Công nghệ tên lửa Triều Tiên phát triển nhanh chóng mặt

30/11/2017 11:51
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa lần này đã chứng tỏ Triều Tiên về cơ bản có thể đe dọa bất cứ đâu trên thế giới.

Ngày 29/11, các hãng thông tấn trên thế giới đều đồng loạt đưa tin, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa vào lúc 3 giờ 17 phút theo giờ địa phương, bất chấp những lời cảnh báo trước đó của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về sự một sự đáp trả bằng “lửa và cơn thịnh nộ”.

Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên Triều Tiên thực hiện kể từ ngày 15/9, sau 74 ngày “yên lặng”.

Vụ phóng tên lửa này được coi là một sự phản ứng của Bình Nhưỡng đối với tuyên bố mới đây của Tổng thống Donald Trump, khi liệt Triều Tiên vào danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố.

Bước phát triển mới trong chương trình tên lửa của Triều Tiên

Tờ The Diplomat dẫn nguồn tin của chính phủ Hàn Quốc cho biết:

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa mà Triều Tiên vừa thử nghiệm có độ bay cao lên tới 4.500 km (2.796 dặm) và bay được 1.000 km trong khoảng 50 phút trước khi rơi xuống biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên được phóng lên từ bãi thử (Ảnh: AP)
Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên được phóng lên từ bãi thử (Ảnh: AP)

Nhà vật lý học David Wright, Giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu của Liên hiệp các nhà khoa học Hoa Kỳ đánh giá:

Nếu các số liệu là chính xác và nếu bay theo quỹ đạo tiêu chuẩn thay vì quỹ đạo cao hơn bình thường thì quả tên lửa này có thể đạt tầm bắn trên 13.000 km và thừa khả năng bay tới bất cứ địa điểm nào trên lục địa Hoa Kỳ”.

Ông Wright cũng đưa ra khoảng cách từ địa điểm mà Triều Tiên vừa phóng tên lửa ở thị trấn Pyongsong, tỉnh Pyongan đến thành phố New York của Hoa Kỳ chỉ vào khoảng 10.900 km và Washington DC vào khoảng 11.000 km. [1]

Nếu so sánh với tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 mà Triều Tiên đã thử nghiệm hồi giữa tháng 9 bay qua lãnh thổ Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương, có độ cao 770 km và bay xa khoảng 3.700 km, thì rõ ràng Triều Tiên đã đạt được một bước tiến lớn trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của nước này.

Các chuyên gia phân tích cũng đưa ra nhận định, tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Triều Tiên vừa thử nghiệm đạt được tầm bay xa như vậy, là bởi nhiều khả năng nước này đã sử dụng một trong hai cách để tăng lực đẩy của động cơ tên lửa.

Đó là: sử dụng kết hợp lực đẩy của hai động cơ nối tiếp nhau, hoặc bằng cách tăng thời gian đốt cháy nhiên liệu của động cơ.

Mô phỏng quỹ đạo bay của tên lửa Hwasong-15 (Ảnh: AP)
Mô phỏng quỹ đạo bay của tên lửa Hwasong-15 (Ảnh: AP)

Cách thức Triều Tiên đẩy nhanh được tiến bộ công nghệ tên lửa

Triều Tiên đạt được những bước tiến lớn về công nghệ phát triển tên lửa là bởi nước này luôn coi trọng và phát huy tối đa năng lực của các nhà khoa học cũng như nâng cao tinh thần tự lực trong sản xuất các linh kiện để lắp giáp vào hệ thống tên lửa.

Trong hai năm qua, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm hàng loạt tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa.

Những kết quả mà Triều Tiên thu lượm được qua mỗi lần thử nghiệm tên lửa luôn rất khả quan và có sự rút kinh nghiệm, cải tiến rất nhanh chóng.

Theo thống kê của một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ, tính riêng năm 2016, Triều Tiên đã thử nghiệm 26 quả tên lửa, trong đó có 16 quả thành công và 10 quả thất bại, tỷ lệ thành công đạt 62%.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 20 vụ thử nghiệm tên lửa, trong đó có 14 vụ thành công, 5 vụ thất bại và một vụ không rõ kết quả, tỷ lệ thành công đạt 70%. [2]

Những con số thống kê này cho thấy, Triều Tiên đã từng bước tạo ra những đột phá quan trọng trong chương trình phát triển tên lửa của nước này.

Để có được những bước tiến về công nghệ tên lửa nêu trên, Triều Tiên đã dành cho các nhà khoa học một sự trọng vọng đặc biệt, luôn đảm bảo tốt nhất những nhu cầu thiết yếu về nhà cửa, tiền lương ở mức đãi ngộ cao để giúp các nhà khoa học chuyên tâm vào công việc.

Người dân Triều Tiên ăn mừng sau vụ thử tên lửa Hwasong-15 (Ảnh: AP)
Người dân Triều Tiên ăn mừng sau vụ thử tên lửa Hwasong-15 (Ảnh: AP)

Sau mỗi lần thử tên lửa thành công, các nhà khoa học Triều Tiên lại được vinh danh như những người anh hùng của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh việc coi trọng và vinh danh các nhà khoa học, các thế hệ lãnh đạo của Triều Tiên cũng luôn biết cách tạo ra áp lực cực lớn đối với đội ngũ này nhằm tạo ra những kết quả ngày càng tốt hơn và nhanh hơn.

