Ngày 30/3 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia đã diễn ra Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nữ nghị sỹ IPU và 20 năm thực hiện tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh.
Tham dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch IPU Saber Chowdhury; Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng; Tổng Thư ký IPU Martin Chungong; Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sỹ lần thứ 21, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Ủy ban Điều phối Hội nghị nữ Nghị sĩ Margaret Williams.
Cùng tham dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền.
Tiến tới bình đẳng giới thực chất
Đọc diễn văn kỷ niệm 30 năm Hội nghị Nữ nghị sĩ trong Liên minh Nghị viện Thế giới và 20 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sỹ lần thứ 21, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân (Chủ tịch Hội nữ Nghị sĩ 21) cho rằng, Lễ kỷ niệm là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước phát triển của phong trào phụ nữ và hoạt động của Liên minh Nghị viện Thế giới.
Bắt nguồn từ sáng kiến của các nữ Nghị sĩ năm 1978 về việc hình thành nhóm phụ nữ không chính thức, từ năm 1986, Hội nghị nữ nghị sĩ đã trở thành một hoạt động chính thức, định kỳ tại trước phiên khai mạc mỗi kỳ Đại hội đồng, thể hiện sự gắn bó giữa các nghị viện và nữ Nghị sĩ các quốc gia thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới, là diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại cởi mở về các chủ đề cùng quan tâm và đưa ra quan điểm của mình đối với các vấn đề được xem xét tại Đại hội đồng dưới lăng kính của giới nữ.
Qua 30 năm hình thành và phát triển, Hội nghị nữ Nghị sĩ đã chứng kiến sự tham gia ngày càng đông của nữ Nghị sĩ tại Đại hội đồng, từ khoảng 10% nữ Nghị sĩ trong những năm đầu tiên, lên đến hơn 30% nữ Nghị sĩ trong các kỳ họp gần đây, các vấn đề giới đã được đưa vào chương trình nghị sự nhiều hơn, thường xuyên hơn và thu hút sự quan tâm lớn hơn của tất cả các đại biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Hội nữ nghị sĩ sẽ góp phần tích cực trong việc thúc đẩy quá trình tiến tới bình đẳng giới thực chất. ảnh: ipu việt nam. |
Năm 2015 cũng đánh dấu 20 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh. Hội nghị nữ Nghị sĩ tự hào vì các sáng kiến phong phú đã đóng góp trong quá trình hình thành, cũng như các hoạt động tích cực trong việc thực hiện Cương lĩnh. Từ tháng 10 năm 1995, trong chương trình nghị sự, Hội nghị nữ nghị sỹ đều có phiên thảo luận chung về việc triển khai Cương lĩnh hành động và thảo luận chuyên đề về 1 trong 12 lĩnh vực được đề cập trong Cương lĩnh.
Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21 Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, Hội nghị nữ nghị sĩ sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm đã được khẳng định trong suốt 30 năm qua và có bước phát triển mới mạnh mẽ hơn và đóng góp nhiều hơn vào thành công trong mục tiêu chung của IPU, cũng như góp phần tích cực trong việc thúc đẩy quá trình tiến tới bình đẳng giới thực chất. Trong hành trình đó, tôi tin tưởng rằng luôn có sự đồng hành và ủng hộ tích cực, có hiệu quả từ IPU, từ các nghị viện thành viên và từ tất cả các nghị sĩ có mặt tại đây".
Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21 tin tưởng, trong thời gian tới, Hội nghị nữ nghị sỹ sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm đã được khẳng định trong suốt 30 năm qua và có bước phát triển mới mạnh mẽ hơn, đóng góp nhiều hơn vào thành công trong mục tiêu chung của IPU, cũng như góp phần tích cực trong việc thúc đẩy quá trình tiến tới bình đẳng giới thực chất. Đồng thời bày tỏ tin tưởng, trong hành trình đó luôn có sự đồng hành và ủng hộ tích cực, có hiệu quả từ IPU, từ các nghị viện thành viên và từ tất cả các Nghị sĩ tham dự IPU-132...
Thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi lời chúc mừng các nữ Nghị sĩ nhân dịp Kỷ niệm 30 năm thành lập Cơ chế Hội nghị Nữ nghị sĩ. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhận định, các nghị viện, các quốc gia trong đó có Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng khung thể chế và giám sát thực hiện về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên thế giới. Thúc đẩy bình đẳng giới là tăng quyền năng cho phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và an ninh, hòa bình thế giới dựa trên các cam kết và bình đẳng.
Kể từ khi chính thức trở thành thành viên của Liên minh Nghị viện Thế giới, Quốc hội Việt Nam luôn tham gia tích cực có trách nhiệm và có những đóng góp hiệu quả đối với hoạt động của cơ chế Hội nghị Nữ nghị sĩ. Bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam. Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh cùng những cam kết quốc tế khác đã thể hiện trong pháp luật Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng (Chủ tịch Đại hội IPU - 132) chụp ảnh lưu niệm cùng các nghị sĩ. ảnh: Xuân Hải. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: "Việt Nam cam kết ủng hộ mạnh mẽ và tham gia đầy đủ, có trách nhiệm các hoạt động trong Cơ chế Hội nghị Nữ nghị sĩ. Đồng thời đề nghị Liên minh Nghị viện Thế giới, các nghị viện thành viên, các Nghị sĩ ủng hộ hoạt động của của Cơ chế Hội nghị Nữ nghị sĩ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong nghị viện, trong các hoạt động của Liên minh Nghị viện Thế giới, thúc đẩy lồng ghép vấn đề giới trong chương trình nghị sự của nghị viện quốc gia và Nghị viện thế giới IPU".
"Sức mạnh của tôi là sức mạnh vì phụ nữ"
Tại Lễ Kỷ niệm, các nữ Nghị sĩ cũng được đón nhận lời chúc mừng từ Chủ tịch IPU, cùng nghe và ký ủng hộ vào Lời kêu gọi hành động để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho phụ nữ và các trẻ em gái của Chủ tịch Ủy ban Điều phối Hội nghị nữ Nghị sĩ Margaret Williams.
Bà Margaret Williams bày tỏ: "Nếu bạn là một nghị sĩ, hãy dùng sức mạnh của mình để tạo nên thế giới mà chúng ta mong muốn. Hãy tham gia cũng các nữ nghị sĩ trên toàn cầu để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho phụ nữ và các bé gái. Chúng ta, những nghị sĩ, kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Nghị Nữ Nghị Sĩ IPU, Tin tưởng rằng chúng ta có thể và nhất thiết phải xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn đối với phụ nữ và các bé gái thông qua hành động.
Chúng ta, những nhà lập pháp, những đại diện của dân, những người giám sát chính phủ cam kết xây dựng một thế giới đối xử với phụ nữ và các bé gái bình đẳng như với đàn ông và các bé trai ở mọi lứa tuổi, trong mọi lĩnh vực. Thông qua Quốc hội, chúng ta có sức mạnh để chống lại sự bất công, bất bình đẳng và sự phân biệt đối xử ở tất cả các lĩnh vực ngành nghề và tại mọi thời điểm. Chúng ta cam kết sẽ ban hành các điều luật nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong xã hội.
Chúng ta cam kết sẽ sử dụng các nguồn quỹ cũng như sức mạnh giám sát để những điều luật này được thực thi cho phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ và các bé gái trong tất cả các lĩnh vực và bằng mọi cách có thể. Chúng ta tiến hành cải cách nền chính trị để gia tăng cơ hội khiến cho phụ nữ có thể trở thành những nhà lãnh đạo và những người ra quyết định trong khu vực công và tư. Chúng ta cam kết sẽ nêu gương và sẽ thành lập các Nghị viện quan tâm đến vấn đề giới có khả năng thể hiện và đảm bảo được bình đẳng giới. Chúng ta biết rằng sức mạnh của sự đoàn kết giữa phụ nữ trên thế giới cũng như sức mạnh của các nghị sị tập hợp lại vì một sự nghiệp chung.
Nếu bạn là một nghị sĩ, hãy tham gia cùng với các nghị sĩ nữ trên thế giới. Nếu bạn là một nghị sĩ, hãy sử dụng một cách đúng đắn sức mạnh của bạn. Tôi là một nghị sĩ, sức mạnh của tôi là sức mạnh vì phụ nữ".
