Nhật Bản - Ấn Độ hợp tác chặt chẽ cùng nhau trên Biển Đông

13/11/2016 05:03
Hồng Thủy
(GDVN) - Dù Trung Quốc ra sức cảnh báo Ấn Độ cần chống lại bất kỳ sự "tán tỉnh nào" của Nhật Bản trên Biển Đông, hai nước vẫn nêu Biển Đông ra hội nghị thượng đỉnh.

The Times of India ngày 12/11 đưa tin, mặc dù Trung Quốc ra sức cảnh báo Ấn Độ cần chống lại bất kỳ sự "tán tỉnh nào" của Nhật Bản trên Biển Đông, hai nước vẫn nêu Biển Đông ra hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Shinzo Abe.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trong giải quyết (một số) tranh chấp ở Biển Đông. Đây là năm thứ hai liên tiếp, Ấn Độ và Nhật Bản đặc biệt lưu tâm vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh, mặc dù lần này hai bên không trực tiếp nhắc đến Phán quyết Trọng tài.

"Về Biển Đông, hai Thủ tướng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS", tuyên bố chung viết.

Thủ tướng Ấn Đô Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: Dawn / Baaghi.TV.
Thủ tướng Ấn Đô Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: Dawn / Baaghi.TV.

Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS đã bác bỏ yêu sách bành trướng đường 9 đoạn của Trung Quốc. Đầu tuần này, Thời báo Hoàn Cầu đã cảnh báo Ấn Độ rằng, nước này có thể thiệt hại lớn về kinh doanh và thương mại nếu tham gia vào vấn đề Biển Đông. 

Trong một động thái có liên quan được Bắc Kinh theo dõi chặt chẽ, hai ông Shinzo Abe và Narendra Modi cũng thảo luận về khả năng hợp tác tại cảng Chabahar chiến lược tại Iran.

Cảng này sẽ giúp Ấn Độ truy cập Afghanistan và khu vực Trung Á bằng cách bỏ qua Pakistan. Đồng thời nó được xem như phương án thay thế việc truy cập khu vực trên thông qua cảng Gwadar của Trung Quốc đặt tại tỉnh Balochistan, Pakistan. [1]

Người viết cho rằng, hợp tác với Nhật Bản và các nước khác trên Biển Đông không chỉ bảo vệ lợi ích thiết thực của Ấn Độ trên tuyến giao thông hàng hải huyết mạch trọng yếu nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.

Điều này còn giúp New Delhi nâng cao vị thế và tiếng nói của mình trước các vấn đề nóng bỏng của khu vực có liên quan trực tiếp, đồng thời Biển Đông cũng sẽ là địa bàn cân bằng lại ảnh hưởng, tính toán của Trung Quốc nhằm kiềm chế Ấn Độ thông qua các nước láng giềng như Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka.

Ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Bangladesh vào tháng trước và mang theo các cam kết với 34 dự án hợp tác tổng trị giá 24,45 tỉ USD và một cam kết tài chính khác trị giá 13,6 tỉ USD. [2]

Việc Trung Quốc tăng cường quan hệ chặt chẽ với các nước láng giềng sát nách Ấn Độ không chỉ nhằm mục đích kinh tế đơn thuần, mà còn thông qua việc thắt chặt quan hệ với các nước này bằng sợi lạt kinh tế, đầu tư để kiềm chế Ấn Độ.

Có lẽ ông Narendra Modi thấy rõ dã tâm ấy, nên cần tìm cách hóa giải. Cách tốt nhất là hợp tác với Nhật Bản, Hoa Kỳ, ASEAN và các nước khác để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tuyền hàng hải nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương mà Trung Quốc đang thèm khát độc quyền kiểm soát.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://timesofindia.indiatimes.com/India-Japan-stand-together-on-South-China-Sea-discuss-partnership-on-Chabahar/articleshow/55380015.cms

[2]http://www.mysinchew.com/node/116043?tid=12

Hồng Thủy