Hay tin, Bộ Công Thương “sờ gáy” 7 công ty bán hàng đa cấp, đã và đang lấy đi không biết bao nhiêu giọt nước mắt tức tưởi của người dân, dư luận vỗ tay khen sự vào cuộc của Bộ Công Thương, hy vọng ngăn được “cơn bão” đa cấp đang càn quét ở nhiều miền quê, làm người nghèo kiệt quệ.
Thế nhưng, báo chí tiết lộ biên bản làm việc của đoàn kiểm tra do Bộ Công Thương thành lập với Công ty đa cấp không ít tai tiếng nhiều năm qua-công ty Thiên Ngọc Minh Uy thì dư luận bỗng té ngửa vì những con số đầy hào nhoáng, hoàn hảo đến mức không ai ngờ được.
Với 138 sản phẩm và bộ sản phẩm đăng ký kinh. Đoàn kiểm tra lấy mẫu ngẫu nhiên 67 sản phẩm thực phẩm chức năng, 5 sản phẩm mỹ phẩm và 6 sản phẩm điện máy. Kết quả 100% sản phẩm có đủ giấy tờ hợp lệ- nghĩa là sản phẩm thật không phải là giả.
Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy: Dân khóc, Bộ ủng hộ (Ảnh: doanhnghiepvn.vn) |
Doanh số bán hàng của Thiên Ngọc Minh Uy chứng minh công ty đa cấp này trưởng thành nhanh chóng. Năm 2014 doanh thu đạt 1.205 tỷ đồng, năm 2015 đạt 2.488 tỷ đồng. Tỷ lệ chi hoa hồng năm 2015 là 992,4 tỷ đồng, có 5.536 đơn hàng bị khách hàng trả lại…
Nói ngắn gọn là, trong ba ngày kiểm tra, đoàn kiểm tra không phát hiện được sai sót nào lớn, chỉ vài ba sai sót lặt vặt được cho là nhắc nhở về thủ tục hành chính.
Tất nhiên, ba ngày chỉ đủ để đoàn kiểm tra trên báo cáo, sổ sách. Đoàn kiểm tra tin, dư luận thì không.
Các Sở Công Thương không nắm được thực tế hoạt động của đa cấp?(GDVN) - Liệu có phải do các Sở Công Thương cũng không nắm được thực tế nên hoạt động kinh doanh đa cấp sai phạm vẫn diễn ra trên diện rộng? |
Tỷ lệ chi hoa hồng năm 2015 là 992,4 tỷ đồng, chứng minh người dân tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy ngày một nhiều, thông qua con số mà đoàn thanh tra đánh giá là “trưởng thành nhanh chóng”, cho thấy Thiên Ngọc Minh Uy dư sức lấy tiền của người trước trả lại người sau.
Vậy hơn 5 nghìn người trả lại sản phẩm vì lý do gì, đoàn thanh tra không nói rõ?
Có thể đoàn thanh tra không biết vì chỉ kiểm tra trên sổ sách, nhưng người dân thì rõ lắm. Ví như, gói khám chữa bệnh chỉ là đấm bóp với giá 11.800.000 đồng cho một mã số mua hàng.
Nếu không nhận hàng thì sẽ được mát xa 4 lần/ tháng, chỉ có giá trị trong 3 tháng. Và sau 2 năm, người mua nhận về 25.000.000 đồng. Ai giới thiệu thêm người mua thì nhận được hoa hồng là 1,4 triệu đồng.
Vậy người dân hỏi đoàn kiểm tra có thấy Thiên Ngọc Minh Uy đăng ký khám chữa bệnh không?
Lấy điển hình ở Vĩnh Long, cơ quan chức năng kiểm tra Công ty Thiên Ngọc Minh Uy và 6 đại lý của công ty phát hiện: Sản phẩm kê khai không trung thực, nhãn hàng ghi không đầy đủ, khuyến mại không khai báo; các đại lý sử dụng người hành nghề khám chữa bệnh không có chứng chỉ, không có giấy phép khám chữa bệnh.
Chỉ một Vĩnh Long thôi cho thấy kết quả kiểm tra thực tế ngược hẳn với kiểm tra trên báo cáo và sổ sách.
