Trong hai ngày 26 và 27/4, Đoàn giám sát Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 đã làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và Ủy ban nhân dân các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Hải Châu.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các quận, Sở nội vụ đã nêu ra những khó khăn trong việc tinh giảm biên chế, điều chuyển cán bộ. Hàng loạt những khó khăn, bất cập khi thực hiện Luật chính quyền địa phương.
Đoàn giám sát Quốc hội làm việc tại Đà Nẵng. Ảnh: TT |
Đại diện quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, về phía ủy ban nhân dân theo quy định có hai phó chủ tịch và hội đồng nhân dân cũng có hai phó chủ tịch. Trong khi đó, số lượng công việc phải giải quyết của phía ủy ban lớn hơn rất nhiều.
Dẫn đến tình trạng một bên thiếu hụt, một bên thừa. Do đó, vị này kiến nghị tăng thêm một phó chủ tịch quận và giảm bớt một phó chủ tịch hội đồng nhân dân.
Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo Đà Nẵng cũng thừa nhận hiện địa phương này có ba Sở có số lượng cấp phó giám đốc Sở vượt quá quy định của Chính phủ (quy định mỗi Sở chỉ có tối đa ba phó giám đốc).
Ba sở “lạm phát” cấp phó này gồm: Sở y tế, Sở Lao động Thương bình và xã hội, Sở Nội vụ.
Lý giải vấn đề này, ông Võ Ngọc Đồng - giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc số lượng phó giám đốc sở vượt quá quy định, trong đó có yếu tố do lịch sử để lạị.
Thời gian tới, các Sở này sẽ có phó giám đốc đến tuổi nghỉ hưu và sẽ không bổ nhiệm mới.
Cụ thể, Sở y tế hiện có năm phó giám đốc nhưng có một người đang phải điều trị bệnh dài ngày, hai phó giám đốc đang kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Bệnh viện.
Theo lộ trình, trong năm 2017, Sở y tế sẽ có hai phó giám đốc về hưu, Sở Lao động Thương binh và Xã hội có một phó giám đốc về hưu. Đến năm 2018 thì Sở Nội vụ có một phó giám đốc về hưu.
"Bội thực" cấp phó(GDVN) - Vấn đề “lạm phát” cấp phó là chủ đề được quan tâm của nhiều Đại biểu Quốc hội khi bàn đến Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ. |
Ông Đồng cho rằng, do công việc ở các sở, ngành rất nhiều nên ba phó giám đốc cũng không đủ để xử lý công việc. Về lộ trình “cắt giảm” cấp phó vượt quy định cũng cần xử lý hợp lý, tránh trường hợp xảy ra kiện cáo.
Ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc họp hành quá nhiều dẫn đến tình trạng cấp phó nhiều nhưng vẫn thấy thiếu.
Còn việc tinh giảm biên chế trong thực tế cũng là việc khó khăn, không giảm được bao nhiêu. Bởi cứ siết ở khu vực hành chính công thì nhân sự sẽ đổ về các đơn vị sự nghiệp. Ngân sách vẫn phải chi trả.
Ông Trần Văn Túy - Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng đoàn giám sát Quốc hội cho hay, chuyện tinh giảm biên chế cần giao quyền cho người đứng đầu, thủ trưởng đơn vị.
Trong đó, người lãnh đạo cần biết mình cần bao nhiêu người. Ngoài ra, việc đánh giá cán bộ cần dựa vào sản phẩm, vào thành quả của họ.
Dẫn chứng cho điều này, ông Túy kể câu chuyện ở Singapore thưởng tiền cho mỗi sáng kiến tốt được áp dụng vào thực tiễn.