Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã giao cho Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ khẩn trương làm rõ những thua lỗ lên tới hơn 3.000 tỷ đồng tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC).
Các cơ quan chức năng đã vào cuộc đồng bộ, xem xét hồ sơ vụ việc thận trọng để đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm.
Tuy nhiên, yêu cầu của Chính phủ với Bộ Nội vụ có thời hạn đến 30/8 thì vẫn chưa thấy Bộ này báo cáo.
Ông Dũng nói thêm: “Chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đó là kiên quyết chống tham nhũng, chống tiêu cực, chống lợi ích nhóm. Ngay cả lợi ích nhóm trong vấn đề đề bạt, luân chuyển cán bộ. Ngay cả vấn đề lợi dụng tài sản, tiền của của nhân dân, nhà nước.
Đây có thể nói là sự chuyển động của cả hệ thống chính trị, xem xét, rà soát lại tất cả các dự án của các bộ ngành”.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chính phủ khóa mới phải đổi mới tư duy trong vấn đề xây dựng pháp luật bảo đảm tính khả thi, tính hợp lý, thực sự quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó đánh giá kỹ tác động của chính sách, tiếp thu ý kiến của các đối tượng chịu tác động.
Do vậy, các quy định chính sách phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng và coi trọng chế tài xử lý vi phạm, thể hiện tính nghiêm minh và răn đe của pháp luật. Đấy là tư tưởng xây dựng các dự án luật, pháp lệnh theo quan điểm của Chính phủ kiến tạo.
Các quy định, chính sách phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, coi trọng chế tài xử lý vi phạm, thể hiện tính nghiêm minh, răn đe của luật pháp…
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, các cơ quan chức năng đang khẩn trương làm rõ những sai phạm, thua lỗ tại PVC. ảnh: Ngọc Quang. |
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ đối với các dự án luật, pháp lệnh để tiếp tục bổ sung, sớm hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh này, trình Chính phủ xem xét.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ còn lại từ nay đến cuối năm 2016 là hết sức nặng nề. Vì vậy, Chính phủ và từng thành viên Chính phủ phải quyết tâm hành động, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; kiên quyết không lùi bước trước khó khăn thách thức; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương.
Tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; giải phóng mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; tạo chuyển biến cơ bản về tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2016.
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành.
Để góp phần thúc đẩy các nhiệm vụ tốt hơn, Thủ tướng đã giao Văn phòng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện; kiên quyết không để chậm trễ và thực hiện kém chất lượng, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể, báo cáo Chính phủ tại phiên họp hàng tháng.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc phát sinh và biện pháp giải quyết.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, Nghị quyết 60, Nghị quyết phiên họp Chính phủ hàng tháng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường nắm bắt, kiểm điểm tình hình thực hiện và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về triển khai và kết quả thực hiện.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử ở tất cả các ngành, các cấp. Cải tiến và công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh, kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính, người đứng đầu. Thực hiện ngay việc thiết lập các kênh để lắng nghe ý kiến phản ảnh của người dân và doanh nghiệp để kịp thời tiếp thu, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Tăng cường phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; khuyến khích, khen thưởng kịp thời và bảo vệ an toàn cho người phát hiện, tố cáo tham nhũng.
Nghiêm trị những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, tố cáo sai sự thật. Triệt để thực hành, chống lãng phí trong hệ thống hành chính Nhà nước và toàn xã hội.