Việt Nam luôn đóng góp tích cực vào các mục tiêu thiên niên kỷ

30/03/2015 07:32
Ngọc Quang
(GDVN) - Ngày 29/3, IPU thảo luận về phát triển bền vững; thúc đẩy quyền của phụ nữ; đồng thời 2 quốc gia đề xuất chống nhóm khủng bố Boko Haram.

Ngày 29/3, Chủ tịch IPU 132 Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên họp toàn thể IPU - 132, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động”, khẳng định vai trò của Nghị viện trong quá trình định hình và thực hiện chương trình phát triển sắp tới.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ, đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm cao cả và cam kết sẽ cố gắng để IPU 132 thành công với sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quý báu của các thành viên. Đại hội đồng IPU 132 diễn ra vào thời điểm quan trọng và sẽ tập trung vào các vấn đề toàn cầu như: Chống đói nghèo, phát triển quản trị, bất bình đẳng, tài chính, công nghệ, năng lực, biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác.

Chủ tịch IPU - 132 Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên họp ngày 29/3. ảnh: VGP.
Chủ tịch IPU - 132 Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên họp ngày 29/3. ảnh: VGP.

Việt Nam cam kết phối hợp với các nước tiến tới mục tiêu thiên niên kỷ

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam - bà Tòng Thị Phóng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam điểm lại một số thành tựu trong việc thực hiện 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì nhiều mục tiêu của MDGs vẫn chưa hoàn thành, chưa giải quyết được tận gốc tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng. Điều này đòi hỏi sự tiếp tục nỗ lực, sự hợp tác của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và từng cá nhân trên phạm vi toàn cầu để phát triển thực sự bền vững. 
 
“Những nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là nhờ những cam kết mạnh mẽ và sự quyết tâm của Việt Nam, sự hợp tác chặt chẽ, linh hoạt của các đối tác phát triển quốc tế, trong đó có sự cố gắng, nỗ lực của Quốc hội Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách, mục tiêu quốc gia, khung pháp lý cơ bản cũng như tăng cường vai trò giám sát tối cao trong thực hiện MDGs”, bà Phóng nhấn mạnh. 
 

Việt Nam hoan nghênh IPU hỗ trợ các Quốc hội thành viên đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc đóng góp, xây dựng và thực thi các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015; kiến nghị IPU cùng với các Quốc hội thành viên và các quốc gia xem xét sự phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột: Tăng trưởng kinh tế, môi trường được bảo vệ và công bằng, tiến bộ xã hội.

Do vậy, Việt Nam tán thành với nội dung cơ bản của 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên Hợp Quốc đang soạn thảo, nhất là các nội dung về xóa đói, giảm nghèo, phát triển tiểu vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, quản lý sử dụng tài nguyên, bảo đảm quyền con người, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giải quyết tình trạng bất công, bất bình đẳng xã hội, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của con người, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực…

Bà Tòng Thị Phóng bày tỏ: "Vai trò của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội cần được nâng cao thông qua việc ban hành, sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy thực hiện SDGs; quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách quốc gia để thực hiện SDGs; giám sát việc tổ chức thực hiện cũng như tuyên truyền phổ biến cho cử tri về SDGs và chương trình quốc gia thực hiện SDGs, những người không chỉ thụ hưởng mà còn là lực lượng quan trọng thực hiện công việc này".

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam - bà Tòng Thị Phóng - Trưởng đoàn đại biểu IPU 132 Việt Nam, phát biểu về mục tiêu thiên niên kỷ. ảnh: SKĐS.
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam - bà Tòng Thị Phóng - Trưởng đoàn đại biểu IPU 132 Việt Nam, phát biểu về mục tiêu thiên niên kỷ. ảnh: SKĐS.