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao những kết quả và nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong đó có vai trò không nhỏ của Cơ chế Hội nghị nữ Nghị sĩ IPU. Đánh giá việc Đại hội đồng IPU - 132 được tổ chức ở Việt Nam với chủ đề Các Mục tiêu Phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động có ý nghĩa hết sức quan trọng khi cộng đồng quốc tế đang tập trung nỗ lực nhằm xây dựng và thông qua Chương trình nghị sự sau năm 2015 và các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch nước hy vọng những nữ Nghị sỹ, những người tham gia trực tiếp vào công tác lập pháp và giám sát thực thi pháp luật, sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong việc thúc đẩy các thành viên Quốc hội nước mình tham gia tích cực hơn vào công cuộc tăng quyền và nâng cao vị thế của phụ nữ trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay, với ý chí chính trị cao, tăng cường nỗ lực nhằm đạt được những mục tiêu chúng ta đã đặt ra tại Bắc Kinh năm 1995.
Trước đó, Chiều 29/3, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132), Liên minh Nghị viện Thế giới phối hợp với Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc tổ chức hội nghị bên lề “Đạt được tầm nhìn Bắc Kinh: Quan điểm của nam giới”.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong cho biết, năm 2015 là năm bản lề để nhìn nhận lại những thỏa thuận đã đạt được về bình đẳng giới, đồng thời tái cam kết về vấn đề này trong thời gian tới. 20 năm đã qua kể từ khi Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh kêu gọi về bình đẳng giới ra đời, mặc dù nhiều nỗ lực toàn cầu đã đạt được, song tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị vẫn còn thấp.
Tính đến tháng 1/2015, chỉ có 22% số nghị sỹ toàn cầu là nữ và chỉ 19 nước có phụ nữ là người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ.
Ông Martin Chungong hy vọng trong chương trình nghị sự sau năm 2015, bình đẳng giới sẽ có vị trí ngày càng cao và mong muốn các nhà lãnh đạo nam giới, đặc biệt trong Quốc hội, cần đóng vai trò lớn hơn trong thúc đẩy bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Minh Huệ, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, thành viên Tiểu ban Nội dung cho biết, Việt Nam đã có những nỗ lực nghiêm túc trong triển khai thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới.
Việt Nam có nhiều biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, được thể hiện trong chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động... luôn khuyến khích vai trò của nghị sỹ nữ trong Quốc hội, tăng cường thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là nam giới về vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình cũng như xã hội.
Nhờ đó, nhiều mục tiêu về bình đẳng giới được thực hiện, ngày càng nhiều phụ nữ được tiếp cận và tham gia vào đời sống chính trị. Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội Việt Nam hiện nay là 24,4%, chưa đạt so với chỉ tiêu 30-35%, song là một chỉ tiêu cao ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phụ nữ Việt Nam hiện nay cũng đã tham gia tích cực và chủ động trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đất nước, được giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe cũng ngày càng tăng.
Vấn đề về bình đẳng giới đã được lồng ghép vào nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013; các luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình cũng ngày càng được hoàn thiện. Vai trò của phụ nữ ngày càng được định hình rõ nét hơn trong đời sống và quyền lợi ngày càng được đảm bảo.
Nhận thức về bình đẳng giới được nâng cao, ngày càng nhiều nam giới tham gia chia sẻ, giữ vai trò tích cực hơn trong cuộc sống gia đình. Phụ nữ ở nông thôn, vùng dân tộc khó khăn gặp nhiều bất lợi trong cuộc sống, là những đối tượng chủ đạo, được ưu tiên trong các chiến dịch, hành động của Chính phủ về xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về giới, thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh về bình đẳng giới.
Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Liên minh Nghị viện Thế giới và các diễn đàn song phương, đa phương khác, Việt Nam luôn thúc đẩy trao đổi, thảo luận về thực hiện bình đẳng giới, khuyến khích tăng cường hợp tác nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ, đẩy mạnh mục tiêu phát triển về giới, nỗ lực xóa bỏ kỳ thị về giới.