Cứ thế này thì người ta sẽ nghĩ bộ máy nhà nước chỉ toàn "con ông, cháu cha"

09/09/2016 08:04
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Nếu cứ để tình trạng thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ... thì người ta sẽ nghĩ rằng, bộ máy quản lý nhà nước là của "con ông, cháu cha".

Việc ông Võ Thành Long, cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị vợ mình làm “Phó cục trưởng” đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Không những vậy ông Võ Thành Long, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những bổ nhiệm nhân sự cho hàng loạt người nhà.

Ông Võ Thành Long cho biết, việc bổ nhiệm và quy hoạch vợ mình đều đúng quy trình, làm theo quy trình của ngành và được anh em tập thể tín nhiệm ((Báo Tuổi trẻ đưa tin hôm 1/9)...

Nhiều ý kiến cho rằng, quy trình trong công tác cán bộ hiện nay vẫn dựa trên công thức: "Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ".

Nguyên Thứ trưởng Thang Văn Phúc: Đây là điều tế nhị và không nên làm

Trước hết phải xem việc ông Cục trưởng Cục thuế quy hoạch vợ mình có đúng với luật cán bộ công chức, viên chức không đã? 

Luật không cấm họ hàng, người thân làm việc cùng cơ quan nhà nước, nhưng cũng quy định rõ, nếu người chồng là người đứng đầu cơ quan thì vợ con không được làm kế toán trưởng, hoặc trưởng phòng tổ chức cán bộ… Những vị trí khác thì trong luật không quy định.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc (ảnh: NGỌC QUANG).
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc (ảnh: NGỌC QUANG).

Tôi nghĩ những người làm công tác cán bộ phải hết sức lưu ý những chuyện như vậy. Ông làm lãnh đạo phải biết bố trí, sắp xếp nhân sự cho phù hợp. 

Về hình thức, đây là điều tế nhị. Nếu ông Cục trưởng Cục thuế Bà Rịa – Vũng Tàu nếu thấy vợ mình giỏi thì có thể bố trí vào những công việc khác, không liên quan tới những “điều cấm” trong luật quy định, hoặc chuyển công tác sang cơ quan khác.

Còn việc đề xuất vợ làm Cục phó, thì dù làm thật đúng quy trình đến đâu đi nữa, thì người ta cũng sẽ nghi ngờ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Quy trình chỉ là hình thức

Cái gọi là đúng quy trình chỉ là tính chất hình thức. Không chỉ riêng vụ việc ông Cục trưởng Cục thuế, trước đó tại Thanh Hóa xuất hiện việc một Sở có 8 cấp phó.

Việc làm quy trình, bổ nhiệm này sai quy định nhưng người ta vẫn cứ nói là đúng quy trình. 

Quy định đã làm sai thì đúng quy trình có ý nghĩa gì nữa. Việc sai trái như vậy rồi mà người ta vẫn nói là đúng quy trình thì tôi cho rằng, đó là điều không thể nào chấp nhận được.

Làm như vậy còn gì là lẽ phải, nguyên tắc nữa! Cơ quan quản lý, người chịu trách nhiệm ở đâu trước những sự việc đã nêu? 

Do đó, cần phải xem lại quy trình đó có phù hợp với quy định của pháp luật không? Quy trình không phải là cái “quy trình chết”, là tấm bình phong để biện bạch cho bất cứ sự sai trái nào đó. Theo tôi đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. 

Quy trình không phải mang tính hình thức, không phải là việc người ta hỏi ý kiến xong rồi cứ như thế mà làm. 

Anh làm lãnh đạo khi đưa ra quy trình bổ nhiệm, vì nhiều lý do cấp dưới sẽ không phát biểu chống lại anh. Như vậy quy trình đó có ý nghĩa gì? Cái này làm sao gọi là đúng quy trình được?

Nếu cứ phát biểu theo kiểu đúng quy trình như vậy bộ máy lãnh đạo sẽ bị giảm sút uy tín… Đó còn là việc người ta xem nhẹ lợi ích, danh dự, tín nhiệm của người dân đối với lãnh đạo.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (ảnh: HOÀNG LỰC).
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (ảnh: HOÀNG LỰC).

Tôi xin lưu ý rằng, rất nhiều thế hệ lãnh đạo của chúng ta, không hề có chuyện đưa con cháu vào các vị trí lãnh đạo, mặc dù người thân họ cũng rất nhiều người tài giỏi. 

Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ họ biết tự trọng, giữ gìn bảo vệ chế độ theo kiểu công, tư, phân minh. 

Nếu cứ để tình trạng thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ, thì người ta sẽ nghĩ rằng, bộ máy quản lý nhà nước là nơi quan hệ, gửi gắm và có thể mua được.

Để hạn chế tình trạng đúng quy trình theo công thức "thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ..." theo kiểu đúng quy trình, thì phải tăng cường giám sát quyền lực cán bộ.

Bên cạnh đó phải công khai tất cả những vi phạm, sai trái trong quản lý cán bộ để họ sửa sai. Dưới sự giám sát của người dân, của nền báo chí mang tính dân chủ, xây dựng...

Đây chính là sức mạnh bảo đảm cho sự phát triển đất nước.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội: Đúng quy trình tại sao dư luận lại phản ứng như thế!
Công tác cán bộ là nguyên nhân của nhiều nguyên nhân. Nó phải được coi là vấn đề quan trọng nhất hiện nay, bởi lẽ sự tiêu cực, trì trệ đều xuất phát từ con người. 

Do đó, việc tuyển chọn được những người đủ tài, đủ đức, giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng trong bộ máy quản lý không phải là chuyện dễ dàng. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bắt đầu xuất hiện nhiều lỗ hổng trong việc bổ nhiệm tuyển dụng.

Khi báo chí, dư luận lên tiếng về những trường hợp “cả họ làm quan”, Tổng công ty “gia đình trị” thì họ lại đưa cái quy trình ra để hợp thức hóa.

Điển hình là vụ Trịnh Xuân Thanh (Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang), ông Vũ Quang Hải (Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Võ Thành Long, cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều nói là bổ nhiệm đúng quy trình.

Nhưng thử đặt lại vấn đề, nếu quy trình tốt tại sao lại cho ra sản phẩm “lỗi”.

Nếu vậy thì phải xem lại cái quy trình của chúng ta đã tốt chưa?

PGS.TS Bùi Thị An (ảnh: NGỌC QUANG).
PGS.TS Bùi Thị An (ảnh: NGỌC QUANG).

Do đó, để công tác cán bộ đem lại hiệu quả cần phải minh bạch về tiêu chuẩn, vị trí công tác. Khâu tuyển dụng cần được công khai rõ về số lượng, chỉ tiêu tuyển dụng.

Việc tuyển dụng còn đòi hỏi sự công tâm thực sự của những người giữ cương vị tuyển chọn. 

Nếu dũng cảm hơn, trong quá trình tuyển chọn người tài, người ta có thể lấy ý kiến đánh giá trực tiếp người được tuyển dụng, bổ nhiệm. Vấn đề này thuộc về cái tâm, trách nhiệm của người đứng đầu. Điều quan trọng là họ có muốn chọn người tài vào các vị trí quản lý hay không thôi? 

Ở Việt Nam, trường hợp nếu có tuyển dụng sai thì chưa chắc đã quy được trách nhiệm cho người đứng đầu. Do đó phải luật hóa trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tuyển dụng cán bộ. 

QUỐC TOẢN