Ngoài ra, cần tiếp tục mở rộng và thúc đẩy thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu được xây dựng dựa trên việc xây dựng lòng tin và quyết tâm của các Quốc hội vì mục tiêu phát triển bền vững. Tiếp tục các nỗ lực tăng cường hợp tác hiệu quả và mạnh mẽ giữa IPU và Liên Hợp Quốc, phát huy vai trò của các cơ chế hợp tác liên kết kinh tế khu vực, các thể chế tài chính thương mại quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới… trong quá trình thảo luận, xây dựng và thực hiện SDGs. 
 
Hòa bình và an ninh được coi là điều kiện tiên quyết, nền tảng vững chắc để đảm bảo việc xây dựng và thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 và các Mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, nỗ lực phấn đấu tăng cường hòa bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa các nguy cơ xung đột tiềm tàng và tìm giải pháp chấm dứt các cuộc xung đột hiện nay là nhiệm vụ lâu dài, cấp bách và trách nhiệm của tất cả các quốc gia. Một trong các biện pháp hữu hiệu góp phần thể hiện trách nhiệm của các nước là tôn trọng luật pháp quốc tế- nền tảng bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định phục vụ phát triển bền vững.

Cho ý kiến về các nội dung trên, Cố vấn đặc biệt, đại diện Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc - bà Amina Mohammed nhấn mạnh, cần đưa 17 mục tiêu phát triển bền vững chuyển thành hành động cụ thể. Những mục tiêu, chỉ tiêu cần phải được thực hiện bởi sự hợp tác chặt chẽ của thế giới, trong đó Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong huy động nguồn lực để đạt kết quả cao nhất trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Vai trò kiểm soát của Quốc hội đối với Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; việc huy động sự tham gia của người dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
 
Trong khi đó, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury bày tỏ mong muốn, với chủ đề phát triển bền vững, qua phiên thảo luận chung, các đại biểu tập trung thảo luận để đóng góp thiết thực vào văn bản quan trọng là đưa ra “Tuyên bố của IPU tại Hà Nội”.

Tại phiên họp, các thành viên cũng thảo luận và quyết định chương trình hoạt động, quyết định nội dung các kỳ họp Hội nghị IPU, trong đó trọng tâm là: biến đổi khí hậu, khủng bố; phòng tránh rủi ro thiên tai và phát triển bền vững.

Việt Nam luôn quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới

Chiều 29/3, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132), Liên minh Nghị viện Thế giới phối hợp với Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc tổ chức hội nghị bên lề “Đạt được tầm nhìn Bắc Kinh: Quan điểm của nam giới.”

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong cho biết, năm 2015 là năm bản lề để nhìn nhận lại những thỏa thuận đã đạt được về bình đẳng giới, đồng thời tái cam kết về vấn đề này trong thời gian tới. 20 năm đã qua kể từ khi Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh kêu gọi về bình đẳng giới ra đời, mặc dù nhiều nỗ lực toàn cầu đã đạt được, song tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị vẫn còn thấp. 

Tính đến tháng 1/2015, chỉ có 22% số nghị sỹ toàn cầu là nữ và chỉ 19 nước có phụ nữ là người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ.

Ông Martin Chungong hy vọng trong chương trình nghị sự sau năm 2015, bình đẳng giới sẽ có vị trí ngày càng cao và mong muốn các nhà lãnh đạo nam giới, đặc biệt trong Quốc hội, cần đóng vai trò lớn hơn trong thúc đẩy bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ.

Thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ là một trong những chủ đề quan trọng tại IPU - 132. ảnh minh họa: Xuân Hải.
Thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ là một trong những chủ đề quan trọng tại IPU - 132. ảnh minh họa: Xuân Hải.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Minh Huệ - Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, thành viên Tiểu ban Nội dung cho biết, Việt Nam đã có những nỗ lực nghiêm túc trong triển khai thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới. 

Việt Nam có nhiều biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, được thể hiện trong chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động...; luôn khuyến khích vai trò của nghị sỹ nữ trong Quốc hội, tăng cường thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là nam giới về vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình cũng như xã hội. 

