Bà Rịa – Vũng Tàu vừa chỉ đạo cơ quan chức năng di chuyển nơi thờ cúng Nữ anh hùng Võ Thị Sáu (người dân quen gọi là Cô Sáu) tại huyện Côn Đảo vào nơi khu thờ cúng chung (Đền thờ Côn Đảo) khiến nhiều người dân địa phương không đồng tình về việc này.
Đền thờ Liệt sĩ Võ Thị Sáu được người dân Côn Đảo lập từ đầu những năm 90 của Thế kỷ trước, nơi đây trở thành địa điểm tâm linh thân thuộc của người dân đảo và du khách thập phương mỗi lần đến đây. Ảnh Hải Ninh |
Côn Đảo được biết đến có nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu là biểu tượng tâm linh, lòng quả cảm, kiên cường được lịch sử tôn vinh.
Ngoài mộ phần nữ anh hùng tại nghĩa trang Hàng Dương, người dân và du khách khi đến Côn Đảo đều đến nhà tưởng niệm người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu để dâng hương.
Tượng Liệt sĩ Võ Thị Sáu được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đặt trong đền thờ. Ảnh Hải Ninh |
Nơi đây, như một ngôi nhà giành riêng cho Nữ Anh hùng gồm có những vật phẩm, kỷ vật, hồi ký và những chiến tích vang dội để bất cứ ai đến đây đều thành tâm cung kính dâng hương người vì sự biết ơn và có giá trị giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ muôn đời.
Chủ trương của chính quyền là di dời đền thờ nữ Anh hùng liệt sĩ để lấy đất phục vụ mục đích chưa rõ ràng. |
Tuy nhiên, ngày 31/3/2014, Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu có thông báo kết luận số 1189 - TB/TU chỉ đạo di dời việc thờ cúng Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Thị Sáu từ nhà tưởng niệm hiện nay vào thờ cúng tại đền thờ Côn Đảo nằm trong khuôn viên nghĩa trang Hàng Dương.
Đến ngày 03/03/2016, Thường trực Tỉnh ủy có Công văn số 360- CV/TU về nội dung chuyển việc thờ cúng Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang.
Hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Côn Đảo đã di dời việc thờ cúng Nữ Anh hùng từ Nhà tưởng niệm hiện nay vào nơi thờ cúng tại Đền thờ Cồn Đảo.
Nhiều người dân bày tỏ sự không đồng tình với việc làm này của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Di dời vì công trình 120 tỷ đồng vắng khách quá!
Để tìm hiểu rõ thông tin, phóng viên đã thực tế tại địa bàn huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Nhiều người dân sinh sống tại Côn Đảo cho rằng: Việc di chuyển tượng Cô Sáu người dân không được thông báo rộng rãi, công khai. Trong khi đó, việc thờ cúng Cô tại nhà tưởng niệm đang ổn định như vậy thì không cần thiết phải di chuyển đi chỗ khác.
Ông Nguyễn Đình Lợi, một du khách đến từ TP. Hà Nội bức xúc cho rằng: “Tôi nhiều lần ra Côn Đảo du lịch và lần nào cũng đến thắp hương Cô Sáu tại khu nhà tưởng niệm và mộ của Cô. Lần này tôi ra khi đến thắp hương thì thấy cửa đóng im ỉm, tượng cô đã di dời. Hỏi người dân mới biết lực lượng chức năng của huyện, tỉnh mới di chuyển tượng Cô vào đền thờ”.
Ông Hồ Văn Lợi, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du Lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thừa nhận "Công trình xây hơn 120 tỷ đồng vắng khách quá nên muốn đưa đền thờ cô Sáu vào". Ảnh Hải Ninh. |
Nhiều người kiến nghị, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên giữ nguyên hiện trạng thờ cúng Cô tại nhà tưởng niệm như hiện nay, để bảo vệ, giữ gìn nơi linh thiêng.
Liên quan đến vụ việc trên, trong buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hồ Văn Lợi, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết:
"Khu nhà tưởng niệm Cô Sáu hiện nay, tiền thân là Miếu Tiên Sư được xây dựng từ trước năm 1975, người dân địa phương sau đó đưa tượng Cô Sáu vào thờ cúng rồi thường gọi là đền thờ Cô Sáu.
