Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vừa nhận được đơn kêu cứu của vợ chồng anh Trần Thanh Hùng (SN 1980) và chị Nguyễn Thị Thịnh (SN 1980, cùng trú thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) về việc chính quyền xã làm những chuyện “động trời” đối với gia đình.
Theo trình bày của vợ chồng anh chị Nguyễn Thị Thịnh, khi dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đi qua địa bàn, gia đình chị Thịnh nằm trong diện phải giải tỏa, đền bù để bàn giao mặt bằng cho dự án.
Hộ của chị Thịnh được đền bù 930 triệu đồng (làm tròn số) trên tổng diện tích đất ở và đất ruộng là 2.500m2 và những công trình khác trên đất ở.
“Sau khi có quyết định đền bù, vợ chồng tôi đồng ý với mức giá đền bù 930 triệu đồng đó. Nhưng khi chúng tôi đi nhận tiền ở Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình thì họ chỉ cho nhận hơn 720 triệu đồng, còn lại gần 210 triệu đồng họ “ách” lại với lý do có 5% đất công ích của xã chứ không phải đất khai hoang của gia đình như hồ sơ trước đó nên không đền bù”, chị Thịnh nói.
Vợ chồng anh Hùng, chị Thịnh trình bày sự việc. Ảnh Thùy Linh |
Thấy bỗng nhiên “bị mất” gần 210 triệu đồng, vợ chồng anh chị Thịnh “gõ cửa” UBND xã Bình Chánh vì sao lại thay đổi quyết định so với hồ sơ đền bù ban đầu nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Chị Thịnh trình bày, năm 2001, hai vợ chồng chị cùng một số hộ dân khác khai hoang được một số diện tích đất và sinh sống ở đó cho đến nay.
Nhưng không hiểu vì sao UBND xã Bình Chánh hồ sơ ban đầu đã đồng ý đền bù 930 triệu đồng, mà sau này lại “lòi” thêm 5% đất công ích.
Trước sự việc đó, gia đình chị Thịnh đã gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng. Tại Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 3/7/2015 của UBND huyện Thăng Bình giải quyết khiếu nại bồi thường của hộ chị Thịnh, anh Hùng do ông Nguyễn Văn Ngữ chủ tịch UBND huyện Thăng Bình ký (nay đã nghỉ hưu - PV) nêu rõ tổng giá trị bồi thường cho hộ anh Hùng, chị Thịnh là 930 triệu đồng (làm tròn số) gồm đất vườn, đất ruộng, nhà, tiền hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất...
Nhưng tới ngày 10/8/2015, ông Huỳnh Văn Hoàng, chủ tịch UBND xã Bình Chánh lại ký gửi tờ trình lên UBND huyện Thăng Bình đề nghị không tiếp tục chi trả tiền đền bù đất cho gia đình anh Hùng, chị Thịnh 4 khoảnh đất trong số các khoảnh đất đã được chính xã này là thủ tục, hồ sơ đền bù gửi lên huyện trước đó.
Chị Thịnh chỉ mảnh đất đền bù mà xã cho rằng là đất 5% của xã. Ảnh Thùy Linh |
Lý do mà lãnh đạo UBND xã Bình Chánh đưa ra là các diện tích đất này không phải là đất khai hoang, không thuộc sở hữu của gia đình anh Hùng, mà là đất 5% do xã quản lý.
Sau đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình đã tham mưu cho UBND huyện Thăng Bình dừng chi trả tiền đền bù (gần 210 triệu đồng - PV) 4 khoảnh đất này.
Ngày 21/9/2015, Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Nguyễn Văn Hương ký quyết định hủy bỏ 4 quyết định thu hồi 4 khoảnh đất này. Số tiền gần 210 triệu đồng đền bù của gia đình anh chị Hùng bị “ách” lại.
“Vợ chồng chúng tôi không hiểu chính quyền xã làm hồ sơ thế nào mà trước đó đã đồng ý đất đó là đất khai hoang và mọi thủ tục đền bù đã xong. Nhưng sau đó lại đi ngược lại với hồ sơ do UBND xã làm trước đó. Điều đáng nói, một số hộ dân xung quanh cũng khai hoang đất như thế họ được nhận đền bù, còn gia đình tôi thì bị “ách” lại gần 210 triệu đồng”, chị Thịnh cho biết.
Điều lạ là ông Trần Thế Vinh, trưởng thôn Mỹ Trà (xã Bình Chánh) lại ký một “Bản cam kết” với gia đình anh Hùng nhận thay số tiền 210 triệu đồng này với điều kiện thôn giữ lại 80% số tiền để…xây dựng nhà văn hóa thôn!?.
“Vợ chồng tôi xuống Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện nhận tiền thì họ không cho, trong lúc đó ông trưởng thôn Trần Thế Vinh lại nói và cam kết là sẽ nhận được số tiền còn lại này với điều kiện trích lại 80% để xây nhà văn hóa thôn. Thấy vô lý vợ chồng tôi không đồng ý”, chị Thịnh nói.
Clip chị Nguyễn Thị Thịnh trao đổi với phóng viên về vụ việc |
Chúng tôi đã liên lạc làm việc với ông Trần Thế Vinh để xác minh thông tin. Ông Vinh bận đi công việc nên không tiếp và qua điện thoại, ông Vinh xác nhận là mình có viết “Bản cam kết” và ký vào đó với nội dung như đã nêu trên.
