lắng.

The Wall Street Journal ngày 13/11 đưa tin, sau chiến thắng "khó chịu" của đảng Cộng hòa, chuyến công du cuối cùng của Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama mang một ý nghĩa khác các chuyến công cán trước đây: trấn an thế giới về Donald Trump.

Khi ông bước vào Nhà Trắng năm 2009 trong bối cảnh (Mỹ sa lầy vào) hai cuộc chiến tranh và khủng hoảng kinh tế thế giới, mục đích chính của Obama là trấn an các đồng minh của Mỹ rằng:

Chính quyền của ông sẽ phá vỡ chính sách hành động quân sự đơn phương của người tiền nhiệm George W. Bush, và tập trung vào củng cố các liên minh quốc tế.

Bây giờ khi chuẩn bị rời khỏi Nhà Trắng, Obama phải đối mặt với nhiệm vụ trấn an các đồng minh đang rất lo lắng, liệu người kế nhiệm ông có duy trì các nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Mỹ được chính quyền Obama xây dựng trong 8 năm qua hay không?

Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama tại phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, ảnh: Bloomberg.
Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama tại phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, ảnh: Bloomberg.

Phó Cố vấn An ninh quốc gia Ben Rhodes cho biết, chắc chắn cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ là chủ đề chính trong chuyến công du cuối cùng của ông Obama.

Hôm nay Tổng thống Obama tới Hy Lạp và sau đó sẽ dành 2 ngày qua Đức.

Obama dự định sử dụng cả 2 chuyến thăm này để nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Âu thống nhất. Chuyến đi kéo dài một tuần của ông sẽ kết thúc tại Peru sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC.

Tại mỗi điểm dừng chân, Obama phải đối mặt với các nhà lãnh đạo quan trọng của thế giới, vì lý do khác nhau đang băn khoăn về chính quyền Donald Trump, từ Thủ tướng Đức Angela Merkel cho đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong thời gian tranh cử, Donald Trump đã đề nghị các đồng minh của Mỹ ở châu Á và Trung Đông nên tự trang bị vũ khí hạt nhân để bảo vệ mình. Ông phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran và thỏa thuận cắt giảm khí thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu.

Donald Trump cũng đã đặt câu hỏi về tác dụng của NATO, đồng thời ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, điều này khiến châu Âu lo lắng.

Còn với Obama, chuyến công du nước ngoài cuối cùng được lên kế hoạch để phản ánh mối quan tâm sâu sắc của ông về tương lai của châu Âu đang thổi bùng lên các phong trào chính trị dân túy, cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất từ sau Chiến tranh Thế giới II và một nước Nga hoạt động mạnh hơn.

Heather Conley, một chuyên gia về châu Âu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định:

"Toàn bộ chuyến đi này được thiết lập để tạo cho châu Âu sự tự tin, vì châu Âu ngày càng lo ngại bản chất các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, những phát biểu từ ông Donald Trump khi còn là ứng viên.

Bây giờ ông Obama phải giải thích, cái châu Âu đang quan tâm hiện nay - "hiệu ứng Donald Trump" là gì".

Ngoài các cuộc họp cá nhân với Thủ tướng Hy Lạp và Thủ tướng Đức, ông Obama cũng tranh thủ một cuộc họp mở rộng với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha tại Berlin.

Thông điệp bao quát của ông Obama đến các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ là, sẽ có những điều nào đó phải chịu đựng trong nhiều thập kỷ dưới chính quyền của các đảng khác nhau, bao gồm cả liên minh NATO, ông Rhodes nói.

Chuyến công du cuối cùng của Barack Obama: trấn an thế giới ảnh 2

Gấp rút nghiên cứu quan điểm của Trump về quân sự, an ninh hàng hải Biển Đông

(GDVN) - Lịch sử cho thấy, khi nào Mỹ không được chuẩn bị là khi đó nguy hiểm nhất. Chúng tôi muốn ngăn chặn, tránh và ngăn ngừa xung đột thông qua sức mạnh quân sự...

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã hy vọng chuyến thăm của Obama sẽ mở đường cho một thỏa thuận nợ với các chủ nợ, nhưng kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đã làm cho điều này khó xảy ra.

Donald Trump đã đề cập rất ít đến khu vực châu Âu, ngoại trừ vấn đề nợ của Hy Lạp. Quan điểm của Trump là, hãy để Đức và Hy Lạp tự thu xếp vấn đề này với nhau, không phải chuyện của Mỹ.

Đến Peru, ngoài ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Australia Malcolm Turbull, ông Obama sẽ có cuộc tiếp xúc với lãnh đạo 11 nước tham gia ký kết TPP.

Ông Rhodes nói: "Chúng tôi hiểu rõ tình hình hiện nay. Nhưng chúng tôi tin vòa những giá trị thương mại và tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái BÌnh Dương đối với Hoa Kỳ.

Và tôi nghĩ rằng, với quy mô cũng như tầm quan trọng của nó, châu Á - Thái Bình Dương sẽ vẫn phải tiếp tục được tập trung, cho dù Tổng thống và Quốc hội kế tiếp có như thế nào đi nữa."

Người viết cho rằng, nếu chỉ để "trấn an" lãnh đạo các nước đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, có lẽ ông Obama cũng chẳng thể làm được gì hơn, thậm chí càng gây thêm lo lắng nếu người kế nhiệm ông làm ngược lại những gì Obama nói vào phút chót.

Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama đã có cuộc trao đổi, tranh luận về chính sách của Hoa Kỳ trước thềm chuyển giao quyền lực.

Không loại trừ khả năng trong cuộc trao đổi này, hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa hiệp nào đó về các nét cơ bản trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại, đặc biệt là các hiệp định, thỏa thuận mà Mỹ đã ký với các nước.

Nếu có một hoặc nhiều sự thay đổi mang tính căn bản và nguyên tắc trong chính sách đối nội, đối ngoại của Hoa Kỳ, thì cái Obama có thể làm là thương thảo một lộ trình và kèm theo là các biện pháp "chống sốc" cho đồng minh, đối tác.

Nó vừa là lợi ích, vừa là thể diện và vị thế của Hoa Kỳ. Bởi vậy, ông Obama chỉ có thể "trấn an" các nước khi ông mang một thông điệp nào đó của Donald Trump nhắn gửi.

Bằng không, có "trấn an" cũng bằng thừa, và tốt nhất các nước đồng minh lẫn đối tác của Hoa Kỳ cần chủ động liên lạc với Donald Trump hoặc tìm hiểu về chính sách của ông để có những hiệu chỉnh cần thiết, như những gì Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã và đang làm.

Thế giới đang đổi thay nhanh chóng, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Điều quan trọng hiện nay thiết nghĩ là tìm hiểu chính sách mới của Donald Trump và tối đa hóa lợi ích cho quốc gia, dân tộc trong quan hệ với Mỹ, điều này có lợi hơn nhiều so với việc băn khoăn, bàn tán, thích hay không thích cá nhân Donald Trump. 

Bởi dù thế nào đi nữa, ông ấy vẫn là Tổng thống hợp pháp Hoa Kỳ được nước Mỹ lựa chọn, và có thể Trump sẽ có những quyết sách mới ảnh hưởng đến khu vực, thế giới.

Tài liệu tham khảo:

http://www.wsj.com/articles/obama-faces-task-of-reassuring-world-leaders-on-trump-1479074712

Hồng Thủy