Cô Sáu sống với đồng đội, chết với đồng đội thì phải đưa cô vào trong đền thờ khang trang. Đưa những liệt sỹ, những đồng chí đồng đội vào cùng thờ cúng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa Cô Sáu vào đền thờ là hợp lý”.
Ông Lợi cho biết thêm, công trình Đền thờ Côn Đảo có số vốn đầu tư lên đến 120 tỷ đồng, nhưng kể từ khi đưa vào sử dụng đến nay rất vắng khách, gây lãng phí. Đây cũng là một trong những lý do khiến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa tượng Liệt sĩ Võ Thị Sáu vào Đền thờ Côn Đảo để thu hút khách.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức di chuyển tượng Liệt sĩ Võ Thị Sáu và tiến hành đóng cửa đền cũ. Ảnh Hải Ninh |
Thông tin thêm với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "Trước tại huyện Côn Đảo chưa có đền thờ liệt sỹ thì người dân để tượng cô tại miếu thờ thánh thần. Mới đây, năm 2014 dự án Đền thờ Côn Đảo đã khánh thành với 120 tỷ đồng tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Đền thờ đàng hoàng rồi thì bố trí thờ các liệt sỹ ở hai bên, một bên là các liệt sỹ nam, một bên là thờ cô Võ Thị Sáu, thỉnh cô vào thờ. Cô Sáu phải sống xung quanh đồng đội chứ không thể thờ riêng được.
Đối với khu miếu thờ thánh thần (nơi đặt tượng Cô Sáu) xây từ thời Pháp thì vẫn giữ nguyên không phá rỡ”.
Chủ trương xây dựng đền thờ khang trang, quy mô để tưởng nhớ, thờ tự các liệt sĩ có công lớn trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở Côn Đảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là hoàn toàn đúng và đáng được hoan nghênh.
Tuy nhiên, việc di chuyển tượng thờ liệt sĩ Võ Thị Sáu về nơi thờ tự mới, đóng cửa nơi thờ tự cũ mà không lấy ý kiến người dân, không nhận được sự đồng tình của nhân dân là việc làm cần phải được thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu nghiêm túc xem xét lại.
Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933 ở xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, nay là huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Được sinh ra ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, năm 1947, khi mới 14 tuổi, chị gia nhập Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ với mong muốn trừng trị bọn ác ôn. Từ đó, chị đã trở thành người chiến sĩ trinh sát làm nhiệm vụ phá tề, trừ gian với nhiều chiến công nổi tiếng. Tháng 2/1950, chị dẫn đầu một tổ, dùng lựu đạn tập kích diệt hai tên ác ôn Cả Suốt, Cả Đay. Không may chị bị sa vào tay địch. Chúng dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng không khai thác được gì, liền đưa chị về giam ở khám Chí Hòa, Sài Gòn để tiếp tục khai thác và sau đó mở phiên tòa, tuyên án tử hình chị. Tại phiên tòa đại hình, tuy mới 17 tuổi, nhưng chị Võ Thị Sáu đã hiên ngang tỏ rõ khí phách anh hùng của một thiếu nữ Việt Nam làm cho lũ quan tòa và đồng bọn đều phải nể sợ. Chị sang sảng khẳng định: "Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội". Và khi tên quan tòa rung chuông ngắt lời chị, tuyên án: "Tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản", chị đã thét vào mặt y: "Tao còn mấy thùng rác ở khám Chí Hòa, tụi bây vô mà tịch thu!". Tiếp đó là tiếng hô: "Đả đảo thực dân Pháp!". "Kháng chiến nhất định thắng lợi!". Thực dân Pháp muốn giết chết ngay người con gái đáng sợ này, nhưng không dám thực hiện bản án tử hình đối với người chưa đến tuổi thành niên. Chúng phải tiếp tục giam chị ở khám Chí Hòa và rồi đưa ra Côn Đảo. Ngày 23/1/1952, chúng thi hành bản án, bắn chết chị ở ngoài hòn đảo xa đất liền này sau hai ngày chúng đưa chị ra đây. Biết sắp bị hành hình, suốt đêm 22, chị đã gửi lòng mình với đất nước và nhân dân bằng những bài ca cách mạng: Lên đàng, Tiến quân ca, Cùng nhau đi hùng binh... |