Để tìm hiểu rõ sự việc, chiều 15/12, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Bình Chánh.
Theo ông Huỳnh Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình, thì việc ông Vinh viết bản cam kết nhận tiền thay cho gia đình anh Hùng, chị Thịnh là việc ông Vinh tự làm, UBND xã không biết và xã cũng không có chủ trương xây dựng nhà văn hóa thôn bằng cách huy động tiền như thế này.
“Chúng tôi sẽ tiến hành họp và sẽ có hình thức xử lý đối với trưởng thôn Vinh về chuyện này, có lẽ mức xử lý cao nhất là cách chức”, ông Hoàng cho biết.
Trả lời về việc vì sao UBND xã lại “mâu thuẫn” chính mình khi làm hồ sơ đền bù của hộ gia đình anh Hùng và chị Thịnh như trên, ông Hoàng cho rằng sau khi rà soát lại, UBND xã thấy “sai sót” trong việc xác định hồ sơ của hộ anh Hùng nên làm lại, cụ thể xác định 5% đất công ích.
“Trường hợp đền bù của hộ gia đình anh Hùng sau khi xác định lại có 5% đất công ích, xã cho gia đình này thuê và có thu thuế hàng năm. Nếu là đất khai hoang thì dân hưởng tiền đền bù, còn là đất 5% công ích thì xã hưởng”, ông Hoàng nói.
Chúng tôi yêu cầu ông Hoàng cung cấp hợp đồng mà UBND xã cho hộ anh Hùng, chị Thịnh thuê đất cũng như biên lai trả tiền thuê đất như lời ông này nói, nhưng ông Hoàng lại viện cớ cán bộ phụ trách hồ sơ này đi vắng nên không cung cấp được.
Trong lúc đó, chị Thịnh nói gia đình chị không thuê đất này của xã, nếu xã nói có hợp đồng, có phiếu thu tiền hàng năm thì đưa ra để đối chứng.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua phần đất của gia đình anh Hùng, chị Thịnh. Hiện gia đình chị Thịnh đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để kịp tiến độ, nhưng số tiền đền bù 210 triệu đồng còn lại đang được gia đình khiếu nại khắp nơi. Ảnh Thùy Linh |
Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Chi, giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình cho hay, việc chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng trên nguyên tắc tuân thủ các quyết định thu hồi đất của UBDN huyện Thăng Bình.
“Số tiền đền bù gần 210 triệu đồng còn lại của hộ gia đình anh Hùng chúng tôi “ách” lại là căn cứ vào tờ trình của UBND xã Bình Chánh đề nghị dừng chi trả với lý do xác định nhầm nguồn gốc. Còn chuyện ông trưởng thôn Vinh nếu có lên Trung tâm nhận thay tiền đền bù như ông ấy viết cam kết với hộ dân thì chúng tôi cũng không cho nhận thay”, ông Chi cho biết.
Trở lại với vợ chồng anh Hùng, chị Thịnh, sau khi bị giải tỏa, gia đình có mua một thửa đất ở tổ 2, thôn An Bình, xã Bình Chánh với diện tích 300m2, giá 27 triệu đồng để làm nhà ở.
Ngày 7/7/2015, UBND huyện Thăng Bình đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho vợ chồng anh Hùng, chị Thịnh.
Tuy nhiên, điều trớ trêu thay, sau khi có sổ đỏ, vợ chồng anh Hùng cùng với cán bộ địa chính xã Bình Chánh tới hiện trường nhận đất để làm nhà ở thì phát hiện thửa đất đó đã có chủ sở hữu từ lâu.
“Họ bán đất rồi cấp sổ đỏ cho vợ chồng tôi mà không xác minh đất thực tế, để khi chúng tôi lấy đất làm nhà thì mới tá hỏa đó là đất của người khác. Vợ chồng tôi đã chấp nhận đền bù giải tỏa đi nơi ở mới nhưng bị xã làm như thế chúng tôi không biết làm sao”, chị Thịnh nói.
Chủ tịch UBND xã Bình Chánh Huỳnh Văn Hoàng thừa nhận các sự việc xảy ra như nêu trên là chính quyền xã đã sai. Tuy nhiên, khi hỏi hình thức xử lý thì ông Hoàng cho rằng sẽ họp và kiểm điểm, rút kinh nghiệm...Ảnh Thùy Linh |
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Bình Chánh Huỳnh Văn Hoàng xác nhận do cán bộ địa chính xã tham mưu cho huyện…chưa chính xác nên xảy ra cơ sự như trên.
“Trước mắt, chúng tôi tạo điều kiện cho hộ anh Hùng chọn lại lô đất khác bằng diện tích cách nhà khoảng 50m để tham mưu cho huyện cấp lại”, ông Hoàng nói.
Khi chúng tôi hỏi, trách nhiệm của chính quyền xã trước sự việc là hồ sơ đền bù tham mưu cho huyện chưa chính xác, cán bộ địa chính không nắm được vị trí đất mà đã tham mưu cho huyện bán đất cho dân nhưng không biết đất đã có chủ…thì ông Hoàng cho rằng xã đã sai tất cả mọi việc.
“Chúng tôi sẽ tiến hành họp để xử lý, rút kinh nghiệm đối với cán bộ địa chính”, ông Hoàng nói.