Giáo sư Vipin Narang thuộc Viện Khoa học Chính trị MIT cho rằng, khả năng ông Kim Jong-un cũng giống như cha mình, bên cạnh sự ưu đãi đặc biệt, cũng luôn “đe dọa lấy mạng các nhà khoa học nếu quá trình phát triển tên lửa không tiến bộ”.

Đây cũng chính là một động lực mạnh mẽ để các nhà khoa học tích cực hơn trong nghiên cứu, phát triển công nghệ tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Một điều cần phải ghi nhận về những nỗ lực vượt bậc của các nhà khoa học Triều Tiên.

Đó là trên cở sở kế thừa các công nghệ chế tạo tên lửa và vũ khí hạt nhân có từ thời Chiến tranh Lạnh mà nước này tiếp nhận được từ Liên Xô, họ đã biết phát triển lên để có được những tính năng ưu việt và ngày càng tinh vi hơn, đáp ứng được mục đích phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân đề ra.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng luôn tìm cách mua lại các công nghệ sản xuất vũ khí từ Trung Quốc, Iran, Pakistan và một số nước khác, mà chủ yếu trong số đó được mua về thông qua giao dịch chợ đen.

Từ đó, Triều Tiên khai thác và chọn lọc những thiết bị có tính năng ưu việt nhằm kế thừa, phát triển để tự sản xuất và cung ứng ngay cho quá trình chế tạo vũ khí của họ.

Các chuyên gia nghiên cứu tuy không ngạc nhiên khi Triều Tiên có được những tiến bộ về khoa học vũ khí như vậy, nhưng họ lại ngạc nhiên bởi tốc độ phát triển chóng mặt về chất lượng công nghệ của nước này.

Giáo sư Narang cho rằng, tốc độ phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng là một “bí ẩn” và dường như đã vượt qua được các chương trình phát triển tương tự của Ấn Độ, Pakistan, Nam Phi, Israel và thậm chí cả Pháp.

Liệu chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên đã hoàn thành?

Sau khi vụ phóng tên lửa được thực hiện, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA tuyên bố, loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Triều Tiên vừa thử nghiệm là Hwasong-15 có nhiều ưu điểm hơn cả về thông số kỹ thuật cũng như các tính năng so với tất cả các loại tên lửa đã thử trước đó.

Đó là loại tên lửa liên lục địa mạnh nhất, đáp ứng mục tiêu hoàn thiện chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên”, phát ngôn viên KCNA nói.

Phát ngôn viên hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên lên tiếng về thành công của vụ thử tên lửa Hwasong-15 (Ảnh: AP)
Phát ngôn viên hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên lên tiếng về thành công của vụ thử tên lửa Hwasong-15 (Ảnh: AP)

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố:

Triều Tiên cuối cùng cũng đã hiện thực hóa được sứ mệnh lịch sử vĩ đại là hoàn thiện lực lượng hạt nhân quốc gia”. [3]

Trong khi đó, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đã phải thừa nhận về những bước đột phá mạnh mẽ trong chương trình phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng.

Vụ thử đã chứng tỏ Triều Tiên về cơ bản có thể đe dọa bất cứ đâu trên thế giới.

Tên lửa này bay cao hơn, xa hơn so với bất kỳ loại tên lửa nào mà Bình Nhưỡng đã thử trước đó”, ông Mattis nói. [4]

Tuy nhiên, theo chuyên gia David Wright, loại tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng thử có thể chỉ mang một đầu đạn hạt nhân mô phỏng nhẹ nên mới đạt được tốc độ và cự ly bay như vậy.

Nếu đúng thì điều đó có nghĩa là nó sẽ không có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào khoảng cách dài này, vì đầu đạn hạt nhân sẽ nặng hơn rất nhiều”, ông Wright lưu ý. [1]

Có thể tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Triều Tiên vừa thử nghiệm sẽ không đạt được tốc độ bay và cự ly lên đến 13.000 km khi nó mang đầu đạn hạt nhân như chuyên gia Wright nói.

Và nó sẽ vẫn cần phải cải tiến nhiều hơn nữa để đạt được mục đích răn đe đối với Hoa Kỳ.

Nhưng dù sao nó vẫn cho thấy một sự phát triển đáng kinh ngạc về chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.

Một sự ngăn chặn Triều Tiên phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân vào thời điểm này dường như là điều không thể.

Bởi cách tiếp cận của Mỹ đối với Triều Tiên cũng như các lệnh trừng phạt, cô lập sẽ càng thôi thúc nước này thực hiện nhanh hơn tham vọng của họ.

Cách làm tốt nhất lúc này là Hoa Kỳ nên thay đổi lại cách tiếp cận và cần có cái nhìn thân thiện hơn với Bình Nhưỡng, khi đó một chương mới trên bán đảo Triều Tiên mới hy vọng có thể được mở ra.

Tài liệu tham khảo:

[1] The diplomat/ North Korea Fires Intercontinental Ballistic Missile: What We Know.

[2] CNN/ Trump on North Korean missile launch: 'We will take care of it'.

[3] https://kcnawatch.co/newstream/1511960471-567278968/kim-jong-un-guides-test-fire-of-icbm-hwasong-15.

[4] South China morning post/ North Korea’s latest ICBM possibly the longest-range test yet.

PHẠM DOÃN TÌNH