Nhờ đó, nhiều mục tiêu về bình đẳng giới được thực hiện, ngày càng nhiều phụ nữ được tiếp cận và tham gia vào đời sống chính trị. Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội Việt Nam hiện nay là 24,4%, chưa đạt so với chỉ tiêu 30-35%, song là một chỉ tiêu cao ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Phụ nữ Việt Nam hiện nay cũng đã tham gia tích cực và chủ động trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đất nước, được giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe cũng ngày càng tăng.

Vấn đề về bình đẳng giới đã được lồng ghép vào nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013; các luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình cũng ngày càng được hoàn thiện. Vai trò của phụ nữ ngày càng được định hình rõ nét hơn trong đời sống và quyền lợi ngày càng được đảm bảo. 

Nhận thức về bình đẳng giới được nâng cao, ngày càng nhiều nam giới tham gia chia sẻ, giữ vai trò tích cực hơn trong cuộc sống gia đình. 

Phụ nữ ở nông thôn, vùng dân tộc khó khăn gặp nhiều bất lợi trong cuộc sống, là những đối tượng chủ đạo, được ưu tiên trong các chiến dịch, hành động của Chính phủ về xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về giới, thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh về bình đẳng giới.

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Liên minh Nghị viện Thế giới và các diễn đàn song phương, đa phương khác, Việt Nam luôn thúc đẩy trao đổi, thảo luận về thực hiện bình đẳng giới, khuyến khích tăng cường hợp tác nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ, đẩy mạnh mục tiêu phát triển về giới, nỗ lực xóa bỏ kỳ thị về giới.

Đề xuất chống nhóm khủng bố Boko Haram

Sau phiên thảo luận chung, vào chiều tối 29/3, Đại hội đồng IPU 132 đã xem xét đề mục của chương trình nghị sự và xem xét khả năng bổ sung vấn đề khẩn cấp vào chương trình nghị sự. Kết quả phiên họp về chủ đề khẩn cấp là đề xuất của Bỉ và Australia về đối phó với nhóm khủng bố Boko Haram đã được thông qua với số phiếu cao nhất.

Theo quy định của IPU, bất cứ thành viên nào cũng có thể đề nghị bổ sung chủ đề khẩn cấp vào chương trình nghị sự của IPU. Yêu cầu của chủ đề này phải là vấn đề có được sự quan tâm của thế giới và nhận được 2/3 số phiếu thuận. Vấn đề nào nhận được nhiều phiếu thuận nhất sẽ được bổ sung và sẽ chỉ có 1 vấn đề được bổ sung vào chủ đề khẩn cấp.

Tại phiên thảo luận về các vấn đề khẩn cấp, nhiều chủ đề khẩn cấp đã được các đoàn đại biểu đề xuất lên, trong đó Cộng hòa Chad đề xuất chống nhóm khủng bố Boko Haram; Syria đề xuất về tăng cường vai trò của IPU trong chống khủng bố và chống IS tại Iraq và Syria; Iran đề xuất bảo vệ các di sản của nhân loại; Australia và Bỉ đề xuất về việc đối phó với Boko Haram.

Kết quả bỏ phiếu là đề xuất của Bỉ và Australia đã được thông qua với số phiếu cao nhất (trên 2/3 số phiếu thuận) và được lựa chọn làm chủ đề khẩn cấp của IPU-132. Đề xuất của Iran cũng giành được trên 2/3 số phiếu thuận nhưng tổng số phiếu không cao bằng số phiếu của Bỉ và Australia.

Phát biểu tại cuộc bỏ phiếu về các vấn đề khẩn cấp, đại diện của đoàn Bỉ và Australia cho biết, đề xuất chung của hai nước đầu tiên được Australia đưa ra với sự ủng hộ của Bỉ để đối phó với các hoạt động khủng bố chống lại phụ nữ và trẻ em vô tội. Theo đại diện hai nước, các hành động này cần được đoàn kết ngăn chặn trên phạm vi toàn cầu 

Ngọc Quang