Trong khi người dân kêu thấu trời vì đã trót tin vào tiêu chí của Thiên Ngoc Minh Uy là “hái ra tiền”.
Liên Kết Việt lừa hơn 60.000 người: "Nhận trách nhiệm" có yên lòng người dân?(GDVN) - Vụ Công ty đa cấp Liên Kết Việt lừa hơn 60.000 người dân, dư luận chờ đợi Bộ Công Thương “chịu trách nhiệm” nhưng không chỉ dừng ở lời nói... |
11 người dân ở tỉnh Thừa Thiên –Huế đã nộp đơn đến cơ quan chức năng tố cáo bị Thiên Ngọc Minh Uy lừa đảo chiếm đoạt cả tỷ đồng. Họ đến đòi số tiền đã nộp nhưng không được trả lại.
Xin mời đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đến gặp cụ già trên 80 tuổi Đặng Văn Ân ở ngay Hà Nội ( trú tại 123 Linh Quang, phường Văn Chương, Đống Đa), cụ sẽ nói rõ là bị Thiên Ngọc Minh Uy dụ dỗ, lôi kéo như thế nào.
Công ty bán thuốc cho cụ nhưng không cho cầm về, vì chỉ có nhân viên của Thiên Ngọc Minh Uy được đào tạo từ nước ngoài về với sử dụng được.
Cụ đã chi 1,85 tỷ đồng cho gói chăm sóc sức khỏe. Thấy cụ bạo tay chi mua mã chăm sóc sức khỏe, Thiên Ngọc Minh Uy cũng mạnh tay chi tiền tri ân lần đầu với số tiền không nhỏ là 358 triệu đồng. Lời lãi nào cao hơn được Thiên Ngọc Minh Uy.
Hết sạch tiền, cụ Ân còn đem cầm sổ đỏ để mua thêm 54 mã dưỡng sinh, đủ điều kiện lên cấp trưởng phòng. “Có chức vụ thì thu lại tiền gốc trong vài tháng, một năm sau có vài tỷ đồng. Họ bảo tôi thế, nên tôi ham”- cụ Ân cho hay.
Thế nhưng tri ân với cụ Ân được Thiên Ngọc Minh Uy theo kiểu: Bỏ 1,85 tỷ đồng, nhận về 358 triệu thì đoàn kiểm tra có cho là lừa đảo không?
Cụ nói: “Quy luật trả tiền hoa hồng của họ là, cứ sau mỗi lần tôi đóng vào đó một khoản tiền lớn, thì sau đó là nhận được hoa hồng. Họ trả hoa hồng nhỏ giọt nhưng cũng khiến tôi mê muội, cứ lao theo lời dụ”.
Truyền thông thì thâm nhập vào tận “ổ” của Thiên Ngọc Minh Uy để vạch trần chiêu trò dụ dỗ để cảnh báo cho người dân. Chẳng lẽ báo chí viết sai? Mà đã sai thì ắt Thiên Ngọc Minh Uy phải lên tiếng để bảo vệ danh dự, uy tín của công ty. Thế nhưng Thiên Ngọc Minh Uy vẫn im lặng.
Dư luận đặt câu hỏi, chẳng lẽ đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương không đọc báo.
Cho dù, ông Bạch Văn Mừng- Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh ( Bộ Công Thương) lên tiếng sau khi báo chí tiết lộ kết luận biên bản của đoàn kiểm tra, rằng: “ Hiện đoàn kiểm tra chưa báo cáo, chưa có kết luận. Tôi xin khẳng định như vậy”.
Có thể đoàn kiểm tra chưa có báo cáo tới ông, nhưng nội dung mà báo chí “tiết lộ” từ biên bản làm việc với Thiên Ngọc Minh Uy hẳn là có cơ sở.
Nếu đoàn kiểm tra nhận định rằng, Thiên Ngọc Minh Uy không có sai phạm lớn, các thành viên của đoàn có dám nói lời cam kết trước xã hội “sẽ chịu trách nhiệm nếu Thiên Ngọc Minh Uy đổ vỡ như Liên kết Việt?”.
7 công ty bị “sờ gáy” có nằm trong “số phận an toàn” như Thiên Ngọc Minh Uy?